Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Bạc Liêu “nghỉ chơi” với nhiệt điện than

Trung Chánh -

Quyết định dừng dự án nhiệt điện Cái Cùng của tỉnh Bạc Liêu cách đây ít lâu được xem là bước đi táo bạo, tạo ra những đột phá trong việc thu hút các nhà đầu tư năng lượng sạch như điện gió và mặt trời. Những người trong cuộc cho rằng, để nhà đầu tư đến nhiều hơn nữa cần có sự ràng buộc mạnh mẽ trong các hợp đồng mua, bán điện hiện nay.

Nhà đầu tư tìm đến

Dự án điện gió đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu do Công ty TNHH xây dựng thương mại du lịch Công Lý làm chủ đầu tư được khởi công vào năm 2010. Đến năm 2013, giai đoạn một của dự án đã chính thức được hòa vào lưới điện quốc gia với 10 trụ turbine gió, tổng công suất 16 MW.

Đến đầu năm 2016, tỉnh Bạc Liêu và công ty Công Lý đã đưa vào vận hành giai đoạn hai của dự án, nâng tổng số trụ turbine gió lên thành 62, với tổng công suất hòa vào điện lưới quốc gia là 99,2 MW. Song song với việc đưa vào vận hành giai đoạn hai của dự án nêu trên, cũng trong năm 2016, UBND tỉnh Bạc Liêu đã xin chủ trương từ Trung ương được rút dự án nhiệt điện Cái Cùng, tức loại dự án này ra khỏi Quy hoạch điện 7.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết khi rút khỏi dự án nhiệt điện Cái Cùng, địa phương xác định năng lượng tái tạo là hướng đi mới giúp giữ môi trường trong sạch, phục vụ phát triển kinh tế cũng như thu hút vốn đầu tư của địa phương.

Khi tỉnh Bạc Liêu quyết định loại dự án nhiệt điện Cái Cùng, đã có nhiều nhà đầu tư năng lượng sạch tìm đến địa phương này. Trong ảnh là dự án điện gió Bạc Liêu. Ảnh: Trung Chánh

Theo ông Trung, việc quyết định loại bỏ năng lượng “bẩn”, chuyển sang năng lượng “sạch” là cả một sự đấu tranh vì đã có không ít ý kiến cho rằng dự án nhiệt điện sẽ giúp địa phương thu ngân sách mỗi năm khoảng 500-700 tỉ đồng và tạo công ăn việc làm cho ít nhất vài trăm lao động địa phương.

Nhưng ông Trung cho rằng đây là quyết định đúng khi có nhiều nhà đầu tư, trong đó có cả những nhà đầu tư hàng đầu thế giới đã đến Bạc Liêu đặt vấn đề đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời.

Tại hội nghị “Xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu: Khơi dây tiềm năng phát triển bền vững” được tổ chức ở địa phương này ngày 30-1 vừa qua, nhiều dự án đã được trao giấy chứng nhận đăng lý đầu tư, nghiên cứu đầu tư và chứng nhận cam kết đầu tư vào năng lượng tái tạo của địa phương với tổng số vốn lên đến trên 81.645 tỉ đồng.

Theo đó, Công ty cổ phần điện gió Hòa Bình 1 muốn đầu tư dự án điện gió Hòa Bình 1 có quy mô 300 MW, với tổng vốn đầu tư 15.940 tỉ đồng. Công ty cổ phần Super Wind Energy Công Lý Bạc Liêu đầu tư dự án điện gió Hòa Bình 2 có quy mô 158 MW với tổng vốn đầu tư 9.156 tỉ đồng. Tổ hợp nhà đầu tư Tập đoàn Bảo Việt và Công ty TNHH kỹ thuật ứng dụng Việt Nam đầu tư nhà máy điện gió Bảo Việt Bạc Liêu có công suất 100 MW với tổng vốn đầu tư 4.994 tỉ đồng. Công ty cổ phần thương mại và đầu tư công nghệ Ecotech Việt Nam (liên kết với Tập đoàn General Electric Mỹ) đầu tư dự án điện gió Đông Hải 3 có quy mô 388,8 MW với tổng vốn đầu tư 20.658 tỉ đồng.

Ngoài ra, Tập đoàn SY Hàn Quốc, Tập đoàn Sembcorp Singapore, Công ty cổ phần năng lượng DAVA, Tổ hợp nhà đầu tư gồm Công ty cổ phần U&I Adisory Serive (Nhật Bản) và Công ty TNHH kỹ thuật ứng dụng Việt Nam cũng có những dự án đầu tư vào điện gió và mặt trời tại tỉnh Bạc Liêu có tổng công suất 650 MW với tổng vốn đầu tư trên 22.571 tỉ đồng.

Trong khuôn khổ hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu, Công ty cổ phần Super Wind Energy Công Lý Bạc Liêu đã chính thức khởi công giai đoạn 3 dự án điện gió Bạc Liêu với 71 trụ turbine, có tổng công suất 142 MW với tổng vốn đầu tư gần 8.900 tỉ đồng. Như vậy, sau khi giai đoạn 3 hoàn thành, dự án điện gió Bạc Liêu sẽ có 133 trụ turbine với tổng công suất 241,2 MW.

Theo quy hoạch phát triển năng lượng của Bạc Liêu, đến năm 2030, địa phương này sẽ có hơn 2.000 MW năng lượng tái tạo, có thể thay thế nguồn nhiệt điện than để đảm bảo phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Chờ sự thay đổi

Tuy nhiên, để gia tăng thu hút các nhà đầu tư đẩy mạnh đầu tư vào điện gió của địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung, theo ông Trung, cần phải điều chỉnh hợp đồng mua, bán điện so với hiện nay.

Cụ thể, các biên bản mua, bán điện hiện nay đang gây bất lợi cho nhà đầu tư nước ngoài vì không có người chịu trách nhiệm cuối cùng. “Ví dụ, các nhà đầu tư nước ngoài nói Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đứng ra ký hợp đồng mua điện gió và họ đứng ra đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào một dự án nào đó. Thế nhưng, nếu một ngày nào đó, EVN tuyên bố thua lỗ, không mua điện nữa, thì nhà đầu tư sẽ chết”, ông Trung dẫn chứng. Theo ông, cần phải có người chịu trách nhiệm cuối cùng, tức cho dù EVN có thua lỗ, thì Chính phủ cũng đảm bảo phải mua điện cho nhà đầu tư. “Làm được việc này, các nhà đầu tư sẽ mạnh dạn bỏ vốn vào các dự án”, ông Trung nói.

Theo ông Trung, địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ sửa biên bản mua, bán điện của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. “Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần trong nhiều buổi làm việc với Thủ tướng, với các bộ ngành Trung ương, trong đó có làm việc nhiều lần với Bộ Công Thương”, ông cho biết.

“Hiện nay, nhiều nhà đầu tư lớn khi làm việc với tỉnh, họ luôn đặt vấn đề địa phương phải cùng với họ kiến nghị Bộ Công Thương thay đổi biên bản mua, bán điện, chứ biên bản ghi nhớ kiểu như hiện nay, thì nhiều nhà đầu tư rất sợ”, ông Trung cho biết thêm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối