Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Việt Nam ưu tiên phát triển du lịch, dịch vụ biển và kinh tế hàng hải

Chính phủ vừa có nghị quyết số 48 về chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển lĩnh vực du lịch, dịch vụ biển và kinh tế hàng hải.

Tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn. Ảnh: TL

Theo chiến lược về sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, đến năm 2030, tài nguyên biển và hải đảo sẽ được khai thác ở mức hợp lý, phát triển bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển.

Trong đó, nhiều lĩnh vực kinh tế biển cần được ưu tiên theo thứ tự, gồm du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng.

Trong chiến lược này, không gian biển dành cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch địa chất, du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa; du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ sẽ được ưu tiên và duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 11-12%/năm.

Chiến lược cũng hướng đến việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển. Các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền và trên biển, ô nhiễm xuyên biên giới, sự cố môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương sẽ được kiểm tra và quản lý.

Ở các đô thị ven biển, đến năm 2030, toàn bộ chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được thu gom và xử lý đạt chuẩn môi trường; tất cả khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển sẽ được quy hoạch và xây dựng theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các khu kinh tế, khu công nghiệp đồng thời phải hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định về môi trường và khả năng chống chịu của hệ sinh thái biển, đảo.

Ngoài ra, các đơn vị liên qua sẽ tăng diện tích các khu bảo tồn biển, khu vực biển, ven biển đến mức tối thiểu là 6% so với diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia và phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000.

Các đơn vị này cũng cần ưu tiên cho việc khảo sát, đánh giá tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng. Trong đó, ít nhất 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra các yếu tố về tài nguyên, môi trường; thiết lập hệ thống thông tin tổng hợp về tài nguyên và môi trường biển, đảo.

Tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển và các hải đảo trong lành, xã hội hài hoà với thiên nhiên.

T.Đào

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối