Thứ hai, Tháng mười hai 16, 2024

Mang giày cao gót mà vẫn không đau chân

Ngọc My -

Khi mang giày cao gót, bạn sẽ thường không tránh khỏi chuyện đau hoặc nhức mỏi chân. Với những cách sau đây có thể giúp bạn giảm cảm giác bị đau chân và thoải mái ngay sau đó.

Làm mềm giày

Những đôi giày mới thường ôm sát chân hoặc chất liệu giày quá cứng cũng khiến gót sau của chân bị chà sát vào giày. Vì vậy, bạn có thể làm mềm giày bằng cách lấy bông tẩm cồn hoặc rượu trắng để xoa vào khắp lòng trong của giày, lúc ấy da giày sẽ mềm hơn và bạn có thể xỏ chân vào dễ dàng. Khi thoa cồn, bạn tránh thoa lên mặt ngoài của giày vì sẽ gây phai màu, biến dạng dáng giày.

Nếu chưa vội sử dụng giày thì bạn có thể mang một đôi vớ dày, sau đó xỏ chân vào giày rồi dùng máy sấy tóc sấy xung quanh chiếc giày. Khi tiếp xúc với nhiệt độ nóng thì giày giãn ra và có độ rộng hơn lúc ban đầu nên bạn sẽ cảm thấy thoải mái khi mang.

Giày hơi chật

Với đôi giày mới, cho dù bạn mang vừa chân thì cũng không nên mang giày mới trong liên tục 8 giờ mà chỉ nên đi thử mỗi ngày 1-2 giờ để giày giãn ra từ từ. Nếu bạn cảm thấy giày hơi chật thì hãy luồn túi nylon có chứa nước vào bên trong mỗi chiếc giày, rồi để cả đôi giày vào ngăn đá tủ lạnh. Tuy nhiên, bạn nhớ chọn loại túi có khóa kéo ở miệng  để tránh nước làm thấm giày. Sau một đêm để giày trong ngăn đá thì giày sẽ rộng hơn ban đầu từ khoảng 0,5 - 1 size vì nước đá có thể giúp giày giãn ra.

Những “trợ thủ”

Khi mang giày cao gót, bạn sẽ hay bị đau ngón chân thứ 3 và thứ 4 vì nơi đây có dây thần kinh gây ra cảm giác đau ở xương khớp ngón chân. Vì thế, bạn có thể quấn hai ngón này lại cùng nhau bằng băng keo y tế, sẽ giúp hạn chế thương tổn khi mang giày cao gót trong thời gian dài.

Gel khử mùi cũng là một giải pháp hữu hiệu khi mang giày cao gót. Sau khi xoa gel lên phần gót và quanh bàn chân, nó sẽ làm giảm sự chà xát, ngăn ngừa phồng rộp ở những khu vực của chân tiếp xúc với miệng giày.

Nếu thường xuyên mang giày cao gót, bạn nên để sẵn trong túi xách một miếng lót silicon, để giúp đôi chân được êm ái hơn khi mang giày và giảm cảm giác đau chân.

Ngoài việc thoa gel mềm lên gót chân, bạn còn có thể dùng bánh xà phòng xoa vào lòng trong của giày, hoặc có thể dùng thêm nến để xoa.

Cách khắc phục nguy cơ trơn trượt là dùng một miếng giấy nhám để cọ phần đế, nhằm tăng ma sát giữa giày và mặt đất, đồng thời bạn không dùng lực bàn chân quá nhiều để giữ giày không bị trơn trượt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối