Thứ hai, Tháng mười hai 16, 2024

Doanh nghiệp du lịch gấp rút chuẩn bị kế hoạch ‘tái xuất’

Thông tin về việc ngành y tế đã kiểm soát kiểm soát được dịch ở miền Trung đã đem đến hy vọng cho ngành du lịch. Nhiều doanh nghiệp cho biết đang đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực, gấp rút chuẩn bị sản phẩm để quay lại thị trường ngay khi dịch được khống chế.

Nhìn dịch để chuẩn bị "ra quân"

Thị trường du lịch hiện đang đình trệ. Phần lớn doanh nghiệp lữ hành đã tạm ngừng hoạt động, số còn lại chỉ hoạt động cầm chừng nhưng kế hoạch quay lại thị trường vẫn đang được chuẩn bị. Mấy ngày gần đây, một số doanh nghiệp cho biết đang gấp rút đẩy mạnh các hoạt động để "tái xuất" khi ngành y tế khẳng định đã khống chế được vùng dịch ở miền Trung.

"Nếu hết tháng Chín mà dịch được khống chế thì chúng tôi có thể chào tour từ đầu tháng 10", ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Tiếp thị, Truyền thông của Công ty TST Tourist nói.

Tại công ty này, phần lớn nhân viên vẫn đi làm trọn thời gian để đào tạo nhằm có thể trở lại thị trường ngay khi dịch kết thúc. Khâu chuẩn bị sản phẩm cũng gần như hoàn tất. Tour cho mùa Thu, tour du lịch Tết, thậm chí tour cho mùa hè năm 2021 cũng đã sẵn sàng.

"Tour sau dịch sẽ khác về giá cả, dịch vụ. Chúng tôi sẽ đưa ra nhiều tuyến du lịch nhưng tạm thời chưa chốt phương án cuối cùng, chờ thêm tình hình dịch", ông Mẫn nói.

Khách du lịch ở Bãi đá Ông Địa, Hàm Tiến, Thành phố Phan Thiết. Ảnh: Đào Loan

Trò chuyện với TBKTSG Online về kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Hoài Nguyên, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Bến Thành Tourist cũng hy vọng có thể quay trở lại hơn từ tháng 10 tới. Với thị trường nội địa, thông tin tích cực là dịch từng bước được khống chế. Với mảng du lịch nước ngoài, thông tin một số nước sắp có vắc-xin cũng làm cho thị trường có hy vọng hơn.

"Chúng tôi hy vọng có thể chào sản phẩm từ tháng 10", ông nói.

Nhiều doanh nhân cũng kỳ vọng nếu tình hình khống chế dịch tiến triển như hiện tại thì có thể khai thác một phần thị trường du lịch mùa thu và trọn vẹn mùa du lịch Tết. Nhiều nơi đã chuẩn bị kế hoạch kích cầu để thu hút du khách nhưng có vẻ như sau đợt dịch lần hai này, thị trường sẽ có một số thay đổi lớn.

Do dịch kéo dài nên xu hướng khách hàng quan tâm đến vệ sinh an toàn, đi du lịch gần nhà, theo nhóm nhỏ và tiết kiệm cũng sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, có thể "cuộc chiến" đại hạ giá để thu hút khách sẽ bớt khốc liệt hơn vì nhiều nơi đã nhận ra việc lao vào hạ giá để kéo khách không những làm cho hiệu quả kinh doanh kém đi mà còn làm cho khách hàng mất lòng tin vào nhà điều hành dịch vụ.

Nhiều doanh nhân cho biết, sau dịch sẽ đưa thêm dịch vụ, sản phẩm mới để kéo khách và thu hút những phân khúc khách hàng mới.

Theo ông Nguyên của Bến Thành Tourist, cùng với những khách hàng tiết kiệm hơn thì sau dịch sẽ có người sẳn sàng chi trả hơn. Đây là những người có thu nhập tốt, đã ở một thời gian quá dài, chứng kiến quá nhiều thay đổi của cuộc sống, xã hội nên sẳn sàng chi trả để ra ngoài tận hưởng cuộc sống.

"Không chỉ là dòng sản phẩm tiết kiệm, những sản phẩm cao cấp sẽ phát triển hơn sau dịch", ông nói. Sau thời giãn cách trước đây, phân khúc khách dùng dịch vụ cao cấp tại công ty này cũng tăng trưởng rất tốt. Khách hàng yêu cầu dịch vụ 4, 5 sao nhiều hơn, những dịch vụ có rất ít khách trước đây như du lịch bằng thủy phi cơ cũng được yêu cầu nhiều hơn.

Tiếp tục đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Cùng với kế hoạch "tái xuất" của doanh nghiệp, những ngày gần đây, các cơ quan quản lý du lịch cũng thảo luận nhiều về việc tiếp tục đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và chuẩn bị cho đợt kích cầu mới.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM, nếu dịch được kiểm soát trong tháng Tám và tháng 9 thì phải kích cầu du lịch sớm. TPHCM đang chuẩn bị sản phẩm tại thành phố và hợp tác với một số địa phương để đưa ra các gói kích cầu.

Tuy nhiên, để việc thu hút khách sau dịch có hiệu quả hơn, cần có chương trình truyền thông lớn trên quy mô cả nước về điểm đến an toàn và các chương trình du lịch an toàn để du khách an tâm lên đường.

Trong tuần này, lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng Tổng cục Du lịch cũng thảo luận về việc tiếp tục đề xuất các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm ngăn chặn sự đứt gãy trong chuỗi mắt xích phát triển của du lịch.

Trong đó, cơ quan quản lý du lịch chú trọng đến những đề xuất hỗ trợ tài chính cùng các loại thuế, phí cho doanh nghiệp. Trong đó, có gói tài chính hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn; miễn, giảm, chậm nộp các loại thế như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cùng các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động phải nghỉ việc.

Thêm vào đó là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét giảm lãi vay, khoanh nợ, áp dụng giá điện sản xuất cho doanh nghiệp khách sạn...

Thật ra, những đề xuất này đã được đề ra từ đợt dịch đầu tiên nhưng chưa có nhiều chính sách thực hiện. Sau khi bị thiệt hại nặng nề hơn từ đợt bùng phát dịch thứ hai, ngày càng nhiều doanh nghiệp cho rằng cần phải được hỗ trợ từ chính phủ thì mới có thể tồn tại và Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tìm biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch.

Chiều qua, một quan chức của Tổng cục Du lịch cho TBKTSG Online biết đã gần như hoàn tất những đề xuất gỡ khó cho doanh nghiệp và sẽ gửi đến các cơ quan liên quan vào tuần tới.

Đào Loan

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối