Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Cựu thanh niên xung phong và hành trình 27 năm xây dựng ‘Nhà Mồ Côi’

(SGTT) - Trên tuyến đường từ TP Phan Rang - Tháp Chàm đi Đà Lạt, đoạn qua địa phận xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, có một tấm bảng hiệu ghi dòng chữ Nhà Mồ Côi khá lạ. Chủ nhân của ngôi nhà đặc biệt này là một cựu thanh niên xung phong, một nhà giáo, một thầy thuốc nam muốn góp phần nhỏ bé của mình để mang lại sự sống và niềm vui cho những con người có số phận chẳng may.
Anh Trần Châu đang hướng dẫn từ xa cho một bệnh nhân. Ảnh: Trần Thanh Hưng

Anh Trần Châu, chủ nhân ngôi nhà kể lại, ban đầu, anh dành dụm được vài chục triệu đồng do những bệnh nhân lành bệnh gởi tặng. Anh đem số tiền đó xây một căn nhà nhỏ, để ở đó vài tấm chiếu cho người hành khất qua đêm. Không ngờ, họ đến ở ngày càng đông nên anh quyết định làm một cơ sở từ thiện lấy tên là Nhà Mồ Côi.

Giữa mùa hè đỏ lửa năm 1972, cậu học trò Trần Châu đang học tại trường trung học Thành Tâm, Quảng Trị thì bị tổng động viên bắt lính, anh trốn lên Quảng Sơn cùng gia đình và sống bằng nghề bốc thuốc nam gia truyền.

Trong những năm tháng đi thanh niên xung phong, rồi tham gia xoá mù chữ tại các buôn làng đồng bào dân tộc Raglay sau ngày giải phóng, anh đã gặp chị, một người đồng hương Quảng Trị. Chị đã gánh vát mọi công việc gia đình để anh dành gần cả cuộc đời mình cho ngôi Nhà Mồ Côi. Chị nói "Anh Châu đang làm công việc mà đời ông, đời cha anh đã làm. Anh tiếp nối truyền thống thương yêu người có cảnh ngộ khó khăn của gia đình..."

Anh Minh, con trai anh Châu, đang hướng dẫn một người bị bệnh cách uống thuốc. Ảnh: Trần Thanh Hưng

Trên khuôn viên rộng hơn 2ha, anh Châu đã xây dựng được nhiều căn nhà thành từng cụm, nam ở riêng, nữ ở riêng, có nơi khám chữa bệnh, nhà bếp, chỗ ăn và khu chăn nuôi riêng biệt.

Để có được cơ ngơi này, suốt từ khi thành lập vào tháng 3 năm 1995 đến nay, anh Châu không thể nhớ hết đã bao nhiêu lần mình thế chấp tài sản duy nhất là ngôi nhà đang ở để vay tiền ngân hàng mà lo cái ăn, cái mặc và chữa bệnh cho những thành viên trong Nhà Mồ Côi.

Trước đây, Nhà Mồ Côi có một trang trại gần nơi ở, anh Châu tổ chức cho những “trại viên” còn khỏe mạnh trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện bữa ăn hàng ngày. Nhưng từ khi địa phương triển khai công trình xây dựng, trang trại không còn nữa. Hai năm qua do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hiếm có nhà hảo tâm nào đến giúp đỡ, nên cuộc sống hơn 70 người già, trẻ em bệnh tật rất khó khăn.

Không gian tại Nhà Mồ Côi. Ảnh: Trần Thanh Hưng

Anh Châu lại xoay chuyển sang nuôi nai lấy nhung, bán kiếm tiền mua lương thực, thực phẩm. Nghề làm thuốc nam truyền thống của gia đình cũng giúp anh tư vấn online, bốc thuốc miễn phí cho nhiều bà con trong và ngoài nước, nhất là cách phòng chống dịch bằng các bài thuốc dân gian. Đáp lại tấm lòng của anh, nhiều nhà hảo tâm cũng đóng góp phần nào giúp Nhà Mồ Côi duy trì sự sống.

Hơn 70 thành viên hiện ở Nhà Mồ Côi, mỗi người mỗi cảnh, mỗi quê và ít ai còn nhớ đến nhà cửa, người thân của mình, vị họ có thời gian lang thang khá lâu trước khi được ai đó đưa đến Nhà Mồ Côi. Trong Nhà Mồ Côi, có những đứa trẻ mồ côi cha mẹ hoặc không được cha mẹ thừa nhận sự có mặt của chúng trong gia đình vì bị bệnh, úng thủy não, bị ảnh hưởng chất độc màu da cam. Rồi những người bị tâm thần, những người già không còn chốn nương thân...

Trang trại nuôi nai tại Nhà Mồ Côi. Ảnh: Trần Thanh Hưng

Dẫu đa số là người già, người bị tật nguyền và trẻ em, nhưng cuộc sống trong Nhà Mồ Côi vẫn hết sức nề nếp như trong một đại gia đình. Người còn sức giúp người mất sức, người lành lặn làm chỗ dựa cho người tật nguyền, ốm đau...

Hiện mỗi ngày, Nhà Mồ Côi cần đến 45kg gạo cho ba bữa ăn, mỗi thành viên trong tháng chi phí ít nhất cũng mất vài trăm ngàn tiền mua thức ăn. Đó là chưa tính đến khi ốm đau, bệnh tật. Những con người có số phận chẳng may trong Nhà Mồ Côi có cái ăn, cái mặc, có chỗ qua đêm, đến lúc nhắm mắt xuôi tay đều được anh Châu lo cho nơi an nghỉ, bởi hầu hết họ không còn người thân, không nhớ quê nhà ở đâu.

27 năm thành lập, Nhà Mồ Côi là điểm dừng chân cho hàng trăm người có hoàn cảnh chẳng may phải lang thang, nay đây mai đó.

Anh Châu tâm sự "Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, không ít người đã mất cha, mất mẹ hoặc bị tật nguyền, nhiều đứa trẻ sinh ra đã bị nhiễm chất độc màu da cam nên không thể bước vào đời. Là một người dân ở vùng đất Quảng Trị bị đạn bom cày xới một thời, tuổi thơ tôi đã trải qua những năm tháng hết sức nhọc nhằn".

Cảm thông sâu sắc với những người già không nơi nương tựa, thương yêu những trẻ em mồ côi, khuyết tật, anh viết trong di chúc "… nay tôi xin thừa kế hết số tài sản này cho những người già, trẻ em mồ côi và khuyết tật hiện có ở cơ sở, họ là chủ nhân của cơ sở Nhà Mồ Côi kể từ đây..."

Ảnh: Trần Thanh Hưng

Đầu năm nay, anh Châu bị tai biến nhẹ, anh Trần Trọng Minh, người con trai thứ hai của anh Châu, đã đưa vợ con từ Sài Gòn về ở hẳn trong Nhà Mồ Côi để giúp ba và tiếp tục những việc làm nhân ái, để Nhà Mồ Côi luôn rộng mở đón nhận những hoàn cảnh kém may mắn, là điểm đến của những tấm lòng nhân từ…

Mọi thông tin quyên góp, ủng hộ từ thiện cho Nhà Mồ Côi, độc giả có liên hệ anh Trần Châu qua số điện thoại: 0913954098

Trần Thanh Hưng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối