Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Sớm hành động cho tăng trưởng xanh!

(SGTT) - TPHCM xác định phải phát triển bền vững, chuyển đổi xanh để tạo ra động lực mới, năng lực cạnh tranh mới cho thành phố. Các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp cho biết sẵn sàng đầu tư và phát triển theo xu hướng này. Vấn đề đặt ra là TPHCM cần sớm có khung chính sách, bộ tiêu chí để triển khai tăng trưởng xanh; đồng thời sớm phát triển thị trường tài chính xanh…

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế TPHCM (HEF) 2023 chủ đề “Tăng trưởng xanh – Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không” vào tuần trước, Phó thủ tướng Lê Minh Khái tin tưởng với đặc thù về đô thị, dân số, tính năng động, TPHCM sẽ là nơi thử nghiệm rất tốt các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, tuần hoàn, đặc biệt trong bối cảnh thành phố có Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Hướng đi nào?

Trong các phiên thảo luận cũng như các cuộc gặp gỡ lãnh đạo thành phố trong khuôn khổ của HEF, nhiều chuyên gia đề xuất những việc có thể làm sớm và nêu các mô hình các thành phố đã thực hiện để TPHCM tham khảo.

PGS.TS. Vũ Minh Khương, chuyên gia về chính sách và kinh tế, giảng viên cao cấp trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), gợi ý kinh nghiệm 5S trong quá trình phát triển kinh tế xanh của Singapore, gồm: sinh tồn (survival); chiến lược (strategy); cấu trúc tổ chức thực hiện (structure); chọn người giao trọng trách (steward selection); và tìm kiếm ý tưởng thông tuệ (sagacity-seeking).

Trong đó, ở bước đầu tiên là “sinh tồn”, thành phố phải ý thức được đổi mới xanh là sống còn chứ không còn lựa chọn nào khác. Ở bước này, Singapore xem làm sạch các dòng sông giai đoạn 1977-1987 là trọng tâm, điều cơ bản cần làm trước khi chuyển đổi xanh. Theo ông Khương, TPHCM cũng có thể học tập điểm này để làm sạch sông Sài Gòn và các kênh rạch. “Chuyển đổi xanh nên bắt đầu từ những cái rất thiết thực cho người dân”, ông Khương nói.

Ông Ricardo Valente, Ủy viên hội đồng thành phố về kinh tế và tài chính thành phố Porto (Bồ Đào Nha), đề xuất TPHCM đặt hàng bài toán kinh doanh tuần hoàn để các doanh nghiệp tham gia. Theo đó, giải pháp nào hiệu quả sẽ được chọn. Ngoài ra, chính sách tài khóa và cơ chế miễn giảm thuế cũng là cách khuyến khích. “Chúng tôi đã xây dựng chỉ số môi trường, miễn giảm thuế cho các công ty đáp ứng các chỉ số này”, ông nêu ví dụ.

Một điểm nữa là chính quyền các địa phương là các nhà tiêu dùng lớn trong xã hội, do đó phải tiên phong sử dụng các sản phẩm xanh, tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm này. “Nếu nhà nước không tham gia quá trình tiêu dùng xanh này thì không thể tạo được động lực cho xã hội”, ông Valente nhấn mạnh.

Chia sẻ về kinh nghiệm của Thượng Hải trong lĩnh vực công nghiệp, bà Tôn Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân thành phố này, cho biết Thượng Hải phát triển hệ thống kỹ thuật số xanh tiên tiến, các mạch tích hợp, tạo động lực mới để ngành công nghiệp truyền thống xanh hơn như tối ưu hóa quy trình ngành thép, hóa dầu và khai thác sâu hơn khả năng tiết kiệm và sản xuất năng lượng trong ngành này.

Ứng dụng công nghệ được cho là cách giải quyết tốt tình hình môi trường phức tạp hiện nay. Lãnh đạo vùng Flanders – nơi có ngành công nghiệp hóa dầu lớn của Bỉ cho biết cũng phải đối diện với những áp lực về môi trường. “Công nghệ từng bước giải quyết được những vấn đề phức tạp, tái chế được gần 50% lượng rác thải các loại ra môi trường”, ông Jan Jambon, Bộ trưởng – Thủ hiến Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, văn hóa, công nghệ thông tin và quản lý cơ sở vật chất vùng Flanders, nói.

Ông Jeremy Jurgens, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), cũng đánh giá cao vai trò của ứng dụng tiến bộ công nghệ trong quá trình khử carbon khỏi nền kinh tế. “Với ngành sản xuất, Việt Nam đã cam kết trung hòa carbon vào năm 2050 nhưng chỉ khoảng 10% GDP đầu tư vào nỗ lực này, nên việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thúc đẩy tiến trình nhanh hơn”, ông nói.

Cần có thị trường tài chính xanh

Chuyển đổi xanh và tăng trưởng xanh tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới nhưng cũng đòi hỏi nguồn lực lớn về tài chính để các doanh nghiệp có thể đầu tư vào các công nghệ xanh, hiệu quả, giảm thiểu chi phí sản xuất và xử lý chất thải… Dư nợ tín dụng xanh cả nước chỉ chiếm 4,2% tổng dư nợ tín dụng, do đó, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng ngành ngân hàng cần có cơ chế chính sách tài chính xanh, tạo sự chủ động cho các đô thị đặc biệt như TPHCM.

Với mục tiêu hình thành trung tâm tài chính quốc tế, ông Nguyễn Minh Vũ, trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nhận định thành phố đang có điều kiện rất thuận lợi để trở thành “cực thu hút” các nguồn tài chính xanh đang có xu hướng gia tăng. TPHCM phải là trung tâm tài chính quốc tế thế hệ mới, với tài chính khí hậu, tài chính xanh, tài chính công nghệ đóng vai trò cốt lõi. “Thành phố cần sớm ban hành chính sách hoặc cho thử nghiệm có kiểm soát đối với một số công cụ tài chính mới như phát hành trái phiếu xanh, xây dựng sàn giao dịch carbon theo tiêu chuẩn quốc tế, tiến tới kết nối với các nước ASEAN để trở thành trung tâm giao dịch tín chỉ carbon của khu vực với tầm nhìn toàn cầu”, ông Vũ đề xuất.

Thiết lập hệ thống tài chính xanh để thu hút nhiều vốn hơn cho các ngành công nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh chủ yếu về giao thông, công nghiệp là cách mà thành phố Thượng Hải đã làm. Vào tháng 7-2021 chương trình mua bán khí thải quốc gia (ESETS) của Trung Quốc đã bắt đầu được giao dịch tại đây, tạo ra doanh thu tích lũy hơn 240 triệu tấn tín chỉ carbon. “Chúng tôi đã thiết lập một hệ thống tài chính xanh nhiều tầng để thu hút nhiều vốn hơn cho các ngành công nghiệp xanh. Chúng tôi cũng đã tổ chức triển lãm trung hòa carbon quốc tế để có thể liên kết, tạo điều kiện hợp tác giữa các bên trong giao dịch carbon”, bà Tôn Minh chia sẻ kinh nghiệm.

Trong các phiên thảo luận, các chuyên gia cũng cho rằng thành phố có cơ hội huy động nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, các dự án giao thông đô thị xanh thông qua việc phát triển thị trường tài chính xanh.

Sớm có khung chiến lược về phát triển xanh

Tại diễn đàn, nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước bày tỏ mong muốn đầu tư và phát triển xanh, bền vững. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng TPHCM cần đề xuất với bộ, ngành trung ương xây dựng các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí thế nào là “xanh” một cách cụ thể cho các lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là sớm ban hành khung chiến lược về phát triển xanh.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE, cho biết doanh nghiệp phải chờ đến 18 tháng mới có thể xác định địa điểm cho nhà máy đốt rác lấy điện công suất 2.000 tấn/ngày. “Chúng tôi cũng có thể đầu tư điện mặt trời trên mái nhà công sở, trường học… bán điện cho thành phố như giá điện lực (EVN- pv)”, bà Thanh nói. Đề xuất này đã đưa ra ba năm trước nhưng hiện chưa được xem xét. Từ thực tế trên, bà mong rằng chính quyền TPHCM có quy định, chế tài chặt chẽ.

Tương tự, ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững của Công ty Nhựa tái chế Duy Tân, kỳ vọng thành phố có cơ quan đầu mối hỗ trợ giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp lĩnh vực tái chế. “Chúng tôi cũng cần bộ quy chuẩn cho sản phẩm tái chế, và tiêu chuẩn an toàn sản phẩm tái chế”, ông nói.

TPHCM đã có chủ trương, chính sách để phát triển kinh tế xanh nhưng theo ông Phạm Bình An, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, phần lớn vẫn mang tính chất định hướng, chưa có hỗ trợ cụ thể. Ông An cho rằng hai lĩnh vực quan trọng cần chuyển đổi là năng lượng và giao thông còn nhiều vấn đề phải tháo gỡ. Biểu giá năng lượng tái tạo chưa hấp dẫn, trong khi thị trường tái sử dụng, tái chế chất thải hình thành nhưng vướng tính pháp lý.

Thông tin đến doanh nghiệp, nhà đầu tư, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khẳng định, thành phố nhận thức rõ mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống không còn là lựa chọn tối ưu nữa nên đã chuyển hướng, kiến tạo một hành trình mới, hành trình tăng trưởng xanh với tầm nhìn cho tương lai bền vững.

Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM đang nghiên cứu, đề ra khung chiến lược phát triển xanh và cam kết bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện, hướng tới Net-zero vào năm 2050. Khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chuyển đổi và tập trung vào bốn nội dung, gồm nguồn lực xanh với nguồn nhân lực trình độ cao; tài chính xanh và hợp tác quốc tế; hạ tầng xanh với chuyển đổi năng lượng xanh, nước sạch; hành vi tiêu dùng xanh.

Sau diễn đàn, TPHCM sẽ tổng kết đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện khung chiến lược trong tháng 9. “Với những góp ý tại diễn đàn, thành phố thấy rằng có đủ cơ sở để hoàn thiện khung chiến lược tốt, từ đó xây dựng khung hành động với mốc thời gian, lĩnh vực cụ thể. Song song đó là ban hành quy định, quy chuẩn phù hợp quốc tế. TPHCM sẽ giữ vai trò tiên phong phát triển xanh, thực hiện mục tiêu Net-zero”, ông Mãi khẳng định.

Quốc Hùng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối