Bích Ngọc -
Vì các nhà bán lẻ lớn không chú ý đến thị trường áo váy cho phụ nữ có thân hình hơi đẫy đà, các công ty khởi nghiệp đang tranh thủ thời cơ.
Ngành thời trang cho phụ nữ có thân hình “quá khổ” được định giá thị trường là 21 tỉ đô la Mỹ, mang lại 10% doanh số bán lẻ hàng thời trang và là một ngôi sao sáng trong thị trường thời trang bán lẻ, vượt qua tổng doanh số thời trang phụ nữ trong ba năm qua.
Một số không ít phụ nữ ngày nay có thân hình đẫy đà, nếu không nói là mập và họ không có nhiều sự chọn lựa về quần áo do các thương hiệu lớn không muốn kinh doanh mặt hàng cho người quá khổ, theo Kat Eves, một nhà thiết kế thời trang quá khổ cho nam và nữ giới ở Los Angeles (Mỹ). Brian Beitler, tiếp thị trưởng của Lane Bryant (một nhánh của Tập đoàn bán lẻ Ascena ở Mỹ) nói sự thực là khách hàng quá khổ chi rất ít tiền cho quần áo, so với người có thân hình gầy hơn. Nhưng ông nói phần lớn là vì người mua không có nhiều sự chọn lựa, bên cạnh đó là việc xã hội có sự kỳ thị với người có thân hình quá khổ.
Các công ty khởi nghiệp tranh thủ thời cơ
Trên thực tế, các thương hiệu lớn không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng có thân hình quá khổ, ngoại trừ một số ít nhà bán lẻ chuyên ngành. Đó là lý do để các công ty khởi nghiệp nhỏ nhảy vào ngách thị trường này. Những công ty nhỏ này không có được ưu thế thị thường của những nhà bán lẻ chuyên ngành đã ổn định, nhưng các nhà quan sát cho rằng họ đang phát triển và có nhiều không gian cho họ phát triển mạnh.
Nhà phân tích ngành bán lẻ Marshal Cohen của tập đoàn NPD nói: “Chúng ta đang chứng kiến những thương hiệu nhỏ, độc lập ở thị trường này ngày càng thành công hơn so với những thương hiệu lớn và các nhà bán lẻ. Nhóm nhỏ này có nhiều sự sáng tạo, đang thắng những tên tuổi lớn vốn bám theo cách bán lẻ thời trang cũ kỹ”. Một số nhà đầu tư còn đánh cược rằng nhóm sẽ “tóm” được khách hàng, bằng cách bán những kiểu trang phục được thiết kế thật tốt và thật thời trang cho nhóm khách hàng này. Thậm chí một số công ty bán cả trang phục đặt may cho những khách hàng có số đo “đặc biệt”.
Theo báo The Wall Street Journal, Eloquii là một công ty khởi nghiệp nhỏ tạo được dấu ấn lớn nhất. Họ từng bắt đầu với mảng quần áo quá khổ của The Limited và đến năm 2014 mới cho ra mắt thương hiệu Eloquii và từ đó mỗi năm đều tăng gấp đôi doanh số bán hàng, đạt 80 triệu đô la Mỹ trong tài khóa 2017. Cách thiết kế thời trang của họ là xếp nếp, thực hiện những đường cắt vải để tạo ra những kiểu dáng đẹp, nhờ đó đã tạo ra những kiểu thời trang được cắt cúp khéo léo, giúp bó sát vào cơ thể mà vẫn tạo sự thoải mái, trang nhã thay vì theo công thức cũ: cứ mập là phải mặc áo rộng lùng thùng. Một số công ty khác cũng áp dụng cách làm tương tự. Điển hình là Eight & Sand – một công ty khởi nghiệp năm 2015 ở Oakland (bang California) – đã tung ra nhiều bộ trang phục có kiểu dáng và kích cỡ cho người “có thân hình giống đồng hồ cát, trái lê, trái táo hoặc cái hộp”, theo chữ của The Wall Street Journal.
Hai nhà sáng lập Noushie Mirabedi và Ronda Raymond cho biết Eight & Sand hiện có 750 khách hàng và doanh số tăng mỗi tháng. Cô Mirabedi nói hồi năm 2016, mỗi khách quay lại mua khoảng 6-7 lần và tỷ lệ trả lại hàng cho nơi bán chưa tới 2%, so với tỷ lệ trả lại hàng 35% của các nhà bán lẻ thời trang trực tuyến.
Nhà thiết kế Mallorie Dunn của công ty thời trang bán lẻ SmartGlamour (khởi nghiệp năm 2015) thì bán quần áo tùy theo số đo của khách hàng nữ, chú trọng màu sắc và những đường cắt thể hiện được dáng vẻ thiếu nữ và sự gợi cảm. Hai phần ba khách hàng của công ty đều luôn quay trở lại hàng tháng. Với hàng ngàn khách, bà Dunn nói trung bình mỗi giờ bà cũng lo xử lý 60 vụ đặt may và mỗi năm doanh số đều tăng gấp đôi.
Thách thức còn đó
Không hẳn tất cả các khởi nghiệp thời trang quá khổ đều tự thiết kế mẫu mã. Trong vài trường hợp, họ là trung gian cho các công ty khác chuyên may quần áo cho nhóm khách hàng này. Và với những thành công cho đến nay, cũng có những sự trở ngại có thể gây cản trở sự tăng trưởng của các công ty khởi nghiệp.
Rào cản lớn nhất là các thương hiệu lớn, như Michael Kors, Comme des Garcons H&M và Target bắt đầu dồn nguồn lực vào thị trường thời trang cho phụ nữ có thân hình quá khổ này. Ông Cohen nói các thương hiệu lớn đang tỉnh giấc, nhưng họ có khuynh hướng thay đổi dần.
Một vấn đề khác mà các nhà thời trang bán lẻ nhỏ phải đối mặt, là tốn nhiều chi phí để tạo quần áo, vì các xí nghiệp ở nước ngoài thường không được tổ chức thực hiện mặt hàng này. Các xí nghiệp may thường sản xuất quần áo cho từ 5 đến 10 nhãn hiệu cùng một lúc và việc sản xuất quần áo cỡ lớn sẽ đòi hỏi họ phải đổi bàn cắt và tốn tiền mua máy cắt mới. Điều này khiến các doanh nghiệp nhỏ khó cạnh tranh với các doanh nghiệp có số lượng hàng lớn.
Dù vậy, một số nhà quan sát vẫn nói có nhiều không gian cho các nhà khởi nghiệp. Nhà nữ thiết kế thời trang Eves cho hay vẫn có nhu cầu mua giày dép khổ lớn, đồ lót và các kiểu trang phục thể thao. Và còn đó mảng quần áo cho đàn ông cũng có thân hình quá khổ. Chỉ vài nhà khởi nghiệp chú ý thị trường béo bở này. Cô Eves nói: “Nam giới có thân hình quá khổ càng có ít sự lựa chọn hơn cả nữ giới”.