Thứ hai, Tháng mười hai 16, 2024

Cuộc ‘dạo chơi’ tâm huyết với mỹ phẩm nguồn gốc Đông y

Từ 50 hũ mặt nạ trứng gà bán “chơi chơi”, sau chín năm hoạt động, Đỗ Duy Khánh và Đinh Phương Anh, cũng là người sáng lập thương hiệu mỹ phẩm Skinlosophy đã cho ra mắt hơn 30 sản phẩm làm đẹp khác nhau. Với trăn trở làm sao tôn vinh được nguồn dược liệu và kho tàng kiến thức Đông y của Việt Nam, hai người đã có hành trình kể chuyện của mình trong từng sản phẩm và không ngừng tìm đường ra biển lớn…

Tìm sự dung hòa ưu điểm của Đông – Tây y

Cùng bắt tay nhau khởi nghiệp từ một lớp học ngoại ngữ, Đỗ Duy Khánh (30 tuổi), hiện là giám đốc truyền thông và Đinh Phương Anh (32 tuổi), giám đốc điều hành của Skinlosophy cho biết cả hai đều có điểm chung yêu thích lĩnh vực làm đẹp và có nền tảng liên quan đến ngành nghề này.

Trước đây, Duy Khánh từng làm chuyên viên đào tạo của một công ty mỹ phẩm. Khi ấy Phương Anh còn là sinh viên Đại học Y Dược Hà Nội chuyên ngành Hóa Dược và lớn lên trong gia đình có truyền thống về Đông y gia truyền, chữa bệnh cứu người. Năm 2013, khi chứng kiến sự say mê tìm tòi làm ra những món mỹ phẩm thủ công từ bài thuốc dân gian của người chị, Duy Khánh nhận ra đây chính là người đồng hành trong tương lai cùng đem đến khái niệm Đông Tây y kết hợp trong sản xuất mỹ phẩm hiện đại.

Chia sẻ về lý do chọn Đông y làm gốc cho thương hiệu của mình, Duy Khánh cho biết khi còn làm công việc của chuyên viên, Khánh có cơ hội tiếp xúc với nhiều khách hàng yêu thích làm đẹp và nhận ra xu hướng chuộng tìm về với thiên nhiên từ cách ăn uống đến lối sống hằng ngày của họ. Anh nhận thấy họ sử dụng rất nhiều mỹ phẩm từ trung bình đến cao cấp nhưng đa số là hàng ngoại, ít chọn tin dùng các mặt hàng ở Việt Nam. Được biết, lúc đấy sản phẩm từ thiên nhiên của chúng ta đã có nhưng vẫn chưa phổ biến.

“Tôi là người có gốc kinh doanh mỹ phẩm, Phương Anh lại am hiểu và đam mê Đông y Việt Nam. Chúng tôi quyết định ra mắt thương hiệu để kể câu chuyện của mình tôn vinh giá trị bài thuốc cổ truyền. Đồng thời, nhằm đẩy mạnh công dụng của Đông y trong chuyện làm đẹp cho con người, chúng tôi đem công nghệ và cách nhìn soi chiếu của Tây y vào để cho ra các dòng mỹ phẩm hiện đại mà vẫn giữ được truyền thống”, anh Khánh kể.

Hai người sáng lập thương hiệu Skinlosophy. Ảnh: NVCC

Theo anh Duy Khánh, sự giao thoa giữa Đông và Tây trong một sản phẩm sẽ tối ưu hóa được hiệu quả của bài thuốc y học cổ truyền. Khi chúng được xử lý theo quy trình hiện đại từ phương Tây, điều chế bằng công nghệ tiên tiến, thành phẩm sẽ khắc phục được những nhược điểm như mùi hương, tăng khả năng bảo quản, thêm tính tiện lợi khi sử dụng mỹ phẩm có nguồn gốc từ thảo dược. Đây là con đường để nhà sáng lập thương hiệu mỹ phẩm Đông y từng bước tôn vinh giá trị dược liệu Việt Nam và cả kho tàng bài thuốc dân gian từ xa xưa của cha ông.

Hiện tại, nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm được hai người tìm kiếm và lấy hoàn toàn từ các địa phương tại Việt Nam. Nhắc đến thảo dược quý hiếm như sâm, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, nhiều người nghĩ chỉ có nhập từ nước ngoài mới giá trị. Tuy vậy qua nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, chị Phương Anh nhận ra hàm lượng dinh dưỡng trong thảo dược Việt Nam tương tự không thua kém gì các nước bạn, thậm chí có một số loại thảo mộc còn đắt giá hơn.

Bật mí về trách nhiệm trong khâu điều chế, nghiên cứu tại công ty, chị Phương Anh cho biết mình đã mua và thử qua không biết bao nhiêu loại mỹ phẩm từ bình dân đến cao cấp trên thị trường. Chị cũng tham gia rất nhiều hội thảo khoa học khác nhau và trau dồi kiến thức bằng việc học thêm các chứng chỉ, bằng cấp liên quan hỗ trợ cho công việc.

“Với mong muốn tạo ra sản phẩm bắt kịp được xu hướng mới của thế giới nhưng vẫn giữ hồn Việt, chúng tôi luôn thử nghiệm những hoạt chất, áp dụng các công nghệ mới để giúp cái gốc Đông y cổ truyền được phát huy tốt nhất có thể, tìm ra sự kết hợp cho người tiêu dùng trải nghiệm tốt hơn”, chị giải thích.

Thương hiệu mỹ phẩm đã có chín năm hoạt động với 30 sản phẩm khác nhau. Ảnh: NVCC

Trung bình từ sáu tháng đến một năm, đội ngũ sẽ cho ra mắt sản phẩm mới ở các dòng như chăm sóc da mặt, chăm sóc cơ thể và chăm sóc tóc. Trong từng năm, công ty sẽ có đợt nâng cấp lại toàn bộ sản phẩm như thêm hoạt chất, ứng dụng phương pháp mới… Mỗi ngày, nhà máy cho năng suất hàng ngàn sản phẩm, doanh thu qua mỗi năm cũng tăng lên từ 200-250%. Hiện tại riêng các kênh bán hàng online, sàn thương mại điện tử chiếm đến 80% đơn hàng của Skinlosophy.

Mỹ phẩm không chứa nước

Những năm gần đây, Duy Khánh và Phương Anh tiên phong định hướng thương hiệu của mình chuyên sản xuất các loại mỹ phẩm không chứa nước hoặc cắt giảm nước (waterless). Khái niệm này có thể hiểu là sản phẩm sử dụng 100% chiết xuất từ các nguyên liệu có trong bảng thành phần, không thêm nước vào. Tất nhiên phải hiểu rõ trong khâu sản xuất, những giai đoạn cần nước để sơ chế nguyên liệu thô vẫn phải sử dụng. Waterless vẫn là một khái niệm hiếm thấy trên thế giới và ở Việt Nam hiện tại chưa có nhà làm mỹ phẩm nào đi theo con đường này, Duy Khánh nhấn mạnh.

Giải thích lý do chuyển mình sản xuất hầu hết sản phẩm không chứa nước, Duy Khánh nhấn mạnh đến vấn đề khủng hoảng nước sạch đang diễn ra trầm trọng tại nhiều nơi trên thế giới. Và ngành công nghiệp mỹ phẩm cũng là ngành tiêu thụ nước đáng kể hiện nay. “Đây có thể là cuộc cách mạng trong tư tưởng làm mỹ phẩm bền vững, thân thiện với môi trường của chúng tôi. Mặc dù có thể đối diện với nhiều rủi ro khi đem đến làn gió mới trên thị trường, tuy vậy chúng tôi hy vọng việc thay thế nước trong thành phần chính, sẽ là xu hướng trong tương lai”, anh nói.

Cụ thể, với sản phẩm cô đặc, giá sẽ chênh hơn khoảng 30% so với sản phẩm bình thường. Riêng vòng đời sử dụng sẽ kéo dài gấp đôi thậm chí gấp ba vì khách hàng không cần dùng quá nhiều lượng trong một lần, hiệu quả sử dụng được rút ngắn vì thành phần nguyên chất, nồng độ cao hơn.

Mỗi ngày, hãng cho ra năng suất hơn 1.000 sản phẩm và bán qua nhiều nền tảng khác nhau. Ảnh: NVCC

Duy Khánh nói thêm điều này có thể gây ảnh hưởng đến doanh thu chung của hãng vì tăng thời hạn dùng. Cũng như nhân viên tư vấn gặp nhiều trở ngại trong khâu truyền thông đến khách hàng hiểu món hàng mình đang mua. Tuy nhiên về lâu dài người mua sẽ hưởng lợi, sâu xa hơn là tiết kiệm được tài nguyên nước cho môi trường.

Để thay thế cho gốc nước, người sáng tạo công thức sẽ dùng thành phần tự nhiên như chiết xuất, dịch chiết hoặc dầu của các loại thực vật. Hiện công ty cũng đã kết nối và tìm được các vùng dược liệu cho ra nguyên liệu quanh năm. Từ đó chuyển trực tiếp vào nhà máy, Phương Anh phấn khởi nói: “Chúng tôi không cần đưa nguyên liệu thô ra nước ngoài xử lý. Vì Việt Nam đã có những nhà máy chiết xuất, tinh chế được dược liệu từ nguồn vẫn đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, có khả năng xuất khẩu”.

Chia sẻ với Kinh Tế Sài Gòn Online, cả Duy Khánh và Phương Anh vẫn không ngừng trăn trở tìm cách đưa sản phẩm có gốc rễ truyền thống Việt Nam, ngày càng phổ biến với người tiêu dùng Việt và tìm đường xuất ngoại. Được biết, thương hiệu Skinlosophy từng xuất hiện trên trang CNN và đang có vài nhà phân phối nhỏ ở nước ngoài.

Đỗ Duy Khánh (trái) và Đinh Phương Anh đồng hành cùng nhau từ 2013. Ảnh: NVCC

Nhìn lại chặng đường chín năm qua, hai người trẻ thổ lộ mong muốn thực hiện sứ mệnh từ đầu chính là nâng tầm sản phẩm Việt trong thị trường nội địa để cạnh tranh với nhiều sản phẩm ngoại nhập.

Duy Khánh bộc bạch: “Bên cạnh yếu tố cạnh tranh để đi lên giữa hàng loạt sản phẩm đại trà, chúng tôi vẫn muốn dùng một phần tiếng nói để tăng độ nhận diện, nhằm phát triển thị trường mỹ phẩm nội địa khi nó không thua kém bất kỳ mặt hàng ngoại nhập nào. Nếu có thể, tại sao các nhãn hàng Việt lại không tìm cách thắng cùng nhau”.

An Phú
Theo Kinh Tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối