Hà Linh -
Không cần phải đi đến núi rừng Tây Bắc xa xôi, du khách vẫn có thể có được những trải nghiệm màu sắc thú vị tại Bảo tàng Di sản vô giá về thổ cẩm ngay trong lòng phố cổ Hội An. Các mặt hàng thổ cẩm đa sắc màu này đều do chính tay đồng bào Mông và Dao Đỏ dệt nên.
Chủ nhân của bảo tàng này là Réhahn, một nhiếp ảnh gia người Pháp nổi tiếng với nhiều ảnh chụp vẻ đẹp con người, cảnh vật của Việt Nam. Chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Réhahn cho biết xuất phát từ tình yêu đất nước và con người Việt Nam, đặc biệt “kho báu về văn hóa của Việt Nam, những nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam” đã thực sự cuốn hút ông và thôi thúc ông tạo dựng một bảo tàng lưu giữ những nét văn hóa cùng những câu chuyện của 54 dân tộc Việt Nam. Kết quả là vào tháng 1-2017, Bảo tàng Di sản đã hoàn thành và mở cửa đón công chúng tham quan. Địa điểm được chọn làm bảo tàng cũng chính là căn nhà cổ ở số 26 đường Phan Bội Châu, TP Hội An (Quảng Nam) mà Réhahn đang ở.
Ở đây, ông Réhahn đã trưng bày hơn 200 bức ảnh đặc sắc về vẻ đẹp con người, trong đó chủ đạo là các tác phẩm về phụ nữ Việt Nam, trong đó có những người mẹ, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó còn có bộ sưu tập quý giá 35 bộ trang phục dân tộc truyền thống, những vật liên quan đến đời sống và văn hóa của các dân tộc Việt Nam dọc theo 3 miền Bắc, Trung và Nam của đất nước. Trong Bảo tàng Di sản quý giá của Réhahn còn có những câu chuyện, thông tin bằng ba thứ tiếng là Việt, Anh và Pháp về từng dân tộc ở Việt Nam.
Sau hơn một năm mở cửa, đầu tháng 4-2018 nhiếp ảnh gia Réhahn lại tiếp tục giới thiệu đến công chúng thêm một bảo tàng thổ cẩm của đồng bào thiểu số Tây Bắc Mông và Dao Đỏ ngay tại Bảo tàng Di sản của mình. Giới thiệu về bảo tàng thổ cẩm lần này của mình, Réhahn cho biết vào tháng 7-2017, ông đã có chuyến tham quan Sa Pa, và ông đặc biệt ấn tượng với nghề thêu dệt của đồng bào Dao Đỏ và Mông. Từ đó, Réhahn nảy ra ý tưởng sẽ mời những nghệ nhân dệt thổ cẩm này “xuống núi” đến Hội An để có cơ hội giới thiệu rộng rãi nghề truyền thống này với du khách trong nước và quốc tế. Thế rồi, sau 8 tháng được Réhahn ngỏ lời mời, bảy phụ nữ Mông và ba phụ nữ Dao Đỏ cùng hành trang là nhiều sản vật thổ cẩm truyền thống của đồng bào Tây Bắc đã có mặt ở Hội An. Tại đây, họ không chỉ giới thiệu về vẻ đẹp của vùng đất Tây Bắc Việt Nam, nét văn hóa, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số mà còn trực tiếp trình diễn và hướng dẫn cho những “học viên” là du khách trong và ngoài nước tham quan Hội An.
Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Thể thao Hội An, nhận xét Réhahn là một người đặc biệt, cách mà nhiếp ảnh gia này đang góp phần lưu giữ văn hóa truyền thống Việt Nam cũng thật độc đáo. Bảo tàng trưng bày ảnh nghệ thuật về đất nước Việt Nam, về các dân tộc của Việt Nam do Réhahn thể hiện thực sự ý nghĩa. Nó như một thông điệp gửi đến bạn bè rằng Hội An ngày càng khẳng định là nơi hội nhân, hội thủy, hội văn hay nói cách khác là nơi hội tụ văn hóa bốn phương.
Nhiếp ảnh gia Réhahn sinh ra và lớn lên tại Normandy (Pháp). Là người yêu du lịch, ông từng đến 35 quốc gia trước khi quyết định sống tại Hội An năm 2011. Réhahn nổi tiếng với tên gọi “người lưu giữ linh hồn nhân vật” thông qua các bức ảnh chân dung của anh tại Việt Nam, Cu Ba và Ấn Độ. Năm 2014, Réhahn xuất bản cuốn Tranh Việt Nam - Những mảnh ghép tương phản, bao gồm 150 bức ảnh của anh về vẻ đẹp và sự đa dạng của Việt Nam. Cuốn sách đã được bán tại 29 quốc gia. Réhahn cũng thường xuyên cập nhật và đăng tải những tác phẩm của mình trên mạng xã hội, fanpage của anh thu hút hơn 410.000 người theo dõi.