DIỆU THUẦN -
Đến trang trại của chị Phạm Thị Xuân Thủy ở thôn K’Long C (Hiệp An, Đức Trọng, Lâm Đồng), chúng ta có thể thấy những trái cà chua căng mọng, nhiều màu sắc được trồng trong nhà kính và tưới bằng loại phân đặc biệt. Đứng ngoài vườn, đưa tay hái trái và ăn mà chẳng sợ bị ăn phải hóa chất, vườn rau này được ‘’tưới’’ bằng sữa.
Kỹ thuật mới
Theo chị Thủy, trang trại của chị trồng cà chua theo công nghệ Israel, giống nhập từ Ý, Nhật. Đó là các loại cà chua đen, cà chua đỏ picota, cà chua bi đỏ Nhật, cà chua candychip, cà chua vàng trái cây. Chị cho biết, vốn dĩ trang trại của chị đã cho ra đời các sản phẩm cà chua độc đáo như vậy là do sử dụng một chế độ dinh dưỡng đặc biệt để chăm sóc cà chua. Đó là sử dụng dung dịch được pha trộn từ sữa bò, sữa đậu nành và trứng gà. Sau khi ủ cho dung dịch lên men, chị sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để tưới cho cà chua mỗi ngày.
Những giống cà chua trên được chị Thủy trồng trong nhà kính khung sắt không rỉ sét, với diện tích 4.000 m2 từ giữa năm 2015. Mỗi một nhà kính trồng một loại cà chua khác nhau. Cà chua cam, cà chua vàng trái cây được trồng một nhà kính. Cà chua candychip thì trồng một nhà kính. Trang trại còn được lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để tưới tự động nhỏ giọt. Sắp đến ngày thu hoạch thành phẩm, hệ thống tự động tưới cho cây 10 lần/ngày. Khi cây còn nhỏ, chưa ra trái thì hệ thống sẽ tưới ít hơn.
Giá thể trồng được phối trộn giữa chất vi sinh với xơ dừa và than trấu hun đốt tại vườn. Đối với phân bón, người trồng dùng các vật liệu có sẵn rồi pha chế theo một kỹ thuật rất đặc biệt. Theo đó, sữa bò và sữa đậu nành được trộn với trứng gà, mật mía, ủ cho lên men rồi hòa với nước tưới theo cách tưới nhỏ giọt bằng hệ thống tưới tự động cho cây.
Theo chị Thủy, hỗn hợp phân bón dạng này được bón cho cây từ lúc cây còn nhỏ. Việc bón từ lúc cây còn nhỏ là để chúng nuôi bộ rễ phát triển trong bịch giá thể, ngày đêm dẫn lưu dinh dưỡng lên nuôi thân, cành, lá, tạo ra hương vị thơm ngon cho trái cà chua các loại. Nước tưới được bơm lên từ giếng khoan, sau đó dẫn chuyền qua các bể phối trộn với hỗn hợp phân bón, rồi lắng lọc trước khi kết nối vào dây chuyền vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt, khép kín nuôi sống cây.
[box] Theo chị Thủy, sau khi mua sữa về, ủ cho lên men rồi mới làm phân bón cho cây rau hoặc hoa. Lưu ý, khi sữa chưa lên men, nếu dùng tưới cho cây thì vô hình trung bạn sẽ hủy diệt sự sống của cây. Bởi khi đó, với lượng nhiệt trong sữa tỏa ra rất lớn, cộng với độ ngọt nhiều sẽ làm các loại côn trùng như kiến, sâu phát triển thì cây sẽ bị ăn.
Nếu không có thời gian ủ cho sữa lên men thì hãy pha trộn với nước tưới cho cây hàng ngày.Điều cần lưu ý là lượng nước khi pha phải nhiều hơn sữa. Có thể một lít sữa 5-6 lít nước. Cách làm này sẽ làm giảm độ ngọt của sữa, lượng nhiệt tỏa ra của sữa cũng sẽ giảm. Tuy nhiên, chúng ta không nên tưới trực tiếp lên cây, mà nên đào đất lên rồi tưới với một lượng ít.[/box]
Quả ngọt
Trong các nhà kính, những trái cà chua chín mọng, đủ màu sắc thi nhau phát triển. Có những trái còn non, hay vừa mới nảy mầm cũng thi nhau hút chất dinh dưỡng tự nuôi sống mình. Nhìn những chùm cà chua, trái thì thuôn dài như hai ngón tay trỏ chụm lại, trái tròn tròn như trái cau, trái có hình vuông dẹp bạn sẽ cảm nhận được hết những điều kỳ diệu. “Để trồng được các loại cà chua trên chị phải trải qua rất nhiều lần thử nghiệm.
Hạt giống được nhập từ các công ty sản xuất ở châu Âu, châu Mỹ với những cam kết đảm bảo chất lượng tuyệt đối. Công thức phối trộn phân bón ngọt là từ chuyên gia nghiên cứu và trồng cà chua ở Nhật”, chị Thủy nói.
Trò chuyện với người viết, chị Thủy cho rằng khí hậu ở Việt Nam và Nhật không giống nhau, nhất là nơi có địa hình đặc thù như tỉnh Lâm Đồng nên khi học được công thức, chị phải nhiều lần thử nghiệm rồi mới đưa ra công thức riêng, phù hợp với điều kiện sinh trưởng của từng loại cây trên đất canh tác.
Sau nhiều lần kiên trì thử nghiệm, kết quả chị nhận được là các cây cà chua hấp thu được chất dinh dưỡng từ phân bón ngọt, qua hệ thống tưới nhỏ giọt, kết hợp với giá thể trồng, môi trường nhà kính đi nuôi thân, cành, lá. Sức đề kháng của cây cũng tốt hơn với các bệnh: heo xanh, trắng phấn, bã trầu... Các giống cà chua trong trang trại nhà chị được bày bán khắp các chợ, siêu thị và được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Chị Thủy cho biết, chị đang tiến hành thử nghiệm nghiên cứu để có thể trồng được nhiều loại rau bằng hệ thống tưới phân ngọt nhỏ giọt để có thể cung cấp nguồn rau sạch cho người tiêu dùng.