BS. Trần Tuấn Anh - Viện Y dược học Dân tộc TPHCM -
Một vấn đề về sức khỏe phổ biến hiện nay là nhiều người ăn uống chưa đúng cách hoặc sử dụng những thực phẩm không phù hợp. Việc ăn uống tùy tiện làm tăng gánh nặng cho thận, khiến thận suy yếu nhanh, không đủ khả năng đào thải chất độc.
Để dưỡng thận, chúng ta cần phải đảm bảo việc ăn uống đúng cách, chọn lựa và sử dụng thực phẩm sạch để thận không tiếp tục bị nhiễm độc, tránh xa những thứ có hóa chất. Việc ăn uống lành mạnh giúp thận được nghỉ ngơi thật sự. Một số thực phẩm thường ngày nếu chế biến phù hợp cũng có công dụng làm thuốc bổ thận như:
- Trứng gà (bao gồm cả lòng đỏ và lòng trắng trứng) trị chứng âm hư, có khả năng tư âm nhuận táo rất tốt. Theo kinh nghiệm dân gian hay sử dụng trứng gà nấu với đậu đen hoặc đậu tương để trị chứng âm hư rất hiệu quả.
- Hến dùng để cải thiện âm hư. Hến là một loại nguyên liệu khá rẻ và dễ tìm. Hến có tính bình, vị ngọt mặn, có công dụng tư âm bổ thận. Hến còn có khả năng chữa được chứng tiểu đường. Thường xuyên thêm hến vào thực đơn hàng ngày sẽ giúp cải thiện chứng âm hư nhanh chóng.
- Ba ba có tính bình, vị ngọt, có công dụng tư âm bổ thận, lương huyết, trừ thấp nhiệt, háo, khát… Đây là một trong những bài thuốc bổ thận âm tốt cho người bị âm hư. Dùng ba ba để nấu canh với một số nguyên liệu như khởi tử, hoài sơn dược, nữ trinh tử, thục địa để chữa chứng âm hư hiệu quả.
- Hải sâm không chỉ được biết đến là một loại thực phẩm bổ dương cho phái mạnh mà còn được sử dụng để trị chứng âm hư rất hữu hiệu. Hải sâm giúp tư âm, bổ huyết, nhuận táo… và là một loại thực phẩm điển hình trong những loại thực phẩm có công dụng tư âm bổ thận.
- Kỷ Tử có vị ngọt, tính bình, công dụng tư âm bổ thận ích thọ, là loại quả có lợi cho những người mắc chứng thận âm hư gây đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, lưng gối đau mỏi... Đặc biệt, Kỷ Tử tốt để trị liệu lao phổi, đái tháo đường, hư lao...
- Một số thực phẩm như sữa ngựa, sữa dê, củ mài, mật ong, sữa ong chúa, vừng đen, nấm đông cô, nấm kim châm, cà chua, giá đỗ các loại... cũng có thể trở thành những bài thuốc bổ thận âm hư dễ áp dụng tại nhà.
Chế độ ăn uống phòng bệnh thận
Chúng ta cần uống đủ nước từ 1,5-2 lít/ngày, nên dùng nước nấu chín, tránh dùng nước trà đặc hoặc cà phê ngay sau bữa ăn vì chất oxalat có trong trà, cà phê dễ kết hợp với canxi trong thức ăn tạo ra cặn oxalat canxi. Nếu uống ít nước, các cặn này không được tống xuất hết theo nước tiểu sẽ tích tụ lại lâu ngày tạo thành sỏi gây tắc nghẽn, nhiễm trùng và suy thận.
Đối với người cao tuổi ít có cảm giác khát, cũng như trong mùa lạnh không thấy khát nước nhưng quả thận vẫn cần nước để lọc các chất cặn bã. Vì vậy, cần nhắc nhở các cụ già uống nước nhiều lần (khoảng tám ly nước, mỗi ly khoảng 200 ml) trong ngày.
Chúng ta cần hạn chế ăn mặn và nên dùng dưới 6g muối/ngày. Chế độ ăn nhiều muối dễ có nguy cơ cao huyết áp và lâu ngày cũng gây ảnh hưởng xấu đến thận. Việc ăn quá nhiều đạm động vật sẽ làm cho thận phải hoạt động nhiều hơn và dần suy yếu. Nhiều người bị bệnh tiểu đường mắc sai lầm là quá hạn chế tinh bột trong bữa ăn, không dám ăn cơm mà chủ yếu là ăn thịt, cá… có khi hơn 500 g thịt/ngày và điều này đã làm thận bị suy nhanh hơn. Một chế độ ăn cân bằng với lượng đạm động vật vừa phải trung bình 100-200 g thịt, cá… mỗi ngày mới thực sự lành mạnh hơn.
Hạn chế các loại đồ lòng như gan, tim, cật. Quan niệm “ăn gì bổ nấy” hiện nay chưa được khoa học chứng minh. Trước mắt, các loại thực phẩm này có nhiều cholesterol không tốt cho tim mạch đồng thời lại chuyển hóa thành axit uric, nếu ăn nhiều và thường xuyên dễ có nguy cơ tạo sỏi urate, nhất là khi không uống đủ lượng nước.
Cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, ít nhất mỗi năm một lần để giúp phát hiện và điều trị bệnh sớm, phòng ngừa biến chứng suy thận nặng.
Cách chế biến các món ăn bổ thận
Hến xào lá hẹ:
Cần thịt hến 300 g, lá hẹ 100 g, dầu ăn 50 ml, gia vị vừa đủ. Hến luộc, lấy phần thịt và lá hẹ rửa sạch thái khúc. Công đoạn tiếp theo là đổ dầu vào chảo, đun nóng, cho hến vào, thêm gia vị, xào cho săn, cho lá hẹ vào, đảo đều với hến khoảng năm phút, bắc ra ăn nóng. Công dụng: chữa dương nuy, ít tinh.
Củ cải xào chim cút:
Đây là món ăn bổ dưỡng dành cho phái mạnh. Làm sạch lông hai con chim cút và rồi bỏ nội tạng, thái miếng nhỏ, xào nóng khoảng 15 phút, sau đó cho 200 g củ cải thái sợi vào xào. Khi thịt chín thêm bột gia vị, gừng sợi và dầu ăn, 1 thìa rượu trắng. Món này có thể ăn với cơm. Công dụng: bổ thận khí, chữa lưng đau, đầu gối mỏi, người suy yếu.
Canh hàu sò thịt nạc:
Thịt hàu 120 g, thịt lợn nạc 120 g, vỏ sò nướng 60 g, sinh khương 4 miếng. Hàu tươi bỏ vỏ lấy thịt và rửa sạch. Vỏ sò tươi cho vào bếp than nung đỏ, lấy ra giã nát, lấy vải gói lại. Rửa sạch thịt lợn, thái miếng; rửa sạch sinh khương. Cho tất cả nguyên liệu vào nồi, cho lượng vừa nước, sau khi dùng lửa to nấu sôi, chuyển sang lửa nhỏ nấu khoảng hai giờ nêm gia vị là được. Công dụng: tư âm bổ huyết, cố tinh, thích hợp với chứng di tinh do thận âm khuy hư, mộng di tinh.
Đuôi heo hầm đậu đen:
Đuôi heo làm sạch, cắt khúc, ướp với một ít muối, bột ngọt, tiêu, hành củ khô, để khoảng 15 phút cho vị thịt ngấm mặn. Đậu ngâm với nước vài giờ cho nở, dễ mềm nhừ. Chọn đuôi heo lớn, nhỏ tùy sức ăn của mỗi người và nên mua vào buổi sáng và chọn đuôi nhẵn da, sáng màu. Cho thịt vào thố nhỏ, bỏ nắm đậu đen vào, đổ nước xâm xấp mặt, đậy nắp rồi hầm trên bếp khoảng nửa giờ cho đậu và thịt mềm nhừ. Nếu không có thố thì bỏ vào tô đất đậy kín chưng cách thủy sao cho đừng để mất nước trong tô. Khi nhấc món ăn ra, rắc thêm tiêu sống và ăn kèm với cọng hành.