Thứ hai, Tháng mười hai 16, 2024

TPHCM: Lo ngại đỉnh dịch thứ 2 của bệnh tay chân miệng trùng với thời gian tựu trường

Ngành Y tế thành phố nhận định đỉnh dịch thứ 2 của bệnh tay chân miệng sẽ trùng với thời gian học sinh quay lại trường nên việc kiểm soát, phòng chống dịch rất cần thiết.

Theo nhận định của ngành y tế TPHCM, dịch bệnh tay chân miệng vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài tới 3-4 tháng tiếp theo. Thời gian học sinh quay lại trường học sẽ trùng với đỉnh dịch lần thứ 2 của dịch tay chân miệng.

Theo Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chia sẻ trên Báo Sức Khoẻ và Đời Sống, dù số ca bệnh trên địa bàn TPHCM giảm nhưng vẫn đang ở mức cao nên phụ huynh tuyệt đối không được lơ là chủ quan. Đặc biệt, trẻ sắp tựu trường tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan, nguy cơ dịch bùng phát trở lại rất cao.

Một trong những nguyên nhân chính khiến tay chân miệng năm nay đến sớm và các ca chuyển nặng hơn là do sự xuất hiện của chủng virus EV71. EV71 là tác nhân gây ra các cơn dịch lớn vào các năm 2011 và năm 2018. Ảnh: Báo Sức Khoẻ và Đời Sống

Để bảo vệ trẻ trước dịch tay chân miệng trong mùa tựu trường, phụ huynh cần đảm bảo thực hiện "nguyên tắc 3 sạch". Theo đó, trẻ cần được ăn uống sạch, ở sạch (trẻ được rửa tay, vệ sinh sạch sẽ, môi trường sống sạch sẽ), chơi sạch ( đồ chơi của trẻ cần được vệ sinh thường xuyên). Yếu tố vệ sinh rất quan trọng trong việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh tay chân miệng cũng như nhiều bệnh lây nhiễm khác.

Đồng thời, khi trẻ quay lại trường học cũng là lúc trẻ được tiếp xúc với nhau nhiều hơn, nguy cơ lây lan dịch tay chân miệng cũng tăng cao, vậy nên, các giáo viên tại các trường mầm non, tiểu học... nên được tập huấn, trang bị những kiến thức liên quan tới dịch bệnh, cách phòng bệnh và các dấu hiệu phát hiện bệnh sớm nhất để có thể ứng phó và kiểm soát dịch tốt nhất. Ngoài ra, các trường học nên thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn môi trường sinh hoạt, học tập và đồ chơi cho trẻ.

Theo Sở Y tế TPHCM, với nguyên nhân gây bệnh là Enterovirus (EV71) - chủng virus có độc lực cao, rất dễ làm bệnh diễn tiến nặng và có thể gây tử vong. Bà Lê Hồng Nga lưu ý, số ca mắc tay chân miệng có giảm được hay không là do sự chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của mỗi cá nhân và tập thể. Đặc biệt, sắp tới học sinh sẽ quay lại trường học, trùng với đỉnh thứ hai của dịch tay chân miệng (theo hằng năm) nên việc kiểm soát và phòng, chống tay chân miệng là rất cần thiết.

Nhã Lý tổng hợp

Theo Sức Khoẻ và Đời Sống

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối