Thứ hai, Tháng mười hai 16, 2024

Ngành công nghiệp thú cưng bùng nổ

Chánh Tài -

Nền kinh tế phát triển cùng với sự đa dạng của nhu cầu nuôi thú cưng đã chắp cánh cho thị trường này bùng nổ ở một số quốc gia.

Hướng tới mốc 7 tỉ đô

Cụ thể, theo Reuters, Trung Quốc đang là nước có ngành công nghiệp thú cưng phát triển, do một số nguyên nhân như tầng lớp trung lưu tăng nhanh cộng với những thay đổi về nhân khẩu học.

Li Mingjie, 23 tuổi, nhân viên làm việc trong ngành thương mại điện tử, sẵn sàng vung tiền để làm cho cún cưng của anh được hạnh phúc. “Tôi sẵn sàng mua sắm cho chú cún của tôi. Nó giống như là con của tôi”, Mingjie nói khi anh dẫn chú chó xù màu nâu có tên gọi Coco đi dạo trên đường phố ở thị trấn Bình Dương, thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang.

Sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu, đô thị hóa nhanh chóng và các thay đổi về nhân khẩu học ở Trung Quốc, chẳng hạn, số người già ngày càng tăng lên, mọi người kết hôn và có con muộn hơn trước đây, đã tạo ra một xã hội nuôi nấng thú cưng và sẵn sàng chi tiêu để chăm sóc chúng.

Hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor dự báo người dân Trung Quốc sẽ chi 46,3 tỉ nhân dân tệ (7 tỉ đô la Mỹ) cho thú cưng vào năm 2022, tăng mạnh so với con số 17,5 tỉ nhân dân tệ (2,7 tỉ đô la Mỹ) trong năm nay. Trong khi đó, thị trường thú cưng của Mỹ ước tính đạt giá trị 44,4 tỉ đô la Mỹ trong năm 2017 nhưng chỉ đang tăng trưởng với tốc độ 2% mỗi năm.

Nhu cầu thú cưng tăng vọt ở Trung Quốc mang đến tin tức tốt lành cho các ông lớn sản xuất thức ăn thú cưng toàn cầu như Mars hay Nestle. Bên cạnh đó, đây cũng là thị trường màu mỡ cho các công ty thức ăn thú cưng của Trung Quốc cũng như mảng kinh doanh làm đẹp và cả khách sạn cho chúng. Đó là sự thay đổi đáng ngạc nhiên ở một đất nước nơi mà việc nuôi thú cưng từng bị cấm và nơi vẫn còn duy trì lễ hội thịt chó hàng năm ở thị trấn Ngọc Lâm thuộc khu tự trị Quảng Tây.

“Thị trường Trung Quốc có tiềm năng rất lớn. Người dân nước này sẵn sàng chi rất nhiều tiền cho thú cưng vì họ xem chúng như một thành viên gia đình”, Liu Yonghao, Chủ tịch công ty New Hope Group, nói tại một sự kiện gần đây ở Bắc Kinh.

Hồi tháng 10, New Hope Group cùng với một nhóm nhà đầu tư gồm công ty đầu tư nhà nước Temasek (Singapore) và công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân Hosen Capital đã chi một tỉ đô la Mỹ để thâu tóm hãng sản xuất thức ăn thú cưng Real Pet Food (Úc). Thương vụ này nhằm đưa các thương hiệu thức ăn của công ty đến Trung Quốc và Mỹ.

Ngoài ra, “dân số” thú cưng ngày càng tăng đã biến Trung Quốc thành một thỏi nam châm thu hút các công ty trong ngành công nghiệp thú cưng. Thomas Kwan, Giám đốc đầu tư của Công ty Harvest Global (Hồng Kông) cho biết thị trường thú cưng của Trung Quốc sẽ là một trong những lựa chọn đầu tư của ông cho năm 2018 khi người dân nước này đang có nhu cầu mạnh mẽ về các sản phẩm cao cấp cho thú cưng. Ông nói: “Các vấn đề mà các chủ thú cưng ở Trung Quốc đang quan tân là: Liệu có thể mua cho thú cưng các thức ăn bổ dưỡng không? Liệu có thể mang đến cho chúng cuộc sống tốt hơn không?”.

Mở tour cho thú cưng

Sự bùng nổ của dòng sản phẩm chăm sóc thú cưng đã thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp trong nước ở Trung Quốc.

Một số công ty thức ăn thú cưng của đất nước này đang cạnh tranh với các doanh nghiệp toàn cầu là Shanghai Bridge Petcare, Sunsun Group và Navarch. Cổ phiếu của công ty thức ăn thú cưng Yantai China Pet Foods đã tăng 60% kể từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán ở Thâm Quyến vào tháng 8-2017.

Các doanh nghiệp nhỏ cũng đang được hưởng lợi từ dịch vụ cho thú cưng, như DogWhere.com, chuyên cung cấp tour du lịch và một khách sạn dành cho thú cưng ở Bắc Kinh. Ở đó có nhiều tiện nghi như hồ bơi, giường ngủ và cả rạp phim. Nhiều chủ thú cưng sẵn sàng chi hàng ngàn đô la Mỹ cho một đợt nghỉ ngơi ở khách sạn cho con vật yêu thích. “Có lần, chúng tôi chăm sóc một chú cún ở khách sạn trong suốt 47 ngày với mức phí tổng cộng 17.000 nhân dân tệ (2.600 đô la Mỹ)”, Giám đốc tiếp thị Wang Chao của DogWhere.com, cho biết.

Xiao Xudong, người quản lý một dịch vụ cắt tỉa và làm đẹp cho những chú chó giống westie ở Bắc Kinh cho biết ngày càng có nhiều khách hàng trẻ bay từ các vùng xa xôi như Tân Cương và tỉnh Vân Nam đến nhờ anh làm đẹp cho thú cưng của họ.

Thị trấn Bình Dương, nơi Li Mingjie sống với chú cún cưng Coco, có những tham vọng về nền kinh tế thú cưng. Bình Dương nằm gần thành phố giàu cố Ôn Châu và có dân số gần một triệu người, là một trong nhiều nơi đang hưởng ứng lời kêu gọi của Bắc Kinh nhằm xây dựng “1.000 thành phố đặc biệt” vào năm 2020, chuyên phát triển các ngành công nghiệp từ điện toán đám mây cho đến chocolate. Trong trường hợp của Bình Dương, chủ đề phát triển sẽ là thú cưng.

“Xã hội Trung Quốc đang già. Chúng tôi đang chứng kiến tỷ lệ sinh suy giảm. Chúng tôi có nhiều tổ ấm trống rỗng”, Zhang Tianli, người đồng sáng lập Hosen Capital, nói. Tianli cho rằng thú cưng mang đến “sự hỗ trợ tinh thần” cho mọi người. 

Tại thị trấn Bình Dương, số người sở hữu thú cưng đang tăng nhanh. Cách đây 10 năm, về cơ bản, nơi này chỉ là vùng đất nông nghiệp và mọi người có ăn thịt chó. Giờ đây, họ không còn ăn thịt chó nhiều nữa và bắt đầu xem chúng như những con vật cưng.

Tại tiệm chăm sóc thú cưng ở Bình Dương, chị Wang Jing, 26 tuổi, đang cho hai cún cưng Can Can và Niu Niu tắm. Chị cho biết chị chi mỗi tháng khoảng 2.000 nhân dân tệ (300 đô la Mỹ) cho chúng, phần lớn là thức ăn. Tuy nhiên, khoản chi này rất xứng đáng vì mỗi lúc chị về nhà, chị nhận được sự đón tiếp mừng rỡ của chúng. “Nếu không có chúng, khi bạn trở về nhà, chẳng có ai chào đón bạn cả. Nhưng nếu bạn có một chú cún, khi bạn vừa mở cửa nhà, nó sẽ ngay lập tức nhảy chồm lên người bạn”, chị nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối