Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Ở nhà mùa dịch: muôn chuyện vui khi các “đầu bếp tại gia” vào bếp

(SGTTO) - Việc thực hiện cách ly xã hội, "ai ở nhà nấy" đã trở thành yếu tố khơi gợi cảm hứng nấu nướng cho khá nhiều người. Nấu ăn trở thành cách để họ chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình, vừa mang đến niềm vui trong những ngày ở nhà tránh dịch.

Nhiều hàng quán đóng cửa mùa dịch. Ảnh: Cường Lã

Chỉ thị hạn chế tiếp xúc với nhiều người, hàng quán đóng cửa, dịch vụ giao hàng giảm tần suất hoạt động, không tụ tập ăn uống… là những lý do khách quan khiến nhiều người buộc phải nấu ăn tại nhà. Tưởng chừng cuộc sống không ăn hàng quán sẽ "vất vả" với nhiều người, nhưng không, nhờ các trang, các nhóm ẩm thực – dạy nấu ăn trên mạng xã hội, việc nấu nướng trở nên dễ dàng và vui vẻ hơn.

Nấu ăn để hạn chế đi lại, đảm bảo sức khỏe

Trước đây, hầu hết mỗi người chỉ có chút thời gian ít ỏi buổi sáng hoặc chiều tối sau khi tan làm để chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà. Giờ đây, họ có nhiều thời gian hơn để lên thực đơn, đi chợ và nấu những món ăn theo sở thích.

Có thể nói, "nấu nướng mùa dịch" đã trở thành trào lưu của mạng xã hội những ngày gần đây. Những bài chia sẻ về “công thức nấu nướng”, “hôm nay ăn gì” trong các nhóm ẩm thực đã khơi gợi cảm hứng nấu ăn cho cộng đồng. Cũng từ đây, nhiều món ăn đã bắt đầu trở thành trào lưu như cà phê bọt biển, trứng bồng bềnh, bánh khoai mỡ chiên, bánh gạo làm từ bánh tráng, các món ăn dùng nồi chiên không dầu…

Anh Hoài Vũ (ngụ tại quận 7) - nhân viên văn phòng - là người yêu thích ẩm thực và thường tham gia các nhóm đánh giá quán xá, món ăn ngon. Anh chia sẻ: “Tôi thích nấu ăn cũng khá lâu rồi. Nhưng từ khi hàng quán đóng cửa thì tôi tích cực nấu ăn hơn. Trung bình ba, bốn ngày tôi đi siêu thị một lần để mua đồ về trữ trong tủ lạnh, nấu dần”.

Anh thường học nấu ăn qua mạng Internet. Nếu thích món gì, anh sẽ tìm kiếm từ khóa món ăn này và làm theo. Khi nấu ăn cả ba bữa tại nhà, anh Vũ cảm thấy món ăn của mình đủ chất và ngon miệng hơn khi ăn hàng. Dù chỉ là hoạt động thường ngày nhưng nấu ăn tạo cho anh Vũ khá nhiều niềm vui. Vì vậy, anh thường đăng tải hình ảnh nấu nướng của mình trên trang cá nhân và cả các nhóm ẩm thực để tạo thú vui riêng cho bản thân. Những món ăn mà anh thường nấu trong bữa cơm hằng ngày gồm canh chua cá lóc - bông so đũa, bông bí xào, cá hú kho, cải xào thịt, canh khổ qua - trứng, thịt kho coca.

Anh Hoài Vũ chia sẻ về món thịt kho coca trong một nhóm về ẩm thực. Ảnh chụp màn hình.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Trúc Lan (ngụ tại quận Bình Tân) - nhân viên ngân hàng - hiện chị vẫn phải đi làm. Chị cho biết rất yêu thích việc nấu ăn và bày biện, chụp ảnh món ăn do mình nấu. Niềm vui của chị chính là ở gian bếp, nấu nướng và chăm sóc gia đình qua những bữa ăn hằng ngày. Thường ngày, khi đi làm bận rộn, có lúc chị chỉ nấu qua loa, đơn giản, nếu có nhiều thời gian hơn chị mới chăm chút kỹ lưỡng.

Trong mùa dịch, chị cố gắng nấu nhiều món hơn, chất lượng hơn để tăng cường sức khỏe cho gia đình nhỏ. Chủ nhật chị Lan đi chợ mua thực phẩm, rồi về phân chia, sơ chế và bảo quản tủ lạnh. Chị chia sẻ về cách để đảm bảo bữa cơm nhà: “Tôi sẽ lên thực đơn cho một tuần rồi cứ thế đi chợ. Cứ theo ngày mà bỏ đồ ăn xuống ngăn mát rã đông. Chồng tôi về sớm hơn sẽ nhìn vào thực đơn, biết hôm nay ăn món gì và chuẩn bị rửa rau, làm các thứ lặt vặt trước hỗ trợ tôi”. Nhân mùa cách ly, chị cùng con trai thử làm bánh pizza tại nhà – món mà các con chị rất thích khi đi ăn ngoài.

Chị Trúc Lan thường lên thực đơn trong tuần, dán lên tủ lạnh để tiện theo dõi và nấu nướng với sự hỗ trợ từ chồng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ở nhà mùa dịch, chị Trúc Lan còn chia sẻ hình ảnh gợi ý 30 mâm cơm gia đình trên mạng xã hội cho nhiều người tham khảo. Hiện, chị vừa đăng tải được bảy mâm cơm theo ý tưởng này. “Một phần vì tôi thích nấu và chụp ảnh, một phần tôi cũng muốn gợi ý cho mọi người nếu ai cần. Thiệt tình là nhiều khi đi chợ tôi không biết nay ăn gì. Nên tôi nghĩ có những gợi ý những mâm cơm tuần hay tháng gì đó thì mình sẽ đỡ phải nhức đầu nghĩ xem mai ăn gì”, chị Lan nói. Và cứ hết một tuần, chị sẽ cập nhật những món ăn mới để nhiều người cùng nấu ăn tại nhà.

Một số mâm cơm dinh dưỡng do chị Trúc Lan gợi ý

Học từ thất bại

Hàng quán đóng cửa, lại có nhiều thời gian ở nhà, chị Huỳnh Diễm (ngụ tại quận 2) chọn nấu ăn tại nhà để tiết kiệm. Chị đăng ảnh lên mạng để ba mẹ ở xa yên tâm về việc hạn chế đi lại của chị. Dù tích cực nấu nướng, nhưng chị Diễm cũng gặp không ít tình huống “dở khóc dở cười” với những món ăn không hoàn thiện.

Chị cho biết trước đây khá tự tin vào khả năng nấu ăn của mình dù ít khi có thời gian nấu, chủ yếu đi làm rồi ăn ngoài hàng. “Đến khi ở nhà nghỉ dịch, nấu ăn nhiều hơn mới thấy… nấu ăn cũng thật khó! Nhưng mỗi lần nấu được món ăn ngon, tôi cảm thấy rất “đã”. Không chừng, sau mùa này tôi sẽ thành đầu bếp luôn”, chị Diễm dí dỏm chia sẻ.

Món trứng ngâm tương đang nổi trên mạng vừa được chị Huỳnh Diễm hoàn thành. Ảnh: Facebook nhân vật.

Chị Diễm bắt đầu chuỗi ngày nấu ăn mùa dịch bằng món cà phê bọt biển được cộng đồng mạng quan tâm gần đây. Tuy nhiên, chị cho biết phải làm rất nhiều lần mới có thể thành công. Kế đến là món bánh flan nướng bằng nồi chiên không dầu. Chị đã gặp sự cố ở giai đoạn thắng caramel, khiến phần đường không tan chảy được mà lại vón cục. Lần đầu, chị nướng bánh khổ lớn trong 40 phút nhưng không có dấu hiệu chín, caramel bị hòa lẫn vào hỗn hợp bánh. Chị tiếp tục làm lại bằng cách cho vào chén sứ nhỏ. Thành phẩm bánh lại bị… quá lửa.

Lần đầu làm bánh flan, chị Diễm gặp sự cố ở phần thắng caramel - đường bị vón cục. Ảnh: Facebook nhân vật.
Thành phẩm sau lần thứ hai nướng... bị quá lửa. Ảnh: Facebook nhân vật.

Một lần khác, chị quyết định làm món bánh xèo. Công đoạn sơ chế, chuẩn bị nguyên liệu khá tươm tất, chị pha bột theo hướng dẫn trên bao bì. Nhưng kết quả là bánh trở nên dai, không giòn như ngoài hàng. Chị rút kinh nghiệm: “Theo tôi, vì người ta làm bếp lửa còn mình làm bếp từ, bếp điện nên bánh không giòn được, không đủ lửa”.

Một lần khác, chị thử làm bánh sữa chua cũng gặp nhiều sự cố như sốt sữa chua bị tách nước, cho ra mùi vị khó ăn, phần vỏ bánh không dính được như mô tả trên mạng. Nói về việc chia sẻ món nấu hỏng trên mạng, chị Diễm cho rằng: “Tôi cảm thấy việc thất bại khi làm những mẻ bánh vô cùng kỳ công của mình chính là nỗi buồn, chứ không phải tại mình còn trẻ nên mình có quyền làm lại. Nhưng tôi vẫn vui và chia sẻ sự thất bại như một điều gì đó quan trọng của cuộc đời”. Và chị Diễm vẫn tiếp tục nấu thử nhiều món ăn mới với mong muốn sau dịch có thể nấu ăn mang đi làm.

Cũng không thành công với món cà phê bọt biển, chị Lê Hạnh (ngụ tại quận Phú Nhuận) cho biết chị cũng dành thời gian ở nhà mùa dịch để thử nấu ăn. Chị thường làm theo các món được nhiều người chia sẻ trên mạng, nhưng đa phần không thành công. Chị kể: “Tôi thấy hướng dẫn đánh 8 phút, nhưng tôi đánh cật lực vẫn không thấy có kết quả gì. Cà phê không kẹo lại được nên tôi đành dùng máy đánh trứng”. Đến món trứng bồng bềnh, chị cũng chỉ... gần thành công. Nhưng do đậy nắp chảo quá lâu, trứng bị xẹp và không giữ được độ xốp như yêu cầu.

Trước khi có dịch, chị Hồng Nhung (ngụ tại quận Thủ Đức) làm công việc buôn bán đồ nhựa ở chợ. Do hàng không còn bán được nhiều, chị chỉ ra cửa hàng buổi sáng, chiều về nhà nấu ăn và chăm sóc gia đình. Vốn thích ăn bánh bột lọc, chị nhân dịp có nhiều thời gian nghỉ thử làm món bánh này. Mẻ bánh đầu tiên bột bị nhão, chị lại quên cho gia vị vào bột nên bị lạt, rất khó ăn. “Lúc khuấy bột trên bếp tôi sợ bị khét nên lo khuấy, vì vậy quên cho muối. Nhưng mà lần tới chắc chắn tôi sẽ làm ngon hơn vì đã rút kinh nghiệm”, chị Nhung tự tin nói. Chị Nhung còn cho biết chị sẽ suy nghĩ về việc làm bánh bột lọc để bán, có thêm thu nhập mùa dịch.

Bánh bột lọc của chị Hồng Nhung bị nhão và không có gia vị. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Yến Nhi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối