Phương Thảo -
Với người dân tại thị trấn Penzance thuộc nước Anh, họ gọi những mảnh nhựa, chai lọ và túi nylon trôi dạt trên bãi biển mỗi khi nước rút bằng một cái tên mỹ miều nhưng cũng thật xót xa – những giọt nước mắt của nàng tiên cá.
Rachel Yates, một bà mẹ hai con 43 tuổi đang làm việc tại một đài phát thanh địa phương, đã từng tìm thấy hàng trăm loại rác thải khác nhau trên bãi biển, nhiều nhất là vỏ hộp bánh kẹo, đồ gia dụng, đồ chơi và những thứ được vất xuống biển từ rất nhiều năm về trước. Bà lẽ ra vẫn đang một mình cặm cụi với việc nhặt rác trên bãi biển quê hương cho đến khi quyết tâm chấm dứt việc này vào năm ngoái. Mục tiêu của Yates nghe có vẻ xa vời nhưng bà đã thành công khi đưa ra một đề xuất nhằm biến Penzance thành cộng đồng nói “không” với rác thải nhựa đầu tiên tại Anh. Chiến dịch này đã được dư luận hưởng ứng nhiệt tình. Vào tháng 12 năm ngoái, Penzance đã được chính thức được công nhận danh hiệu này sau khi hội đồng thị trấn, trường học, phòng thương mại và nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng ủng hộ dự án của Yates.
Theo tờ The Telegraph, ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại. Năm 1950, dân số thế giới chỉ có 2,5 tỉ người nhưng đã thải ra 1,5 triệu tấn nhựa vào môi trường. Con số tăng lên đến hơn 320 triệu tấn nhựa vào năm 2016 khi dân số toàn cầu đạt hơn 7 tỉ người.
Mỗi ngày trôi qua, có xấp xỉ 8 triệu mảnh nhựa trôi dạt vào bờ biển trên khắp thế giới, gây ô nhiễm nặng nề hệ sinh thái biển. Cứ mỗi dặm đường bờ biển của nước Anh, người ta tìm thấy khoảng 5.000 mảnh rác thải bằng nhựa mỗi ngày. Số lượng chai nhựa là đáng kể nhất với 150 chai mỗi dặm, cùng với đó là khoảng 2,5 tỉ chiếc cốc cà phê nhựa thải ra môi trường hằng năm. Mới tuần trước, quốc hội Anh đã đề xuất đánh thuế lên những cốc cà phê nhựa mang đi và cấm hoàn toàn việc sử dụng vào năm 2023 nếu như nước Anh vẫn không cải thiện được năng suất tái chế.
Bộ trưởng Môi trường Anh Michael Gove vào tháng trước nói rằng ông đã bị ám ảnh bởi những hình ảnh ô nhiễm rác thải nhựa phát trên chương trình truyền hình Blue Planet 2 và bị thôi thúc phải có hành động ngay tức khắc. Tương tự là nước Pháp, nơi được kỳ vọng sẽ trở thành quốc gia trên thế giới cấm sử dụng ly, dĩa và đồ dùng bằng nhựa năm 2020. Tuần trước, Trung Quốc cũng tuyên bố ngưng tiếp nhận rác thải nhựa từ Anh vì quốc gia này đang ngập trong 2,7 triệu tấn nhựa từ năm 2012. Để đạt được danh hiệu này, Hội đồng thị trấn Penzance đã thông qua một chương trình hỗ trợ cho tất cả sáng kiến giảm rác thải nhựa của người dân. Họ cũng thành lập một nhóm chỉ đạo để tổ chức dọn dẹp bãi biển thường xuyên và việc này đã mang lại kết quả khả quan khi một lượng rác lớn được thu gom mỗi buổi sáng. Các nhà thờ, nhóm hướng đạo sinh nữ, hội phụ nữ và sáu trường học cũng đã cam kết sẽ giảm sử dụng đồ nhựa.
Ban đầu, chỉ có 13 trong số 400 doanh nghiệp trong thị trấn tuyên bố sẽ ngưng sử dụng đồ dùng bằng nhựa trong khuôn viên của mình nhưng con số hiện nay đã tăng lên 30. Không ngừng lại ở đó, Yates dự định sẽ tổ chức một buổi nói chuyện vào cuối tháng này để thuyết phục nhiều công ty khác nữa hưởng ứng. Emily Kavanaugh, đồng chủ tịch của Phòng thương mại Penzance và làm chủ cửa hàng mỹ phẩm Nuff Stuff, là một trong những người đầu tiên ghi tên hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường này. Theo bà, cam kết này không có gì là khó khăn vì nó không bắt buộc người ta từ bỏ hết cả vật dụng quen thuộc mà chỉ là tránh sử dụng đồ nhựa xài một lần và xem xét cẩn thận các vật dụng bằng nhựa.
Kavanaugh, năm nay 51 tuổi, nói bà đã bắt tay vào hành động sau khi quan sát thấy hàng trăm loại rác thải nhựa mỗi khi đi dạo dọc bờ biển. Cửa hàng của bà giờ đây chỉ bán xà bông cục để tắm và rửa tay thay vì chai nhựa, đựng các loại dầu dưỡng ẩm trong lọ có thể tái sử dụng và gói hàng bằng bao bì làm bằng bột bắp. Việc tái chế cần phải được rèn luyện trở thành một thói quen trong toàn xã hội hay một bản năng tự nhiên của mỗi người, bà chia sẻ.