Thứ Sáu, Tháng Năm 3, 2024

Tự động hóa nghề nuôi dế thịt

Hoàng Xuân Phương

Dế đang trở thành nguồn thực phẩm ngon miệng và bổ dưỡng và các trại nuôi dế lớn nhỏ đang mọc lên tại nhiều nơi trên thế giới. Gần đây, Tập đoàn thực phẩm Aspire Food (Mỹ) đã thực hiện những bước đi đầu tiên trong việc tự động hóa quy trình nuôi dế lấy thịt để mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Sau 30 năm nữa, nhu cầu lương thực thế giới sẽ tăng lên gấp đôi, và người ta không thể trông chờ vào sự mở rộng của ngành chăn nuôi truyền thống trong khi quỹ đất phục vụ sản xuất đang bị thu hẹp và mất dần nguồn dinh dưỡng cần thiết. Ngay từ bây giờ việc tìm kiếm thức ăn mới, thiết lập và nhân rộng quy trình chăn nuôi chế biến, cùng tạo thói quen và sự hấp dẫn tiêu dùng cho các nguồn thức ăn mới đang là mảng kinh doanh hấp dẫn. Trong đó, nuôi dế lấy thịt là một ý tưởng mang lại nhiều hiệu quả, bởi với chỉ 1,5 kg thức ăn, ta có thể thu được 1 kg thịt dế, trong khi phải 20 kg thức ăn mới cho ra 1 kg thịt bò, 4,5 kg thức ăn cho 1 kg gà và 7,3 kg cho mỗi ký thịt heo. Tuy nhiên, sự bế tắc trong việc nuôi dưỡng những con vật nhỏ bé này chính là khả năng mở rộng cơ sở sản xuất để có thể tạo thương hiệu và cung cấp đủ thịt cho thị trường. Chính vì thế, việc tự động hóa nghề nuôi dế lấy thịt là hướng giải pháp đang được triển khai thí điểm.

Một robot đang cho dế ăn trong trang trại của Aspire.

Những thử nghiệm đầu tiên

Aspire Food Group đang đưa các công nghệ tự động hóa vào thực tiễn chăn nuôi tại trại dế rộng hơn 2.300 mét vuông ở Austin, Texas, Mỹ. Trại dế có năng suất 22 triệu con dế thịt mỗi tháng, sản lượng thịt dế mỗi năm có thể lên đến 136 tấn. Các chuồng nhỏ trong trại được vận hành bởi nhiều loại robot và một hệ thống cảm biến theo dõi mọi hoạt động diễn ra trong chuồng. Từng giọt nước, số giờ chiếu sáng, nước uống, thức ăn, những thay đổi nhiệt độ cùng hàng loạt dữ liệu, thông số chi tiết khác luôn luôn được cập nhật, xử lý để bảo đảm cho chu kỳ sinh trưởng của những con dế luôn khỏe mạnh. Các tập quán sinh hoạt của loài dế nuôi lấy thịt Acheta domesticus cũng được nghiên cứu tỉ mỉ và đáp ứng đầy đủ, chẳng hạn như chuẩn bị các chậu nước nông, sạch để dế bơi lội, duy trì sự vận động.

Cựu Giám đốc điều hành tập đoàn Cisco Systems lừng danh, John Chambers, hiện đang đảm nhiệm vai trò cố vấn cho tập đoàn Aspire và đã định hướng tập đoàn thực phẩm này trong việc đi tiên phong mở ra những trang trại nuôi dế tự động hóa. Aspire cho biết với hệ thống tự động hóa, họ nhắm đến việc tăng sản lượng thịt dế tại đây lên gấp mười lần, mặt khác cũng nhắm đến khả năng chia sẻ công nghệ, chia sẻ dữ liệu cho hàng trăm trang trại khác nhằm bảo đảm nhu cầu tiêu thụ thịt dế hiện đang tăng nhanh.

Thị trường nhiều tiềm năng

Những người sáng lập Aspire cho rằng nhu cầu thực phẩm từ côn trùng sẽ rất lớn và trở thành một phần thiết yếu trong việc giải quyết nhu cầu thức ăn cũng như bổ sung những khẩu vị mới cho nhân loại. Trang nghiên cứu thị trường persistencemarketresearch.com cho biết thị trường thịt côn trùng sẽ lên đến 720 triệu đô la vào năm 2024 và nhu cầu gia tăng hàng năm lên đến 6%. Mohammed Ashour, một trong những tác giả của dự án tự động hóa của Aspire, cho biết: “Nhu cầu protein dạng bột hiện đã lên đến 4 tỉ tấn mỗi năm, con số 136 tấn thịt dế chẳng thấm là bao, mới chỉ là giọt nước trong đại dương.”

Tự động hóa là con đường nhanh nhất và cũng có thể là con đường duy nhất để tạo nên hàng tỉ tỉ con dế lấy thịt. Sự cố vấn của vị lãnh đạo công nghệ kỳ cựu John Chambers là một bằng chứng bảo đảm cho tham vọng này, không chỉ cho riêng Aspire mà cho các trang trại lớn nhỏ ở khắp thế giới nhờ vào mạng lưới kết nối dữ liệu. Ashour còn cho biết: “Chúng tôi sẽ tạo nên những môi trường sinh sống độc lập cho dế, hạn chế sự tiếp xúc của chúng với con người để tránh tạo áp lực lên chúng. Các robot được thiết kế để thay con người chăm sóc dế và 70 tới 80% lượng công việc của trại sẽ do robot đảm nhiệm”.

Aspire cho biết họ đang nhắm tới hai thị trường, một là cho những người từ trước đến nay đã quen dùng thực phẩm bổ sung từ protein côn trùng và hai là thịt côn trùng dưới các hình thức chế biến cao cấp. Muốn làm được như vậy, trước hết là phải tạo ra hệ thống chăn nuôi vừa ít tốn kém vừa có năng suất cao. Hai là phải kết nối thị trường để bảo đảm nguồn cung. Bàn về tương lai của ngành nuôi dế thịt, Gabe Mott, nhà đồng sáng lập tập đoàn Aspire, phát biểu đầy tự tin: “Chúng tôi có một lộ trình bền vững và đang tiến bước rất nhanh trên con đường này”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lưu giữ nghề yến truyền thống 150 năm trên Cù Lao...

0
(SGTT) – Với lịch sử hơn 150 năm, nghề yến trên đảo Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, đã thu...

Ngày 3-5, đã có 450 người nhập viện do nghi ngộ...

0
Sáng 3-5, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai thông tin mới nhất về vụ việc ngộ độc tập thể sau khi ăn bánh mì...

Trekking khám phá hang động núi lửa Chư B’luk

0
(SGTT) - Ẩn mình trong núi rừng Tây Nguyên, hang động núi lửa Chư Bluk là một trong những địa điểm trekking yêu thích...

Booking.com: Khách Việt ngày càng ưu tiên lựa chọn du lịch...

0
Có đến 96% du khách Việt Nam khẳng định du lịch bền vững đóng vai trò quan trọng trong lựa chọn của họ. Đồng...

Trưa nay ăn gì: Bánh củ cải chiên cho bữa trưa...

0
(SGTT) – Là món ăn bắt nguồn từ văn hóa ẩm thực Trung Hoa, bánh củ cải ở TPHCM được bày bán từ xe...

Thử món hủ tiếu Nam Vang chú Bạch ở chợ Phan...

0
(SGTT) - Khi mua sắm tại chợ Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh, mọi người có thể dừng chân tại khu vực ăn uống...

Kết nối