Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Nông dân cần sự đồng hành của doanh nghiệp

Để chuyển đổi tư duy từ "sản xuất nông nghiệp" sang "làm kinh tế nông nghiệp" là một tiến trình lâu dài, cần có nhiều "ngọn đuốc" cháy sáng, khơi dậy tinh thần dũng cảm, làm nóng lên bầu nhiệt huyết đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm của người nông dân và ngay chính trong hệ thống chính trị, theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp tại hội thảo Giúp nông dân làm kinh tế do UBND tỉnh Đồng Tháp và Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 9-6 tại TP Cao Lãnh.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan (giữa) đang trao đổi cùng các đại biểu tham dự hội thảo “Giúp nông dân làm kinh tế” ngày 9-6 tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Kim Ngọc

Nông dân cần thay đổi tư duy

Dù đã quá 12h trưa nhưng cả hội trường còn đông đủ người tham dự và 81 điểm cầu tại các địa phương vẫn ngồi nghe Bí thư Lê Minh Hoan kết luận trước khi kết thúc hội thảo “Giúp nông dân làm kinh tế”.

Ông Hoan bắt đầu kết luận của mình bằng một câu chuyện về hai thầy trò nhà sư nghỉ trọ tại nhà một người dân. Ban đêm chờ lúc người nông dân này ngủ say, ông cầm con dao đến giết chết con bò rồi tiếp tục cuộc hành trình của mình. Người học trò thắc mắc vì sao thầy mình lại giết chết con bò – nguồn sống duy nhất của gia đình nông dân này. Mấy năm sau, hai thầy trò trở lại nhà người nông dân này và mọi thứ đã khác xưa, cuộc sống của người nông dân cũng tốt hơn trước. Hỏi ra, người nông dân kể, mấy năm trước, con bò của ông bị ai đó giết chết; bị mất nguồn cung kinh tế duy nhất nên ông bắt đầu xoay xở để tiếp tục nuôi gia đình và họ bắt đầu trồng rau ở trong mảnh vườn của mình - vốn bị bỏ hoang nhiều năm qua.

Thông điệp ông Hoan muốn gửi gắm đó là để có thể làm giàu, đôi khi người nông dân phải chấp nhận buông bỏ, kể cả nguồn sống duy nhất của mình, để có thể bắt tay vào những cái mới. Con bò trong câu chuyện của ông Hoan là nguồn sống của gia đình người nông dân, còn có thể được xem là kinh nghiệm, tri thức tích lũy hay phương cách làm ăn bao năm qua của bà con nông dân. Tuy nhiên, muốn doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm, hay muốn không còn cảnh được mùa thì mất giá như bao năm qua thì không chỉ cần sự nỗ lực của chính quyền, doanh nghiệp mà điều lớn nhất là người nông dân cần phải thay đổi tư duy, cách làm hiện nay.

“Điểm nghẽn trong tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay là người nông dân còn tư duy ‘mùa vụ’, doanh nghiệp còn tư duy ‘thương vụ’ còn các cấp chính quyền là tư duy ‘nhiệm kỳ’”, ông Hoan nói.

Làm sao để nông dân khai phá mảnh đất của mình?

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn Cầu (GIBC), để nông dân có thể sống được thì phải đi theo hướng sản xuất theo chuỗi giá trị. Đó là một hướng đi mà ngành nông nghiệp cần áp dụng. Hình thức này đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Khi đã chỉ ra những điểm yếu của ngành nông nghiệp, ông Trai cũng đưa ra những kiến nghị để tháo gỡ những điểm thắt này. Đó là để phát triển thương hiệu nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, nông nghiệp của Đồng Tháp nói riêng thì về cơ bản cần có một chiến lược xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu ngành, thương hiệu địa phương, quốc gia và quốc tế theo một tầm nhìn dài hạn và bền vững, trong điều kiện của sự biến đổi khí hậu.

Trong khi ông Trai xem xét đến vấn đề vĩ mô thì ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Rynan Technologies Vietnam, lại đi vào một trường hợp cụ thể là giúp nông dân ứng dụng công nghệ vào canh tác nông nghiệp.

Còn ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch Công ty cổ phần Nông trại sinh thái (Ecofarm), cho rằng không chỉ người nông dân mà cả chính quyền cần dám nghĩ, dám làm những điều khác biệt. Từ kinh nghiệm thực tế của mình, theo ông Quang, Đồng Tháp có những đặc thù sinh thái riêng, vì thế, tỉnh cần có những ý tưởng, tư duy đột phá để giải quyết vấn đề tổng thể của nông dân trên cơ sở khai thác được tiềm năng riêng có của địa phương, của vùng để tạo nên sự khác biệt và một trong những cách để tăng thu nhập cho nông dân là đi theo hướng du lịch nông nghiệp.

“Tại sao Đồng Tháp không biến Sa Đéc thành một làng hoa lớn để mọi người không chỉ đến mua hoa mà còn du lịch, chụp ảnh đồng thời giáp lan tỏa thương hiệu hoa Sa Đéc”, ông Quang nói và cho biết doanh nghiệp ông sẵn sàng đầu tư nếu địa phương đồng ý thực hiện.

Thị trường vẫn là yếu tố quyết định

Cho dù các diễn giả có đề cập đến những vấn đề nào đang làm cho nông dân chưa thể làm giàu từ mảnh vườn của mình thì cuối cùng vẫn quay lại với những câu hỏi quen thuộc là sản xuất cho ai? Đâu là thị trường của nông sản Việt Nam và làm sao để có thể tận dụng lợi thế nông nghiệp để tăng thêm thu nhập cho nông dân.

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, đến với cuộc hội thảo bằng câu chuyện sản phẩm phở Việt Nam (thực phẩm ăn liền) do Thái Lan sản xuất đang bán rất chạy tại thị trường Mỹ. Không chỉ dừng lại ở phở, một số nhà sản xuất Thái Lan cũng đang đưa đến Mỹ các sản phẩm gốc Việt khác như bún bò Huế, mắm bà giáo Khỏe...

Theo bà Hạnh các doanh nghiệp Thái Lan biết cách tổng hợp các lợi thế mà doanh nghiệp Việt Nam chưa làm được như mạng lưới phân phối, thương hiệu, "bắt mạch" được nhu cầu thị trường, ứng dụng giải pháp công nghệ cao, tuân thủ và đảm bảo các tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm... Đó là điều Việt Nam cần học.

Cuối cùng, điều mà những người tham gia hội thảo đều đồng ý rằng để giúp nông dân làm kinh tế, ngoài những chính sách vĩ mô, người nông dân còn cần sự đồng hành của doanh nghiệp và chính những doanh nghiệp này sẽ hướng dẫn cho nông dân cách làm kinh tế hiệu quả nhất vì họ biết cần sản xuất cái gì, cho ai và đâu thì thị trường mà họ hướng đến.

Ngọc Hùng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối