Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Nhộn nhịp các lễ hội đón xuân

Hà Bi -

Trong tháng 1-2018, thời điểm cận kề tết âm lịch, có khá nhiều sự kiện ẩm thực và văn hóa đặc sắc mang hương vị mùa xuân chờ đón công chúng tham gia.

Ngày hội tết  người Mông 2018

Để mang văn hóa đặc sắc của người Mông đến với các tộc người khác, tổ chức “Hành động vì người Mông phát triển” sẽ tổ chức ngày hội tết Mông xuống phố với chủ đề Kéo không méo. Lễ hội được tổ chức từ 8g-17g ngày 7-1, tại Đại học Văn hóa Hà Nội.

Lễ hội này chỉ có phần hội (giản ước phần lễ) với rất nhiều trò chơi của riêng người Mông, như ném pao, đánh yến, đánh cù, cùng các gian hàng bán vật phẩm văn hóa Mông… Đặc biệt, lễ hội dành khoảng 2 tiếng cho vở kịch tương tác với tên gọi Kéo không méo - mô tả hình thức hôn nhân “haib puj” (kéo/cướp vợ). Khán giả sẽ cũng có cơ hội thảo luận với chính người Mông về thực hành văn hóa kéo vợ và những lớp nghĩa của nó.

Du khách nước ngoài đang mua hàng tại phiên chợ của người dân sống ở vùng cao.

Mông là một trong số những tộc người có bản sắc văn hóa trải rộng nhiều tỉnh vùng núi phía Bắc, nên tập quán, văn hóa của họ ở mỗi nơi lại có sự khác biệt. Người Mông tổ chức ăn tết gồm phần lễ với thần linh thổ địa, phần hội vui chơi tìm hiểu, học hỏi nhau vào mỗi cuối năm. Lễ hội này của người Mông thường không có lịch cố định. Vì họ là tộc người canh tác nông nghiệp, nên lễ tết sẽ được tổ chức vào cuối mùa thu hoạch. Nơi nào thu hoạch sớm thì ăn tết sớm, thu hoạch muộn ăn tết muộn. Thường thì ngày hội này không trùng với lịch tết dương lịch hay Tết Nguyên đán của người Kinh.

Lễ hội văn hóa Nhật Bản Oshougatsu 2018

Là một lễ hội thường niên, phi lợi nhuận nhằm tái hiện không khí ngày tết cổ của Nhật Bản (trong tiếng Nhật gọi là Oshougatsu) cũng như phát triển hoạt động giao lưu văn hóa giữa Việt Nam - Nhật Bản, lễ hội Oshougatsu năm nay sẽ được tổ chức tại sân C9, Đại học Bách khoa Hà Nội vào 8g ngày 14-1.

Năm nay, Oshougatsu sẽ mang đến cho khán giả những tiểu cảnh như cây Kadomatsu (cây nêu tượng trưng cho ngày tết của Nhật Bản) to nhất Việt Nam, hàng rào gỗ 4 mùa theo phong cách Nhật Bản, khu trải nghiệm văn hóa trang trí 3D, khu vực trang trí với 10.000 bông hoa anh đào, 5.000 bông hoa tử đằng…

Tại lễ hội, sẽ có những hoạt động thường thấy như nhảy Yosakoi (gồm những bước nhảy truyền thống trên nền nhạc hiện đại), viết thư pháp, viết điều ước năm mới, mặc thử yukata (một loại kimono mùa hè), làm đồ thủ công truyền thống… Ngoài ra, lễ hội cũng đem đến không gian rộng rãi với nhiều trò chơi đặc trưng của Nhật Bản, như vớt cá, kendama (một loại đồ chơi bằng gỗ truyền thống ở Nhật Bản), koma… cùng nhiều không gian ẩm thực. Lễ hội mở cửa đến 18g cùng ngày và miễn phí vé vào.

Lễ hội chay dành cho tất cả mọi người

Vào ngày 6 và 7-1, lễ hội thuần chay Saigon Vegan Festival 2018 sẽ được tổ chức tại trường quốc tế Tuệ Đức (Lương Định Của, quận 2, TPHCM). Vào ngày thứ Bảy (ngày 6-1), lễ hội với chủ đề Vegans have fun (Người ăn chay cũng chơi) sẽ bắt đầu từ 14g với các chia sẻ về nấu ăn chay, thi sắc đẹp trong giới ăn chay… Ngày Chủ nhật (ngày 7-1), các hoạt động bắt đầu từ 8g với chủ đề Vegans exercise and learn (Người ăn chay tập luyện và học hỏi). Tại đây, khán giả có thể tham gia các hoạt động như yoga dành cho trẻ em, talkshow “Cách thiết lập thói quen mới để chuyển sang ăn chay” do Dynamic Dylan, Giám đốc Mekong Train, trình bày, và nghe chia sẻ từ những người ăn chay trường thành công…

Sự kiện này không chỉ gói gọn trong cộng đồng người ăn thuần chay, mà còn mở rộng với mọi đối tượng. Với mong muốn thu hút nhiều người quan tâm tới ăn chay hơn nữa, Saigon Vegan Festival không chỉ cung cấp những gian hàng ẩm thực chay, mà còn giúp khán giả giải đáp những thắc mắc xung quanh vấn đề ăn chay như sợ thiếu chất, chưa có điều kiện, ít thông tin…

Vé vào cửa được bán trực tuyến và tại cổng sự kiện, với giá 100.000 đồng/vé/người. Khách tham quan có thể tham gia tất cả các hoạt động trong cả 2 ngày tại lễ hội này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối