Thứ sáu, Tháng mười một 1, 2024

Về Ninh Thuận thăm làng gốm cổ xưa bậc nhất Đông Nam Á

(SGTT) - Tọa lạc tại trung tâm thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, làng gốm Bàu Trúc là một trong những điểm du lịch nổi tiếng ở Ninh Thuận.
Theo Cổng TTĐT tỉnh Ninh Thuận, Bàu Trúc là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại cho đến ngày nay. Làng nghề nổi tiếng với những sản phẩm thủ công đất nung, mang đậm bản sắc văn hóa Chăm. Ảnh: Thúy Hường
Mỗi gia đình là một xưởng sản xuất gốm riêng biệt, góp phần bảo tồn nét văn hóa của làng. Ảnh: Thúy Hường
Nét đặc trưng làm nên tên tuổi của Bàu Trúc là quá trình chế tác hầu như không sử dụng bàn xoay, mà nghệ nhân sẽ di chuyển xung quanh và tạo hình, nhưng vẫn tạo ra những sản phẩm chất lượng, đẹp mắt. Ảnh: Thúy Hường
Người thợ gốm đi "giật lùi", tay "bắt" từng lọn đất. Tay trong thì ép, tay ngoài xoa, biến những khối đất thành tạo hình gốm độc đáo. Ảnh: Thúy Hường
Trước đây, nghề làm gốm Bàu Trúc chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm, đàn ông làm những việc nặng nhọc hơn như đào đất, nung gốm, gánh gốm hoặc chở đi bán. Ảnh: Thúy Hường
Người phụ nữ ở Bàu Trúc từ nhỏ đã được các bà, các mẹ hướng dẫn làm gốm và cứ thế - “mẹ truyền con nối”, nghề gốm ở ngôi làng lưu truyền đến ngày nay. Ảnh: Thúy Hường
Tuy nhiên, hiện nay nghề gốm không chỉ dành cho phụ nữ, đàn ông đã tham gia vào làm gốm nhiều hơn, đặc biệt là làm gốm mỹ nghệ. Ảnh: Thúy Hường
Mặc dù được chế tác thủ công, nhưng tất cả đều mang tính nghệ thuật cao với sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng nét chạm khắc. Ảnh: Thúy Hường
Hoa văn trang trí trên gốm Bàu Trúc là những đường chạm khắc hay đắp nổi mang đậm nét văn hóa Chăm Pa, những người thợ hầu như không cần bản vẽ, họ tự do phóng khoáng gửi tâm hồn mình vào trong từng nét khắc hoa văn. Ảnh: Thúy Hường
Sau khi hoàn thiện khâu tạo hình, các sản phẩm hoàn thiện sẽ được mang đi phơi khô và nung. Quá trình nung gốm từ 6 đến 10 tiếng tùy độ dày và sử dụng lò nung gốm lộ thiên, nguyên liệu đốt lò nung gồm củi, rơm. Ảnh: Thúy Hường
Trải qua nhiều công đoạn từ tạo hình, đánh bóng, nung dưới bàn tay chăm chỉ lao động, các sản phẩm gốm gắn với đời sống của người dân, lưu giữ nét văn hóa của đồng bào Chăm. Ảnh: Thúy Hường
Năm 2017, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận nghệ thuật làm gốm truyền thống Bàu Trúc là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tháng 11-2022, nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Ảnh: Thúy Hường
Thúy Hường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề