Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024

Cần mở lối khác cho thịt heo nội

Trung Chánh –

Giá heo hơi tiếp tục lao dốc mạnh khiến những hộ chăn nuôi “neo” lại chờ giá từ trước đó hoặc heo chưa đến lứa xuất chuồng có nguy cơ lỗ nặng nề hơn. Trong khi đó, theo một số nhà chuyên môn, việc khơi thông thị trường cho thịt heo là quan trọng, để không phải ca mãi điệp khúc “Trung Quốc ngưng mua, thịt heo rớt giá”.

Bán sớm lỗ, neo chờ giá còn lỗ hơn!

Photo0046Heo giảm giá: càng “neo” càng lỗ nặng hơn. Trong ảnh là một thương lái thu gom heo từ một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Huỳnh Văn Hoàng, ngụ xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, cho biết vào thời điểm cuối tháng 3-2017, ông xuất chuồng bán 30 con heo thịt với giá 27.000 đồng/kg. Sau khi trừ đi các loại chi phí đầu tư, gồm con giống, thức ăn… mỗi ký heo bán ra lúc bấy giờ ông phải chịu lỗ trên 10.000 đồng.

Bán đã lỗ, nhưng với những hộ chăn có nuôi heo chưa đến lứa xuất chuồng hoặc cố “neo” lại với hy vọng giá bán sẽ tăng trở lại thì càng lỗ nặng nề hơn, bởi giá bán tiếp tục xuống thấp.

Một người am hiểu về diễn biến thị trường chăn nuôi ở tỉnh Đồng Nai  cho biết hiện giá heo hơi ở khưc vực miền Đông Nam bộ được thương lái thu mua với mức chỉ còn 19.000-20.000 đồng/kg, thậm chí giảm xuống mức giá chỉ 18.000 đồng/kg. “Rõ ràng với giá bán như hiện nay, bà con chăn nuôi đang phải chịu lỗ mỗi ký heo bán ra là trên 20.000 đồng. Nhưng, điều đáng nói hơn là việc tiêu thụ hiện cũng rất khó khăn”, người này cho biết.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại buổi làm việc với các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi hôm 24-4 vừa qua cho rằng với mức giá bán như hiện nay, heo hơi trong nước hiện đang ở mức thấp trong nhiều năm và cũng là mức giá thấp nhất thế giới.

Về nguyên nhân khiến giá heo hơi sụt giảm mạnh, theo ông Cường, do nguồn cung tăng mạnh trong 20 năm qua, từ 1,8 triệu tấn thịt cung cấp ra thị trường mỗi năm đã tăng lên 5,4 triệu tấn như hiện nay, trong đó thịt heo chiếm 3,9 triệu tấn. Trong khi đó, việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ chưa tốt, mà cụ thể là quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ còn rất lớn với khoảng 3 triệu hộ, khiến giá thành cao, rất khó kiểm soát theo chuỗi. Vì vậy, khi có “sự cố” về thị trường tiêu thụ, thì những thiệt thòi, thua lỗ, những nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ luôn phải gánh chịu.

Ông Nguyễn Văn Phước, người từng giữ vị trí Giám đốc doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi tư nhân Thành Lợi (Bình Dương), cho rằng tuy là nước nông nghiệp nhưng chăn nuôi lại không có định hướng trước, để chăn nuôi nhỏ lẻ quá nhiều khiến giá thành luôn cao hơn 20% so với chăn nuôi quy mô lớn. “Trong khi đó, thịt nước ngoài nhập vào bán tại Việt Nam rất nhiều, cho nên ngành chăn nuôi trong nước điêu đứng”, ông Phước cho biết.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, một số đầu mối chuyên kinh doanh xuất khẩu heo đi Trung Quốc cho rằng giá heo hơi liên tục lao dốc, thị trường trầm lắng thời gian gần đây là do lượng heo xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc bị chặn lại, trong khi đây lại là thị trường tiêu thụ chính đối với thịt heo trong nước.

“Những tháng đầu năm 2017, ngành chăn nuôi heo gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ do thương lái Trung Quốc bất ngờ dừng mua, dẫn đến giá heo hơi sụt giảm sâu, người chăn nuôi phải chịu thua lỗ nặng”, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, nhận định việc tiêu thụ heo của Việt Nam lệ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Theo ông, không nên quá kỳ vọng nhiều vào thị trường này. “Bởi, khi họ thiếu, họ mới mua và mặt khác Trung Quốc cũng đang phát triển chăn nuôi rất mạnh, thậm chí chính sách tốt hơn Việt Nam rất nhiều”, ông Công giải thích.

[box type=”warning”] Qua 4-5 khâu trung gian, thịt heo mới đến người dùng

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết việc phân phối heo từ trang trại chăn nuôi (bao gồm cả hộ chăn nuôi nhỏ lẻ) đến tay người tiêu dùng phải qua ít nhất 4-5 khâu trung gian như qua hệ thống chân rết thu gom heo. Sau khi heo được thu gom xong sẽ giao cho thương lái. Sau đó, thương lái mới chở đến lò mổ, từ lò mổ chuyển sang một đầu nậu khác đưa đến các chợ đầu mối và đưa ra thị trường thông qua tiểu thương bán lẻ. “Phải qua ít nhất 4-5 khâu trung gian như vậy mới đến được tay người tiêu dùng và mỗi khâu như vậy họ nâng giá thêm, cho nên người chăn nuôi bán sản phẩm thì với giá rẻ bèo, trong khi người tiêu dùng phải mua giá cao”, ông Công nhận xét. [/box]

Bỏ quên thị trường mới

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho rằng Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ thịt heo của Việt Nam rất tốt. “Nhật Bản và các nước trong khối ASEAN như Singapore, Brunei… cũng là những nước nhập khẩu thịt và nếu xuất khẩu bằng tàu biển cũng chỉ mất 4-5 ngày nhưng không ai xúc tiến thị trường cả”, ông nói và cho rằng đây là lý do đẩy người chăn nuôi rơi vào cảnh khó khăn.

Theo ông Lịch, để xúc tiến xuất khẩu thịt sang các nước khác, nông dân không thể tự làm được, chỉ có cơ quan nhà nước. “Nhưng, rõ ràng việc mở rộng thêm thị trường không tốt nên không chỉ thịt heo, mà nhiều loại nông sản khác như khóm, dưa hấu cứ đem lên biên giới rồi đổ bỏ”.

Trong khi xuất khẩu gặp khó khăn, theo ông Công, việc tiêu thụ thị trường nội địa cũng không mấy lạc quan, bởi thiếu những chính sách kích cầu để “cứu” ngành chăn nuôi vượt qua khó khăn trong giai đoạn trước mắt như hiện nay.

Theo ông Công, chương trình bán hàng bình ổn thị trường phải được thực hiện những lúc như thế này mới phát huy được tác dụng, bởi theo ông trong khi giá bán lẻ thịt heo trên thị trường chỉ giảm 5%, thì giá heo hơi đã giảm mạnh trong nhiều năm, với mức giảm trên dưới 60% so với mọi năm. “Giữa mức giá bán của người chăn nuôi đến người tiêu dùng hiện có sự chênh lệch rất là cao”, ông Công nói.

Điều này có nghĩa tuy giá bán lẻ thịt heo trên thị trường không “sốt”, nhưng khi cân đối giữa giá heo hơi thực tế như hiện nay và giá bán lẻ thịt heo ở các chợ, thì rõ ràng giá bán lẻ thịt heo đã có sự tăng giá rất mạnh. Hay nói cách khác, là người tiêu dùng vẫn đang phải chi một số tiền lớn hơn thực tế lẽ ra cần phải chi để mua thịt tiêu dùng hàng ngày. Đây là lý do khiến sức tiêu thụ trong nước hiện vẫn chưa được “kích hoạt”.

Chính vì vậy, theo ông Công, cần nhanh chóng triển khai chương trình kích cầu để người tiêu dùng ăn nhiều hơn thịt heo trong nước, qua đó, “cứu” ngành chăn nuôi vượt qua giai đoạn ế ẩm như hiện nay. “Nhưng muốn thực hiện thành công chương trình kích cầu, thì ngành công thương phải ra tay”, ông cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nắng nóng gay gắt, công viên nước kín khách

0
(SGTT) - Trong ngày thứ 3 của kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, nhiều người đã vào các công viên nước để...

Ra rạp dịp lễ “giờ vàng” tha hồ chọn phim nội...

0
(SGTT) – Năm nay, phòng vé chứng kiến sự xuất hiện nhiều tựa phim nội và phim ngoại với các chủ đề “ăn khách”...

Lễ 30-4, về Long An thưởng thức những món ăn dân...

0
(SGTT) - Cách TPHCM chỉ vài chục cây số, Long An là điểm đến phù hợp khi du khách muốn khám phá những địa...

Du khách đổ về núi Cấm vui lễ 30-4

0
(SGTT) - Trong 3 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ 30-4, đông đảo du khách đã đổ về khu du lịch núi Cấm, xã...

Khách quốc tế đến Việt Nam vượt mốc 6 triệu lượt...

0
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố sáng 29-4, trong tháng 4-2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1,6...

Cách chăm sóc và bảo vệ da khỏi chất tẩy trong...

0
(SGTT) - Bơi lội là hoạt động thể chất được nhiều người yêu thích vào mùa Hè. Tuy nhiên, việc thường xuyên tiếp xúc...

Kết nối