(SGTT) – Chỉ cần tập luyện chăm chỉ và không nóng vội, các vận động viên nữ đang theo đuổi môn chạy đường mòn (trail) sẽ đạt được kết quả như mong muốn. Đó là lời chia sẻ của vận động viên Hà Thị Hậu, nhà vô địch giải chạy Vietnam Trail Marathon 2021 ở cự ly 70km.

Vận động viên Hà Thị Hậu đến từ Lào Cai đã vượt qua các chân chạy đường mòn nổi tiếng để trở thành nhà vô địch ở cự ly 70km khắc nghiệt nhất tại giải chạy Vietnam Trail Marathon vào hồi tháng 4-2021.

Tuy chỉ mới làm quen với môn chạy đường mòn hơn một năm nhưng nhờ quá trình rèn luyện chạy bộ nghiêm túc, kiên trì từ nhỏ, chị Hậu đã giành chiến thắng một cách thuyết phục.

Niềm đam mê chạy bộ và duyên chạy đường mòn

Vận động viên Hà Thị Hậu trên đường chạy. Ảnh: NVCC

Hà Thị Hậu sinh năm 1989 ở huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, hiện đang làm việc tại doanh nghiệp về du lịch và cho thuê xe máy ở Sa Pa. Chị bắt đầu chạy bộ khi học trường phổ thông trung học, hành tích đáng nể của chị là giành chiến thắng ba năm liên tiếp tại giải việt dã của báo Lào Cai. Chị còn là “hạt giống” chạy bộ của huyện Văn Bàn, quê hương chị.

Chị Hậu cho biết, mục đích chạy bộ là để kiểm soát cân nặng của bản thân. “Chạy bộ mang lại cho tôi cuộc sống tươi trẻ và tràn đầy năng lượng; một vóc dáng đẹp và một tinh thần thoải mái”, chị Hậu nói.

Trong một lần tình cờ, chị có dịp gặp gỡ các thành viên trong nhóm chạy Sapa runner khi chị đang luyện tập ở hồ Mắt Ngọc và đã tham gia chạy cùng nhóm. Khi chạy trên những ngọn núi của Sa Pa, băng qua những bản làng và những thửa ruộng bậc thang, chị cảm thấy phấn khích và mê luôn môn chạy đường mòn. Từ đó, chị quyết tâm theo đuổi môn chạy thú vị nhưng cũng đầy thử thách này.

Ngoài ra, theo chị Hậu, môn chạy đường mòn giúp ích rất nhiều cho nghề nghiệp của chị. “Chạy bộ và lĩnh vực du lịch có liên quan nhau. Hướng dẫn viên du lịch mỗi ngày đi bộ trung bình từ 15-16km để giới thiệu cho du khách những nét đẹp về văn hóa, con người Việt Nam. Tôi làm việc văn phòng tại công ty du lịch cũng phải đi bộ trung bình 10km mỗi ngày. Nếu không có đủ thể lực và sức khỏe tốt thì tôi không thể đi được như vậy”, chị chia sẻ.

Những lưu ý khi chạy đường mòn

Sau khi chuyển sang tập chạy đường mòn trong 5 tháng, vận động viên Hà thị Hậu bắt đầu tham gia giải chạy leo núi đầu tiên Vietnam Mountain Marathon 2020 ở Sa Pa với cự ly 21km. Hiện tại, chị đã tham gia tổng cộng 7 giải chạy từ năm 2020 đến năm 2021 và đều giành vị trí quán quân.

Về cường độ tập luyện, chị chia sẻ: “Một tuần tôi thường tập chạy 100km. Cũng tùy vào thời tiết ở Sa Pa, thỉnh thoảng tôi có chạy dài 50km cùng nhóm Sapa runner vào cuối tuần. Sau khi chạy dài, tôi thường chạy nhẹ 10km cho cơ thể phục hồi vào ngày hôm sau”.
Ngoài ra, để hỗ trợ về thể lực cho việc luyện tập mỗi ngày, chị còn chú ý cung cấp đủ nước cho cơ thể, giữ ấm và ăn uống kỹ lưỡng.

Tranh thủ chụp ảnh trên đường chạy. Ảnh: NVCC

Theo chị, môn chạy đường mòn đòi hỏi người chạy phải có rất nhiều kỹ năng trong quá trình chạy. Với kỹ năng chạy lên dốc, người chạy có thể tập leo núi nếu có điều kiện hoặc tập leo cầu thang.

Cũng theo chị Hậu, kỹ năng xuống dốc rất quan trọng. Nếu người chạy không cẩn thận khi xuống dốc sẽ bị chấn thương ở đầu gối. Người chạy cũng cần chuẩn bị kỹ năng cầm gậy, chọn quần áo, giày dép phù hợp sẵn sàng trước cuộc đua.

Theo chị, những khó khăn mà các vận động viên chạy đường mòn thường gặp phải thì rất nhiều nhưng phổ biến là chấn thương đầu gối. “Vì trong khi chạy, người chạy sử dụng đầu gối để chạy lên và xuống liên tục”, chị Hậu phân tích. Các chấn thương như căng cơ, đau chân cũng hay xảy ra.

Đối với các vận động viên nữ, chị Hậu chia sẻ rằng cần chú ý tập luyện từ từ, bắt đầu từ bài tập ở cường độ vừa phải sau đó nâng lên những bài tập có cường độ mạnh hơn. Việc tập luyện chăm chỉ và kiên trì sẽ cho kết quả như mong đợi.

Bí quyết vượt qua những cung đường khắc nghiệt

Thời tiết tại Mộc Châu, Sơn La đã gây khó khăn cho các vận động viên tham gia giải Vietnam Trail Marathon 2021 vừa qua. Chị Hậu nhớ lại: “Tôi đã phải cố gắng rất nhiều trên đường đua. Trời thực sự rất nóng. Đó là sự thử thách cả về ý chí và thể chất của vận động viên”.

Trước cuộc đua, chị đã xem thời tiết và biết rằng trong cuộc đua ngày hôm đó trời sẽ rất nóng nên đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng. Ngay khi bắt đầu, chị đã tự tin chạy với tốc độ cao.

Để tránh nắng gắt vào buổi trưa, chị đã chuẩn bị rất nhiều nước, đặc biệt là nước điện giải. Trong khi chạy, chị đã uống nước điện giải nhiều hơn nước lọc và luôn uống đều mỗi 20 phút ngay cả khi không cảm thấy khát.

Mỗi khi đến các điểm kiểm tra (checkpoint), chị đều đổ nước lên mũ, khăn đa năng, cổ tay và gáy để giảm nhiệt và đặc biệt tránh tình trạng chuột rút, chị đã uống mỗi giờ một viên muối điện giải.

Bí quyết của chị dành cho các vận động viên nữ chạy đường mòn là phải luôn “lắng nghe cơ thể” để có phản ứng kịp thời không chỉ với cự ly ngắn mà cả cự ly dài.

Hiện tại, chị vẫn kiên trì tập luyện để giữ sức khỏe và phong độ thi đấu, chờ ngày dịch bệnh qua đi và các giải chạy lại hoạt động trở lại.

Chị thường chạy trên những cung đường mòn ở Sa Pa từ 15-21km mỗi ngày. Khi tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn tiến phức tạp, chị cũng rất thận trọng khi đăng ký tham gia giải chạy ngay thời điểm hiện tại. Nhưng nếu tình hình khả quan hơn, chị mong muốn tham gia giải Vietnam Mountain Marathon 2021 diễn ra vào tháng 11 năm nay. Giải dự kiến chạy tại khu vực quanh Sa Pa, vùng núi phía Bắc.

Quỳnh Châu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây