Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu trái vú sữa Việt Nam

Trung Chánh -

Sau khoảng 10 năm đàm phán, mới đây lô vú sữa đầu tiên của Việt Nam đã được thị trường Mỹ cấp giấy “thông hành”. Một số người trong cuộc cho rằng đây sẽ là bước ngoặt để loại trái cây này xâm nhập vào những thị trường khó tính trong tương lai.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang và Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Cát Tường (Tiền Giang) làm lễ xuất khẩu lô vú sữa đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Mỹ, sau một thời gian dài đàm phán và chuẩn bị các thủ tục liên quan.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết lô vú sữa đầu tiên xuất vào thị trường Mỹ có khối lượng khoảng một tấn. Để được phía Mỹ chấp nhận, sản phẩm phải đáp ứng ba yêu cầu cơ bản.

Thứ nhất, vùng trồng phải thực hiện theo yêu cầu của phía Mỹ và được cấp mã số vùng trồng (phía Mỹ ủy quyền cho Cục bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng). Thứ hai, đơn vị thực hiện đóng gói sản phẩm được phía Mỹ chứng nhận đáp ứng yêu cầu. Cuối cùng là nhà máy chiếu xạ cho trái vú sữa cũng phải được phía Mỹ chứng nhận. “Chúng ta phải đáp ứng được ba yêu cầu đó phía Mỹ mới cấp phép nhập khẩu”, ông Thiệt nói.

Điều quan trọng nhất khi sản phẩm được Mỹ chấp nhận, theo ông Thiệt, là uy tín trái cây Việt Nam được nâng lên vì xuất khẩu được sang thị trường đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng. Điều này đồng nghĩa với sự công nhận sản phẩm Việt Nam tốt. Đây là cơ hội đàm phán mở rộng sang những thị trường khác dễ dàng hơn, giúp gia tăng thu nhập cho người nông dân so với tiêu thụ nội địa hoặc bán sang những thị trường dễ tính.

Trái vú sữa Việt Nam đã được Mỹ cấp giấy “thông hành” và đây sẽ là điều kiện thuận lợi để mở rộng xuất khẩu thời gian tới. Ảnh: Trung Chánh

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết trong số 74.000 ha diện tích cây ăn trái của địa phương có trên 1.000 ha diện tích cây vú sữa với khoảng 500 ha đang cho thu hoạch, với sản lượng đạt khoảng 10.000 tấn/năm. Trong đó, vú sữa Lò Rèn thuộc xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành đã được cấp chứng nhận GlobalGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn quốc tế). Đây là điều kiện thuận lợi để mở rộng xuất khẩu loại sản phẩm này, đặc biệt sau khi Mỹ đã cấp giấy “thông hành”.

Trong khi đó, theo đánh giá của ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ hội để gia tăng khả năng cung ứng sản phẩm vú sữa cho thị trường còn lớn. Tính đến năm 2016, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có trên 6.800 ha diện tích trồng vú sữa và định hướng đến năm 2020 sẽ đạt 7.500 ha. Đây cũng là loại cây trồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định là nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa của Việt Nam.

Là đơn vị xuất khâu lô vú sữa đầu tiên sang Mỹ, ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, cho biết đơn vị này đã xây dựng nhà máy đóng gói và đầu tư thiết bị xử lý hơi nước nóng đạt tiêu chuẩn nhằm đảm bảo yêu cầu kiểm dịch khắt khe của thị trường Mỹ.

Theo ông Sang, công ty cũng đã phối hợp với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, định vị tọa độ để cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. “Ngoài ra, chúng tôi cũng hướng dẫn nông dân bao trái và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân”, ông Sang cho biết.

Ngoài trái vú sữa, tin từ Cục bảo vệ thực vật cho biết, thời gian qua, một số loại trái cây chủ lực của Việt Nam như thanh long, chôm chôm, nhãn, vải… cũng đã được các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, New Zaeland, Chi Lê chấp nhận nhập khẩu. “Đây sẽ là cơ hội để chúng ta mở rộng tiêu thụ trái cây vào những thị trường khó tính, thay vì chỉ phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc như hiện nay”, ông Thiệt cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối