Thứ hai, Tháng mười hai 16, 2024

Nhật ký chạy trail núi Dinh của CLB Bình Bát và MMC

(SGTTO) - Nhóm thành viên câu lạc bộ Bình Bát và MMC đã có chuyến trải nghiệm chạy trail núi Dinh đầy gian nan nhưng thật đáng nhớ.

Giữa mùa dịch Covid-19, khách du lịch ngại đi chơi vì các điểm đến thường tập trung đông người, nhóm chạy của chúng tôi nghĩ ra điểm an toàn chỉ còn... đi núi. Vì là dân chạy bộ nên chúng tôi kết hợp chạy đường rừng núi, từ chuyên môn gọi là chạy trail. Núi Dinh (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là nơi được chọn vì đã có sẵn đường chạy với sơ đồ cụ thể.

Thử thách bản thân

Chúng tôi xuất phát từ Sài Gòn lúc 4:00 sáng. Đoàn đi gồm 19 người, trong đó thành phần chính là câu lạc bộ Bình Bát (BB Club) ở Gò Vấp, ngoài ra còn có thành viên của câu lạc bộ MMC (Mega Market Club). Theo quốc lộ 51 hướng ra Vũng Tàu, tới huyện Tân Thành, cách Bà Rịa chừng 5km có con đường quẹo trái, chạy vô chừng 1km thì tới chân núi Dinh. Điểm xuất phát tại nơi này, cung đường vạch ra có độ dài 23km.

Cả nhóm chuẩn bị xuất phát. Ảnh: D.T.H

Dân chạy trail thường chuẩn bị rất kỹ từ đêm trước gồm nước uống, gel, thanh năng lượng, kẹo ngậm... nói chung là đồ ăn thức uống cần thiết cho cuộc chạy núi dài cả ngày. Tất cả đồ dùng đều có trong chiếc ba lô vác sau lưng suốt hành trình. Phải kỹ như vậy vì khi đi giữa rừng núi, không hề có hàng quán hoặc chỗ nơi nào để hỗ trợ nên người leo núi chủ yếu phải tự lo cho mình.

Bấm giờ đồng hồ xuất phát. Ảnh: D.T.H

Sau khi nai nịt gọn gàng, khởi động nhẹ cho ấm cơ, trưởng đoàn Nguyễn Diêu bấm đồng hồ, kích hoạt bản đồ GPS theo dõi đường đi rồi ra lệnh xuất phát. Sáng sớm còn hơi sương, tiết trời lành lạnh, mọi người hồ hởi cùng hô “yeah” rồi nhanh chân sải bước.

Đoạn đầu 500m là đường bằng, ai cũng khỏe khoắn chạy nhanh, sau đó là rẽ vô đường mòn, len lỏi qua vườn cây của dân rồi tới chân núi. Kể từ đây, những con dốc đá cao cao bắt đầu thử thách sức lực con người.

Bắt đầu 500m đường bằng. Ảnh: D.T.H

Nguyễn Viết Nhân, trưởng nhóm MMC cho biết hôm nay là lần đầu tiên anh dẫn theo ba bạn trẻ vốn là dân văn phòng để gia nhập cuộc chơi “hành xác”. Các bạn đã từng tập gym, chạy bộ công viên nhưng chạy rừng núi như vậy thì chưa bao giờ trải qua. Xem như đây là trải nghiệm. Hai bạn gái trong nhóm lúc đầu có vẻ lạ lẫm, bị gai cào còn kêu oai oái, cỏ lá dính người còn dừng lại gỡ… nhưng sau đó bị hút theo mọi người nên hòa nhập rất nhanh.

Càng lên cao, mặt đất dường như níu chân mình xuống, bước đi càng nặng trĩu, hơi thở đã bắt đầu dồn dập, hổn hển. Tuy nhiên, hầu như ai cũng quên hết mệt nhọc vì khung cảnh núi rừng hiện ra thật hoang sơ hùng vĩ, tiếng chim hót líu lo vang động cả cánh rừng. Dưới chân tuy là đất đá, nhưng nhìn ra hai bên cây rừng rợp mát, mọi người vừa đi vừa khám phá thiên nhiên, thỉnh thoảng lại dừng ở đoạn có những đám dây mây rừng ngồ ngộ, gai tua tủa, rồi lại ngẩn ngơ ngắm nhìn hàng trúc xinh xinh mọc ven rừng. Đi qua hàng cây dái ngựa, mọi người lại trầm trồ ngắm nghía hỏi han cây gì lạ quá, rồi lia máy chụp hình selfie bất chấp mồ hôi tuôn đầy cả khuôn mặt.

Hai cây số leo dốc núi khá thẳng đứng của đoạn đầu quả là cuộc thử thách “bầm dập” đối với dân văn phòng, là một cuộc “tra tấn” thể lực đối với những ai yếu bóng vía. Bởi nếu thiếu kiên trì một chút thì hẳn sẽ có người bỏ cuộc ngay sau khi gặp con dốc này. Anh Nhân nói vui rằng: "Phải đặt tên con dốc này là dốc lết mới được, vì đi qua nó ai yếu chắc phải "lết" về”.

Vượt qua đoạn dốc lết. Ảnh: D.T.H

Nhưng rồi cuối cùng thì cuộc vượt dốc cũng thành công. Bởi sau khi qua dốc là con đường bằng phẳng. Mọi người nhất trí dừng lại một hồi để… thở oxy và vô nước. Điều đáng nể là trong số những người vượt qua được cái “dốc lết” này, có chị Trần Thu Hà, đã nghỉ hưu, nay 65 tuổi mà đi qua vẫn nhẹ nhàng như không, trong khi có bạn trẻ thiếu điều “chết lên chết xuống”.

Nghỉ giải lao giữa dốc. Ảnh: D.T.H

Lạc đường

Sau khi qua dốc lết, chúng tôi vượt thêm 3km đường rừng dốc thoai thoải thì tới trạm tiếp nước. Lúc này đồng hồ báo khoảng cách đi được là gần 5km. Mọi người dừng chân nghỉ ngơi, nạp thêm năng lượng, uống nước và xoa bóp giãn cơ rồi tiếp tục lên đường.

Có lẽ phấn khích vì đã vượt qua đoạn khó, mọi người hân hoan đi nhanh, vừa đi vừa cười nói, chụp hình selfie nên một lúc sau đi lạc mà không biết. Lúc này đoàn đã tách thành ba nhóm. Hai nhóm đi trước gồm toàn tay đua cự phách nên đã bỏ xa mất hút, nhóm còn lại do “nhiều chuyện” nên đi cuối cùng và bị lạc…

Biết mình bị lạc là bởi vì khi tới một ngã ba đường, chúng tôi căng mắt kiếm hoài mà không thấy bảng mũi tên chỉ đường nào hết. Coi lại đồng hồ GPS chỉ đường thì hỡi ôi, nó bị “liệt” lúc nào cũng không biết luôn. Chúng tôi bàn nhau để người lớn tuổi và yếu hơn ở lại, chọn ra hai người khỏe mạnh chia ra hai hướng tìm đường. Hồi lâu trở lại, vẫn không thấy biển báo nào. Chúng tôi quyết định thôi đành để mặt cho hên xui, quyết định đi theo hướng phải. Một hồi thì bít đường, lại đổi qua theo hướng trái, cũng lại bít đường. Cứ vậy mà chúng tôi loay hoay hoài một chỗ vẫn không biết hướng đi, bởi càng vô sâu chỉ thấy toàn đá và rừng rậm, đường dốc hiểm trở, khe sâu nguy hiểm.

Chúng tôi quyết định quay lại trạm tiếp nước hỏi đường. Lúc này mới hay, thì ra hồi nãy mải mê “tám” chuyện, đi qua một ngã rẽ mà không để ý có bảng chỉ đường. Vậy là mất gần ba cây số. Nhưng thôi, vẫn còn tiếp tục được, không lạc đến nỗi không tìm được lối ra.
Dân chạy trail sợ nhất lạc đường bởi vừa mất sức, vừa rối trí, vừa hoang mang ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ về đích.

Trước cuộc đua, mỗi người đều được cung cấp một file bản đồ, tải vô đồng hồ GPS để theo dõi. Nhờ có đồng hồ này, mỗi khi đi chệch hướng chừng 5m là nó báo động liền. Cho nên không thể chủ quan. Khi về lại đúng tuyến, nhóm đi lạc mới giật mình bởi sự chủ quan khinh suất của mình. Âu đó cũng là một trải nghiệm.

Cuộc đua của các elite (dẫn đầu)

Trong lúc nhóm bị lạc loay hoay tìm đường thì nhóm elite (dẫn đầu) đã hoàn thành một nửa đoạn đường. Nửa đường còn lại toàn là dốc cao, nhưng điểm cộng lại là đường rộng, xe bốn bánh có thể đi được.

Một trong những elite. Ảnh: D.T.H

Tương tự như những cuộc đua leo núi của các cua-rơ xe đạp. Tức là khi lên dốc hoặc xuống dốc phải có “bài” riêng của nó. Đó là chưa kể có những đoạn dốc đá thẳng đứng, phải dùng hai tay đu bám, phải chịu gai cào đá xước đổ mồ hôi sôi nước mắt. Trên hết vẫn là thể lực. Họ phải có sức cỡ vận động viên Marathon mới đua được. Do đua nhau thời gian về đích, nhóm dẫn đầu không hề biết cảnh đẹp, chim kêu vượn hú, thiên nhiên hữu tình là gì. Càng không có cơ hội trải nghiệm chụp hình selfie, họ chỉ mải miết leo, chạy và chạy, leo… Bởi vậy khi họ về đích thì nhóm đi lạc vẫn còn loay hoay ở lưng chừng núi.

Khi mọi người gọi điện hỏi “tới đâu rồi” thì nghe cười khúc khích “đang chụp hình ở đỉnh La Bàn”. Thiệt ra, chạy trail tuyến này mà không ghé đỉnh La Bàn là một thiếu sót lớn, bởi đó là một bãi đáp trực thăng ngày xưa. Đứng trên đỉnh này nhìn bao quát xuống có thể thấy cả đồng bằng mênh mông bên dưới. Gió mát lồng lộng và cảnh đẹp nên thơ hùng vĩ. Không lên đây, không có hình về đăng facebook sẽ là điều tiếc nuối khôn nguôi.

Phần thưởng cuối cùng cho cả nhóm ở đích đến là một quán ăn giữa rừng. Ở đó bà chủ đã chuẩn bị sẵn bữa cơm thịnh soạn với những món ăn đậm chất hoang dã gồm gà và heo mọi nuôi trong rừng.

Dương Thế Hùng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối