Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Tranh luận xung quanh nhận định ‘90% người Việt đang ăn gạo bẩn’

Mạng xã hội trong ngày 5-9 có nhiều ý kiến, tranh luận của những người trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu gạo về một bài báo trích dẫn lời của đại diện một doanh nghiệp nói tại một buổi tọa đàm: “Tôi xin khẳng định 90% người Việt Nam ăn gạo bẩn, có khi 90% là khiêm tốn…”

Theo ghi nhận của Thời báo Kinh tế Sài Gòb Online (TBKTSG Online), tại buổi tọa đàm “Xuất khẩu châu Âu từ lợi thế EVFTA, hàng Việt cần gì?” diễn ra hôm 3-9, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phẩn Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An – đơn vị vừa xuất khẩu lô gạo đầu tiên vào EU với mức thuế 0% – nêu nhận định 90% người tiêu dùng Việt Nam ăn gạo “bẩn”.

Tại tọa đàm nêu trên, ông Phạm Thái Bình nói rằng, rất nhiều người nghĩ ăn gạo “bẩn” không chết, mà thực tế người tiêu dùng Việt Nam hay thế giới ăn gạo “bẩn” cũng không chết ngay được. Tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ lệ người bị ung thư, tiểu đường…, ngày càng tăng, trong đó, có nguyên nhân xuất phát từ ăn gạo “bẩn”, tích tụ thuốc bảo vệ thực vật trong gạo.

Trước các cuộc tranh luận, ý kiến nhiều chiều trên các diễn đàn, mạng xã hội về nhận định của ông Phạm Thái Bình, tờ TBKTSG Online đã có cuộc trao đổi với vị doanh nhân này vào ngày 5-9, và được ông cho biết: “Từ hôm qua đến giờ, có rất nhiều người có ý kiến phản bác tôi dữ lắm, thậm chí đa số là người trong nghề”.

Theo ông Bình, việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và trên tiêu chuẩn GAP như tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ – PV) là chuẩn mực được Việt Nam và cả thế giới xác định và đánh giá là sản phẩm nông nghiệp sạch và an toàn, trong đó, có cả ngành lúa gạo. “Tiêu chuẩn ‘sạch’ mà tôi nói là phải đạt tiêu chuẩn từ GAP trở lên, còn không đạt tiêu chuẩn GAP thì  xem là ‘bẩn’ “, ông cho biết và nói rằng, từ “bẩn” ở đây là nói theo tiếng Việt, tức không đạt tiêu chuẩn GAP.

Theo ông Bình, tổng diện tích đất sản xuất lúa hàng năm của Việt Nam là 4,5 triệu héc-ta để sản xuất ra lương thực cung cấp cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ra thế giới. “Như vậy, nhận định 90% người tiêu dùng Việt Nam ăn gạo “bẩn” hay nói cách khác chỉ 10% người tiêu dùng ăn gạo sạch, có nghĩa ở Việt Nam hiện nay phải có 450.000 héc-ta diện tích (tức chiếm 10% diện tích đất canh tác lúa hàng năm của Việt Nam – PV) sản xuất đạt tiêu chuẩn từ GAP trở lên”, ông Bình giải thích và đặt câu hỏi: “Liệu tổng diện tích sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GAP ở Việt Nam có đạt tới con số 450.000 héc-ta hay không?”.

Ông Bình cho rằng, câu trả lời này không khó để xác định, chỉ cần Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương điều tra, thống kê lại sẽ cho ra ngay kết quả. “Tôi nói 90% người tiêu dùng Việt Nam ăn gạo “bẩn” là còn khiêm tốn đấy”, ông nói.

Theo vị doanh nhân này, với cách sản xuất lúa truyền thống, lạm dụng phân thuốc hóa học như thực tế diễn ra hiện nay trên đồng ruộng, thì hầu như tất cả đều còn tồn dư dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm, “có điều tồn dư ít hay nhiều trong sản phẩm thôi”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Bình cho biết, với phương thức sản xuất hiện nay của Việt Nam, đa số thị trường nhập khẩu vẫn chấp nhận. “Chẳng hạn, thị trường Philippines – quốc gia dẫn đầu và chiếm hơn 35% thị phần nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2020 – vẫn chấp nhận việc này, tức họ không yêu cầu sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn GAP và khi xuất khẩu sang, họ cũng không phải yêu cầu phải “test” sản phẩm”, ông diễn giải và nói rằng thế giới cũng đang ăn gạo “bẩn”, tức sản phẩm không đạt tiêu chuẩn GAP, chứ không riêng Việt Nam.

Theo ông Bình, trong rất nhiều hội nghị, ông đã từng lên tiếng kêu gọi Việt Nam chỉ cần chuyển sang sản xuất theo GAP, chứ không dám mơ ước “sản xuất hữu cơ”. “Chỉ cần cố gắng đạt tiêu chuẩn GAP thôi, tức vẫn bón phân vô cơ, vẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng phải thực hiện theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, tức phun thuốc, bón phân phải đúng quy định và đảm bảo thời gian cách ly”, ông cho biết.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 5-9, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết nhận định nói trên của ông Bình là không chính xác bởi những năm qua ngành lúa gạo Việt đang có những thay đổi và khẳng định được uy tín, chất lượng trên thị trường quốc tế.

“Tất cả các thị trường trung bình như Philippines, châu Phi… hay thị trường cao cấp như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản… đều yêu cầu rất ngặt nghèo về hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Chúng ta đều đã vượt qua các yêu cầu của thị trường, các nước chấp nhận gạo Việt thì làm sao nói gạo Việt là gạo ‘bẩn’ được”, ông Cường nói

Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định ở Việt Nam không có chuyện gạo ở ruộng này để ăn, gạo ở ruộng kia để xuất khẩu và cũng không có vùng riêng cho xuất khẩu hay tiêu dùng nội địa nên không có chuyện gạo Việt Nam không đạt chất lượng và người dân Việt phải ăn gạo ‘bẩn’.

Ông Cường cho rằng khi có những nhận định về một ngành sản xuất quan trọng với người nông dân thì cần có những căn cứ, số liệu chính xác, khoa học, không nên có những nhận xét mang tính cảm tính.

“Điều này sẽ ảnh hưởng đến những thành công và phát triển vượt bậc của ngành lúa gạo Việt Nam trong những năm qua, làm tổn hại đến uy tín hạt gạo Việt ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp và nông dân đã xây dựng trong suốt nhiều năm qua”, ông Cường nói và cho biết, những năm qua ngành nông nghiệp đã đầu tư mạnh mẽ cho khoa học công nghệ trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo.

Việt Nam hiện đang có bộ giống lúa rất tốt, chất lượng gạo không chỉ được cải thiện mà còn đáp ứng cả yếu tố mùa vụ. Các giống gạo thơm ngắn ngày chất lượng cao vừa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, vừa giúp chúng ta chủ động trong bố trí mùa vụ.

Người dân cũng có nhận thức đầy đủ về kỹ thuật canh tác sao cho an toàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các viện nghiên cứu, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã và đang nỗ lực chuyển giao các gói kỹ thuật cho nông dân với mục tiêu giảm chi phí đầu vào, giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tưới tiết kiệm nước nhưng vẫn tăng năng suất, chất lượng, giá cả.

Trung Chánh

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Gạo ST25 bị 4 doanh nghiệp ngoại đăng ký bảo hộ...

0
Vừa mới “phất lên” trên thị trường thế giới được chừng hai năm nay sau khi dấu ấn đạt giải nhất cuộc thi Gạo...

Có nên đưa ‘hoa hậu gạo’ đi thi để thành ‘á...

0
Gạo ST 25 của Việt Nam đã giành giải gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi do The Rice Trader tổ chức ở...

Gạo ST25 đạt giải nhì trong cuộc thi Gạo ngon nhất...

0
(SGTTO) - Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2020 vừa trao giải nhì cho gạo ST25 của Việt Nam. Giải nhất của...

Nafiqad bác bỏ thông tin 90% người dân Việt Nam đang...

0
(SGTTO) - Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), thông tin 90%...

Vì sao chọn gạo giống Nhật để làm thương hiệu?

0
NGUYÊN THƯƠNG -  Mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đề xuất đưa thêm giống lúa Nhật Japonica vào danh mục giống lúa...

Chọn giống nào xây dựng thương hiệu gạo?

0
TRUNG CHÁNH -  Thảo luận về đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam vừa được công bố mới đây, một...

Kết nối