Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Tăng sức đề kháng từ bài thuốc y học cổ truyền

(SGTTO) - Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở Việt Nam, các chuyên gia y học cổ truyền TPHCM đã đưa ra một số bài thuốc, vị thuốc có thể tăng cường sức đề kháng cho cơ thể trong mùa dịch này.

Trà dược liệu tăng cường hệ miễn dịch phòng bệnh viêm đường hô hấp của các thầy thuốc đông y. Ảnh H.N

Theo bác sĩ Lưu Quốc Hải, Phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Y học Cổ truyền TPHCM, hiện nay chưa có loại thuốc cụ thể nào để điều trị đặc hiệu với Covid-19. Tuy nhiên, một số kết quả thực hành lâm sàng cho thấy y học cổ truyền đóng vai trò quan trọng trong điều trị Covid-19, mang lại hy vọng mới cho việc phòng ngừa và kiểm soát Covid-19.

Nhiều phương pháp điều trị hiệu quả

Trong phòng ngừa các bệnh lý ngoại cảm ôn dịch, trong đó có Covid-19, cần phát huy đầy đủ các ưu điểm của y học cổ truyền nhằm tăng cường sức đề kháng của cơ thể, giảm tỷ lệ mắc bệnh. Trong kiểm soát và điều trị Covid-19, phối hợp can thiệp sớm bằng y học cổ truyền là một trong những phương pháp quan trọng nhằm tăng tỷ lệ chữa khỏi bệnh, rút ​​ngắn quá trình bệnh, trì hoãn tiến triển bệnh và giảm tỷ lệ tử vong.

Tại Trung Quốc, trong tình hình diễn ra đại dịch như hiện nay, y học cổ truyền đã sớm được kết hợp với y học hiện đại trong chẩn đoán và điều trị dịch bệnh Covid-19. Các phương pháp điều trị bằng thuốc thảo dược, châm cứu và các liệu pháp đặc trưng khác như luyện tập dưỡng sinh, tâm lý trị liệu… được khuyến cáo sử dụng toàn diện dựa trên nguyên tắc biện chứng luận trị của y học cổ truyền (tức điều trị dựa trên sự khác biệt của các hội chứng ở từng bệnh nhân cụ thể).

Dịch bệnh Covid-19 thuộc phạm trù "dịch bệnh", "ôn dịch" của y học cổ truyền là một loại bệnh ngoại cảm có tính truyền nhiễm, lây lan mạnh trong cộng đồng.

Nguyên nhân chủ yếu do cảm thụ các yếu tố "dịch lệ", thường xuất hiện theo mùa (thời hành dịch độc) vào cuối đông đầu xuân. Ngoài ra, thời tiết bất thường cũng là điều kiện thuận lợi phát sinh bệnh. Theo nguyên lý của y học cổ truyền cùng với các biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh cho thấy vị trí gây bệnh của Covid-19 là ở tạng "Phế, Tỳ" (hô hấp, tiêu hoá) và thuộc tính của nguyên nhân gây bệnh là "thấp độc" (các yếu tố dịch bệnh trong môi trường ẩm thấp).

Theo đó, các chuyên gia y học cổ truyền sẽ điều trị các triệu chứng đi kèm tùy theo thể trạng của bệnh nhân, ví dụ các triệu chứng hoặc bệnh lý kèm theo về tiêu hoá, hô hấp, cơ thể hư nhược như: ăn uống khó tiêu, tiêu chảy, táo bón, ho, nhiều đàm, ứ dịch ở phổi, suy nhược cơ thể do thiếu dưỡng chất...

Các loại cây trong vườn nhà

Y học cổ truyền Việt Nam phần lớn dựa trên các học thuyết và lý luận cơ bản của y học cổ truyền phương Đông. Đó là học thuyết âm dương ngũ hành, tạng phủ, kinh mạch; các lý luận cơ bản về thiên nhân hợp nhất (sự hoà hợp giữa con người với vũ trụ), cơ năng sinh lý, tạng phủ, khí huyết và đường hướng dưỡng sinh chú trọng giữ gìn tinh - khí - thần để nâng cao sức khỏe và tuổi thọ.

Tại các gia đình, mọi người ít nhiều đều biết dùng một số cây gia vị, rau quả hay các vị thuốc thường có xung quanh mình cùng các phép xông hơ, chườm nóng, xoa bóp, thực dưỡng… để phòng bệnh và chữa một số bệnh ban đầu, mới xảy ra. Các vị thuốc và phép chữa này áp dụng trong các loại bệnh ngoại cảm, ôn dịch và một số bệnh lý nội khoa khác (nội thương tạp bệnh) rất thuận lợi và hiệu quả.

Một số nghiên cứu cho thấy phần lớn các vị thuốc Nam dùng xông có tác dụng kháng sinh với một số loại vi trùng đường ruột và đường hô hấp như các vị: hương nhu, lá lốt, tía tô, kinh giới, lá chanh, lá bưởi, lá sả, lá quế, lá gừng, lá long não, rau tần dày lá… Cho nên trong bệnh viêm phổi, ở giai đoạn sớm, dùng nồi xông kết hợp với thuốc thanh nhiệt, giải độc thường đem lại kết quả tốt.

Đặc biệt trong mùa lây lan bệnh cúm, nếu uống thuốc dự phòng thông thường có thể khiến tỷ lệ mắc bệnh giảm xuống. Cụ thể như mùa đông dùng quán chúng, tử tô, kinh giới. Mùa hè dùng hương nhu, bội lan, bạc hà. Lúc bệnh lây lan nhanh thì nên dùng bản lam căn, đại thanh diệp, cúc hoa, kim ngân hoa. Ngoài ra, thói quen sử dụng các thực phẩm, gia vị hàng ngày như hành, tỏi, giấm cũng có tác dụng dự phòng tốt.

Các bài thuốc y học cổ truyền

Sản phẩm tăng cường hệ miễn dịch. Ảnh: H.N

Tại Bệnh viện Y học Cổ truyền TPHCM, một số bài thuốc, sản phẩm được áp dụng phòng ngừa dịch bệnh, nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng như chỉ khái tiêu viêm sát trùng họng, cao bổ phổi hỗ trợ các bệnh về phổi, cao lỏng nhân sâm bại độc phòng ngừa và điều trị các bệnh cảm cúm, viêm họng, cao hồng sâm tăng sức đề kháng và tăng cường miễn dịch...

Tại các phòng khám y học cổ truyền, các thầy thuốc trong Hội Dược liệu TPHCM và Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, Phòng Khám Y dược cổ truyền Tuệ Lãn, Quận 3 đã sản xuất ra loại trà phòng bệnh viêm đường hô hấp. Bài thuốc phối hợp những vị thuốc nam được trồng ở Việt Nam nhằm phòng và điều trị các triệu chứng viêm họng, viêm phế quản, hắt hơi, xổ mũi, ho, sốt như: thạch xương bồ, mộc hồ điệp, mạn kinh tử, sâm bố chính, hổ trượng căn, đơn lưỡi hổ, lẻ bạn, viễn chí, bướm bạc... Người dùng chỉ cần pha nước sôi theo dạng trà túi lọc uống thay nước hàng ngày.

Bình An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối