Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Xu hướng Workation ở Nhật Bản

Phương Thảo

Workation – ghép từ chữ work (làm việc) và vacation (kỳ nghỉ) – dùng để chỉ việc công ty trên cho phép nhân viên mình nghỉ phép nhiều ngày hơn với điều kiện vẫn phải làm việc trong khi vắng mặt. Workation hiện đang trở thành xu hướng mới ở Nhật Bản khi cả nhà quản lý và nhân viên đều nhận ra được nhiều ích lợi từ ý tưởng này.

Ở Nhật Bản, người dân có xu hướng đặt công việc là ưu tiên hàng đầu và thường phải trì hoãn việc nghỉ ngơi từ năm này qua năm khác. Một cuộc khảo sát thực hiện bởi trang web du dịch Expedia Japan với trên 9.424 người tham gia ở 28 quốc gia cho thấy tỷ lệ người Nhật có đi du lịch thuộc vào hàng thấp nhất trên thế giới. Trong khi đó, rất nhiều người Nhật trả lời rằng họ sẽ cảm thấy áy náy nếu họ xin nghỉ làm để đi du lịch. Chính phủ Nhật Bản lâu nay vẫn ra sức khắc phục vấn đề này bằng cách nhấn mạnh sự cần thiết của những kỳ nghỉ dài đối với sức khỏe người lao động. Tuy nhiên, những thay đổi tích cực không đến từ những chiến dịch tuyên truyền của nhà chức trách.

Ý tưởng vẫn làm việc trong kỳ nghỉ – workation –  ban đầu được áp dụng ở các công ty chuyên về công nghệ vì hầu hết người trong ngành đều có thể làm việc trên máy tính xách tay ở bất kỳ đâu. Ý tưởng này dần trở nên phổ biến trong các lĩnh vực khác nhờ vào kết nối Internet càng ngày càng rộng khắp. Nhiều người nhận xét hình thức nghỉ ngơi kết hợp làm việc giúp cho năng suất lao động tăng cao và khơi nguồn cho những ý tưởng mới bởi nhân viên có thể đi du lịch nhiều nơi và nhiều ngày hơn trước.

Chị Asuka Nakamaru dự họp qua video call trong khi đang nghỉ phép.

Workation giúp tận dụng thời gian để nghỉ phép

Hè năm 2017, hãng hàng không Japan Airlines đã sắp xếp lịch trình nghỉ kiểu workation cho khoảng 4.000 nhân viên, trừ người làm việc theo ca và một số vị trí đặc biệt khác. Mục tiêu chính của chương trình này là khuyến khích người lao động nghỉ phép nhiều hơn bằng cách sắp xếp lại thời gian làm việc. Theo đó, những ai có ít việc trong một vài ngày nhất định thì có thể xin nghỉ theo hình thức workation. Ví dụ, một nhân viên có công việc có thể giải quyết trong vòng một buổi sáng hoặc chiều trong ba ngày nhất định thì sẽ được cho nghỉ theo hình thức workation ba ngày đó do thời gian cần phải làm việc ít. Ngược lại nếu nhân viên này cần phải làm nhiều trong ba ngày xin nghỉ, chẳng hạn như phải làm việc hết cả ba buổi chiều, thì người này sẽ không được cho nghỉ workation. Những trường hợp không thể sắp xếp nghỉ workation thì cần phải cắt phép năm và bàn giao công việc. Tuy vậy, nếu không được áp dụng workation, thường không nhân viên nào muốn xin nghỉ và đều phải trì hoãn những kỳ nghỉ của mình sang năm sau, hoặc năm sau nữa.

Cô Asuka Nakamaru, 38 tuổi, hiện đang phụ trách đào tạo nhân sự tại một công ty, đã xin nghỉ theo hình thức workation trong hè năm 2017 và về thăm quê chồng. Trong kỳ nghỉ này, Nakamaru vẫn tham gia một cuộc họp quan trọng về dự án cô đang phụ trách thông qua đàm thoại có hình ảnh (video call). Nhờ có hình thức workation, cô chỉ phải dành ra một ngày trong quãng thời gian ở quê để làm việc mà không phải hoãn cả kỳ nghỉ phép sang năm sau chỉ để ở lại tham gia họp bàn dự án.

Thích thú với workation

Chính quyền các địa phương ở Nhật Bản, đặc biệt là những nơi nổi tiếng về du lịch, đang ra sức thu hút người lao động đến nghỉ dưới hình thức workation. Tại quận Wakayama vùng Kansai, người ta đã cho xây một nơi nghỉ mát lớn có truy cập Internet dành cho những người đến nghỉ dưỡng kết hợp với làm việc. Con đường hành hương Kumano Kodo, di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, cũng đang được tu sửa để làm điểm nhấn thu hút du khách. Hirotaka Kai, Trưởng bộ phận nhân sự tại công ty du dịch Hankyu, đã đi tham quan những địa điểm du lịch ở Wakayama vào tháng 10 – 2017 dưới hình thức workation. Kai cho biết anh có thể nghỉ ngơi suốt một tuần và chỉ phải tập trung làm việc trong vài ngày. Anh thấy rất vui vẻ và sẵn lòng chi tiền nếu lại được đi du lịch kiểu workation như vậy.

Có thể nói, workation là hình thức làm việc từ xa một cách hợp lý, tạo điều kiện cho người lao động kết hợp làm việc với du lịch. Tuy nhiên, để áp dụng được hình thức nghỉ dưỡng này, mọi nhân viên đều cần thành thạo những phương pháp làm việc và trao đổi thông tin từ xa. Chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu 30% số doanh nghiệp cho phép làm việc từ xa vào năm 2020, nhờ đó trào lưu workation sẽ có tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn trong vài năm tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

EU thất thu lớn vì giá tín chỉ carbon giảm sâu

0
(SGTT) - Giá carbon ở Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh trong năm nay khiến doanh thu bán tín chỉ carbon của EU...

Tăng cường 2.000 chuyến bay đêm, giá vé ‘hạ nhiệt’ dịp...

0
(SGTT) - Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết đang mở bán tăng cường 2.000 chuyến bay đêm (từ sau 21:00 giờ) trên các...

Thơm lừng góc chợ Phạm Văn Hai với tô bánh đa...

0
(SGTT) - Bánh đa là sợi bánh thân quen trong một số món ăn của người dân Hải Phòng. Theo dòng chảy văn hóa...

Thảo Cầm Viên tổ chức lễ hội ẩm thực ba miền...

0
Với quy mô hơn 50 gian hàng, cùng 149 món bánh truyền thống, lễ hội ẩm thực "Non sông thống nhất" diễn ra từ...

Loạt sự kiện du lịch tại các địa phương dịp lễ...

0
(SGTT) - Lễ hội Diều khổng lồ tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hoà) hay...

Nghĩ về cuộc đấu giá 3 mỏ cát với mức trúng...

0
(SGTT) – Vụ đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội với giá trúng cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm đã trôi...

Kết nối