Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Thiếu nguồn cung, giá cá tra tăng cao kỷ lục

Trung Chánh

Thị trường cá tra nguyên liệu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang ghi nhận mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay do nguồn cung khan hiếm. Những người trong ngành cho biết, thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục là “điểm sáng” xuất khẩu ngành hàng này trong năm nay.

Giá tăng mạnh, nhưng…

Thị trường cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL từng ghi nhận mức giá kỷ lục 29.000 đồng/kg ở giai đoạn 2009-2010, rồi sau đó giảm dần. Trong một thời gian khá dài, giá cá tra nguyên liệu chỉ quanh quẩn trong khoảng 17.000-25.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Nhưng từ đầu năm 2018 đến nay, giá cá tra nguyên liệu lại tiếp tục tăng mạnh, vượt qua cả mức giá từng được ghi nhận trong giai đoạn 2009-2010.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm hợp tác xã thủy sản xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, cho biết cá tra nguyên liệu vượt “size” (trọng lượng 2 kg/con) có giá 30.000-32.000 đồng/kg và cá trong “size” (từ 1 kg/con trở xuống) là 29.000-30.000 đồng/kg.

Xuất khẩu cá tra dự báo vẫn cậy thị trường Trung Quốc. Ảnh: Trung Chánh

Theo ông Nguyên, nguồn cá tra nguyên liệu đang rơi vào giai đoạn khan hiếm vì trước đó không có cá giống phục vụ sản xuất nguyên liệu, trong khi doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, nhất là doanh nghiệp bán vào thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu. Đây là lý do chính đẩy giá cá lên cao.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA), cho biết ở thời điểm hiện nay, ngay cả các doanh nghiệp có đầu tư vùng nuôi cũng đang rơi vào tình trạng thiếu cá nguyên liệu. “Ngành cá tra đang bị thiếu con giống trầm trọng do việc ương nuôi gặp khó khăn đã dẫn đến nguồn cung sản xuất nguyên liệu không đủ”, ông Quốc giải thích.

Từ thực tế đó, ông Quốc dự báo cá tra nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu chế biến xuất khẩu trong năm 2018 sẽ hạn chế, nhưng bù lại giá cá tra xuất khẩu sẽ được giữ ở mức cao và có thể kéo dài cả năm 2018.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cũng có chung nhận định giá tăng là do nguồn cung cá tra nguyên liệu ít. Song ông cũng cho rằng, để đưa ra dự báo chính xác cho cả năm cần phải thu thập nhiều thông tin và dữ liệu hơn mới có thể đánh giá được. “Chúng tôi cần phải nắm lại tình hình cho sát, phân tích rõ ràng rồi mới đưa ra dự báo chính xác được”, ông nói.

Vẫn nhờ thị trường Trung Quốc

Ông Hòe cho biết, trong năm 2017, dù thị trường vẫn còn tồn tại một số yếu tố không thuận lợi hoàn toàn như thuế chống bán phá giá, đạo luật Farm Bill ở thị trường Mỹ và  truyền thông bôi nhọ ở thị trường Liên minh châu Âu (EU). Thế nhưng nhịp độ xuất khẩu cá đã thu hoạch vẫn khả quan, với kim ngạch đạt được là 1,78 tỉ đô la Mỹ, tăng 4,3% so với năm trước. Đây là một nỗ lực rất lớn, nhất là nhờ vào sự tăng trưởng mạnh ở thị trường Trung Quốc.

Bước sang năm 2018, dù thời điểm hiện tại lượng cá đang có dấu hiệu khan hiếm, nhưng chưa thể đánh giá được nguồn nguyên liệu cả năm có khan hiếm hay không. Cũng có thể trong một tháng tới, lượng cá tới “size” thu hoạch có thể tăng hoặc cũng có thể tiếp tục khan hiếm do quá trình nuôi không đạt được như tính toán ban đầu.

Theo ông Hòe, xuất khẩu cá tra năm nay chắc chắn vẫn nhờ thị trường Trung Quốc, nơi đang có xu hướng tiêu thụ nhiều hơn do người tiêu dùng ngày càng biết đến cá tra Việt Nam. “Năm 2018, ước tính thị trường Trung Quốc sẽ nằm trong phạm vi khoảng 400-500 triệu đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu”, ông Hòe dự báo. Theo ông, với kim ngạch như vậy, thị trường Trung Quốc sẽ giải quyết được khoảng 400.000 tấn nguyên liệu.

Theo thông kê của VASEP, trong năm 2017, xuất khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường Trung Quốc – Hồng Kông đạt trên  410 triệu đô la Mỹ, tăng 34,8% so với năm 2016 và chiếm đến 23% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Trong khi đó, thị trường Mỹ và EU – vốn là hai thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam thời gian qua – lại sụt giảm lần lượt là 11% và 22,3% so với năm 2016.

Từ diễn biến của những thị trường chính nêu trên và căn cứ vào kết quả xuất khẩu toàn ngành cá tra năm 2017, thị trường Trung Quốc đang đóng góp không nhỏ trong việc bù vào phần thiếu hụt ở thị trường Mỹ và EU. Điều này có nghĩa, để tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng xuất khẩu ngành cá tra trong năm 2018, ngoài sự trông cậy thị vào trường Trung Quốc như dự báo nêu trên, cần phải vượt qua khó khăn ở thị trường Mỹ và EU.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nhà hàng, quán ăn tự tin sẽ ‘hốt bạc’ dịp 30-4...

0
(SGTT) - Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay kéo dài 5 ngày là cơ hội “hốt bạc” cho các chuỗi kinh doanh...

Đầu tư để xử lý nước ở ĐBSCL cần gấp hơn

0
(SGTT) - Mỗi khi mùa hạn mặn bắt đầu xuất hiện, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước vào quá trình chuyển đổi quản...

Show giải trí truyền hình tăng nhiệt nhờ nền tảng số

0
(SGTT) - Nhờ hoạt động truyền thông, quảng bá trên các nền tảng số, giờ đây các chương trình truyền hình giải trí, gameshow...

TPHCM tăng chuyến xe, chuyến tàu phục vụ người dân dịp...

0
(SGTT) - Dự báo nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ 30-4 và 1-5 tới đây sẽ tăng cao, Sở Giao...

Kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1 trong dịp...

0
(SGTT) - Trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tới đây, Cục Hàng không sẽ áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng...

Khởi công xây dựng nút giao Tân Vạn đường Vành đai...

0
(SGTT) -  Nút giao Tân Vạn kết nối tỉnh Bình Dương với TPHCM đã được khởi công xây dựng. Đây là một trong những...

Kết nối