Chủ Nhật, Tháng Một 19, 2025

Cần cân nhắc chọn cách thu phí tham quan Hội An phù hợp hơn

Việc chính quyền Hội An dự định thu phí khách tham quan từ ngày 15-5 tới đây đang gây ra cuộc tranh luận sôi nổi. Phía ủng hộ cho đó là hợp lý, giúp tạo nguồn thu tu bổ di tích. Bên phản đối thì cho rằng lợi bất cập hại, việc thu phí có thể làm giảm lượng du khách, gây thất thu cho du lịch.
Một góc Phố cổ Hội An. Ảnh: TL

Theo thông tin báo chí, từ ngày 15-5 tới đây, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) sẽ thu phí khách tham quan với mức 80.000 đồng/khách nội địa và 120.000 đồng/khách quốc tế.

Thông tin này tạo ra nhiều luồng ý kiến trong dư luận. Nhiều người cho rằng việc thu phí là hợp lý, góp phần tạo ra sự công bằng cũng như nguồn thu từ dịch vụ du lịch để chi trả cho hoạt động tu bổ, cải tạo di tích. Ngược lại, cũng có không ít ý kiến cho rằng việc thu phí sẽ làm giảm số lượng du khách và kéo theo đó là nguồn thubị sụt giảm.

Câu chuyện không chỉ riêng Hội An

Việc thu phí khách du lịch ở phố cổ Hội An (nếu thực thi) không phải là trường hợp chưa từng có trong ngành du lịch thế giới.

Nhiều quốc gia và thành phố cũng có chính sách thu phí khách du lịch dưới hình thức tourist tax/fee (thuế du khách). Tại một số nước châu Âu như Pháp, Ý, Tây Ban Nha… mức phí này thường dao động từ vài euro đến khoảng dưới 10 euro/đêm lưu trú. Những thành phố du lịch nổi tiếng như Barcelona (Tây Ban Nha), Venice (Ý), Bali (Indonesia)… cũng thu phí khách du lịch.

Một nước khá gần Việt Nam là Thái Lan cũng dự kiến sẽ thu khoảng 8 đô la Mỹ/khách du lịch bằng đường hàng không, 4 đô la Mỹ/khách du lịch bằng đường bộ.

Phần lớn các quốc gia chỉ thu phí qua hệ thống lưu trú như khách sạn, homestay, motel hoặc thu qua hình thức nhập cảnh như Thái Lan. Đặc biệt, các quốc gia này chỉ áp dụng thu phí đối với khách quốc tế.

Theo người viết, ở Hội An, việc phân luồng để người dân nhận diện khách du lịch hay nhận diện du khách thông qua thẻ căn cước công dân sẽ gây phiền phức, làm mất đi hình ảnh thân thiện cần có của một điểm du lịch.

Coi chừng “mất cả chì lẫn chài”

Từ những thực tiễn và kinh nghiệm của quốc tế trong việc áp dụng thu phí khách du lịch nêu trên, theo người viết, lãnh đạo thành phố Hội An nên xem xét, sửa đổi, bổ sung chính sách về thu phí khách tham quan như chỉ thu phí khách du lịch quốc tế thông qua hoạt động lưu trú.

Cần cân nhắc đến khả năng việc thu phí sẽ khiến lượng du khách giảm sút mạnh. Nếu trường hợp này xảy ra thì Hội An có thể bị “mất cả chì lẫn chài” khi nguồn thu cho du lịch lẫn kinh phí cho việc trùng tu di tích đều không đạt được như dự kiến.

Hiện nay, phần lớn khách du lịch sẽ lưu trú tại Đà nẵng, Huế và chỉ tham quan Hội An trong ngày nên nguồn thu từ dịch vụ du lịch còn ít. Tuy nhiên, Hội An vẫn có thể giữ chân du khách lâu hơn qua nhiều giải pháp như nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch.

Ngoài ra, các đơn vị cũng cần nghiên cứu thời điểm áp dụng chính sách thu phí sao cho phù hợp với thực tế. Ngành du lịch chỉ mới phục hồi sau dịch Covid-19, nếu áp dụng chính sách thu phí ở thời điểm này thì nguồn thu của các doanh nghiệp và ngân sách địa phương sẽ ảnh hưởng.

Trong khi đó, nhiều quốc gia, thành phố trên thế giới đang tính toán việc lùi thời điểm thu phí khách du lịch đến cuối năm 2023 hoặc đến năm 2024 nhằm thu hút khách tham quan.

Thành phố cũng cần dự trù những trường hợp khác có thể xảy ra. Trong đó, có việc đánh giá hiệu quả nguồn thu từ du lịch thông qua khảo sát và đánh giá lượng khách tham quan trong vòng 1-2 năm để đưa ra quyết định về việc thu phí này.

Hội An cũng nên lắng nghe thêm ý kiến đóng góp, phản biện của người dân, các chuyên gia và các doanh nghiệp du lịch, lữ hành để có quyết định hợp lý trong việc thực hiện mục tiêu kép là vừa bảo tồn được di tích vừa tăng nguồn thu từ dịch vụ du lịch.

Võ Duy Nghi
Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối