Thứ hai, Tháng mười hai 16, 2024

Đầu bếp Đinh Đức Quốc: từ phục vụ bàn đến bếp chính nhà hàng món Âu

(SGTTO) - Yêu thích làm bếp; may mắn được một người thầy có kinh nghiệm giúp đỡ cũng như có những người đồng nghiệp tốt bụng, nhiệt tình hướng dẫn từ những ngày đầu chập chững vào nghề... là những điều khiến anh Đinh Đức Quốc quyết tâm đi trên con đường trở thành đầu bếp chuyên nghiệp.

Anh Đinh Đức Quốc sinh năm 1996 ở thành phố biển Phan Thiết, hiện là bếp chính tại nhà hàng Le Corto (TPHCM).

"Chạy bàn" kiếm tiền trang trải cuộc sống...

Từ những năm học cấp ba, anh Đức Quốc đã đi làm phục vụ bàn ở nhà hàng để kiếm thêm thu nhập, phụ giúp ba mẹ trang trải cuộc sống. Trong những lần làm thêm đó, anh đã nhận ra bản thân mình yêu thích công việc bếp núc, muốn được nấu nướng cho mọi người cùng thưởng thức.

Đều đặn làm thêm suốt ba mùa hè của ba năm học phổ thông, anh Đức Quốc cho biết anh rất thích nhìn các đầu bếp trình diễn nấu nướng, đặc biệt là kỹ thuật xóc chảo bùng lửa. Và rồi, trong những ngày cuối cùng của năm học cấp ba, lúc phải chọn cho bản thân một nghề nghiệp để theo đuổi, anh Quốc đã quyết định chọn vào TPHCM, bắt đầu hành trình thành trở thành một đầu bếp.

Thay vì chọn con đường học ở các trường đại học, cao đẳng như các bạn đồng trang lứa, anh Quốc chọn vừa học nghề, vừa đi làm theo một người thầy - cũng là cậu của anh - để học hỏi.

... "cần cù bù thông minh" 

Khi mới vào nghề, tuổi đời và kinh nghiệm non nớt, anh Quốc đã bắt đầu công việc rửa chén với mức lượng hai triệu đồng/tháng, trong khi mức chi tiêu sinh hoạt ở thành phố lại đắt đỏ hơn ở quê. Anh cho biết bản thân phải sống tiết kiệm hết mức mới có thể vượt qua được giai đoạn học việc khó khăn.

Bên cạnh đó, việc tất cả các nguyên liệu và gia vị trong bếp Âu đều được gọi bằng tiếng Anh khiến anh biết mình phải cố gắng, trau dồi nhiều thêm nữa mới có thể tiếp tục theo đuổi đam mê này.

“Mình cứ cố gắng, mọi thứ rồi sẽ ổn, mình lấy sự siêng năng cần cù bù thông minh”, anh nói.

Làm bếp, mình không được để sai phạm lặp lại nhiều lần thành thói quen mà phải sửa liền ngay lập tức mới có thể phát triển con người và công việc ngày một tốt hơn

Theo anh Quốc, trong nấu nướng, gia vị là một phần không thể thiếu, dù là món Á hay món Âu. Tuy nhiên, món Âu thường sử dụng gia vị rất khác so với món Á. Người đầu bếp món Âu có thể tùy chỉnh kết hợp từng loại gia vị với liều lượng khác nhau để tạo ra hương vị độc đáo món ăn của mình. Khâu quan trọng khác sau bước nấu nướng đó chính là trang trí. "Nếu món ăn được trang trí đẹp mắt thì thực khách đã thấy ngon trước khi nếm", anh nói.

Ngành nghề nào cũng cần có sự sáng tạo và trong món Âu, sự sáng tạo của người đầu bếp nằm ở sự kết hợp tinh tế trong từng nguyên liệu, gia vị... tạo nên vị ngon riêng tùy theo phong cách mỗi đầu bếp

Anh Quốc cho biết, công việc đầu bếp đòi hỏi người làm nghề phải có sức khỏe tốt, chịu được áp lực công việc cao vì tính chất công việc đi sớm về khuya. Cho nên, ngoài thời gian chính cho công việc, anh Quốc chọn tập gym để nâng cao thể lực và tinh thần làm việc.

“Trong thời gian tập gym, tôi sẽ nghiệm lại nhiều thứ, vừa tập vừa suy nghĩ đến các vấn đề ngày hôm trước đã sai phạm như thế nào để sửa đổi từ ngày hôm nay", anh nói.

Theo anh Quốc, các bé từ 7 - 12 tuổi nên được ba mẹ cho vào bếp sớm, phụ mẹ nhặt rau bưng bê, dọn dẹp chén đũa để có ý thức hơn về việc san sẻ công việc nhà với ba mẹ. Các bé từ khoảng 13 tuổi trở lên, ba mẹ có thể cho bé trực tiếp vào bếp nấu các món đơn giản để bé hình thành tinh thần tự lập, bởi khi được trải nghiệm, các bé sẽ dễ dàng định hướng được đam mê của bản thân.

Ngoài công việc ở nhà hàng, hiện tại anh Đức Quốc ấp ủ việc thành lập kênh YouTube chia sẻ cách nấu các món Âu, đưa món ăn Âu đến gần hơn với người Việt.

Mỹ Xuân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối