Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Màn ảnh rộng sau tết: Mùa phim chiêm nghiệm

Hồng Ngọc -

Bước qua một mùa phim tết ồn ào với nhiều tiếng cười giải trí, màn ảnh rộng hậu tết đem đến khán giả Việt những tác phẩm điện ảnh đậm tính nghệ thuật mà sau khi rời rạp vẫn phải vương vấn với những chiêm nghiệm về bản thân, gia đình và cuộc sống.

Mở màn cho dòng phim “chiêm nghiệm” này là tác phẩm vừa giành được năm đề cử tại Osar 2018 Lady Bird (Tuổi Nổi Loạn, khởi chiếu ngày 23-2) và lọt Top 25 những bộ phim hay nhất mọi thời đại trên chuyên trang phê bình Rotten Tomatoes. Câu chuyện về cuộc sống với những biến động trong tâm lý của cô gái trẻ Christine McPherson ở vùng ngoại ô Sacramento (California, Mỹ) vào đầu những năm 2000 được đánh giá cao không chỉ bởi vì đánh trúng chủ đề nữ quyền đang nóng ở Hollywood mà còn khiến người xem liên tuởng đến những vấn đề của chính bản thân mình.

Cảnh trong phim Three Billboards Outside Ebbing, Missouri.

Nhân vật chính trong phim Christine McPherson tự gọi mình là Lady Bird, một biệt danh phần nào phản ánh tính cách của cô: nổi loạn, ngang bướng hay sửng cồ, luôn muốn bứt phá mọi thứ để được tự do, khẳng định cái tôi. Cách mà Christine McPherson luôn “xù lông” và đối đáp bằng sự đanh đá khi bị ai đó chạm trúng điểm yếu phải chăng cũng là phản ứng thường thấy ở bất kỳ ai trong chúng ta để hòng che giấu sự tự ti, yếu đuối. Mối quan hệ phức tạp của hai mẹ con Christine cũng không mấy xa lạ trong cuộc sống thuờng ngày: yêu thương và chán ghét luôn song hành, không thể sống thiếu nhau nhưng cũng không thể thấu hiểu nhau.

Hành trình trưởng thành của Christine McPherson không chỉ đưa khán giả trở về những hoài niệm về một thời hoa niên sôi nổi mà còn giúp người xem tự dừng lại, ngắm nhìn mọi mối quan hệ xung quanh, nhất là tình mẫu tử, để thấy trân trọng từng khoảnh khắc trong cuộc sống.

Sự chiêm nghiệm cũng là tinh thần được nhìn thấy trong bộ phim tài liệu Walk with me (Bước chân an lạc, khởi chiếu ngày 1-3). Đây là bộ phim chiếu thương mại độc đáo nhất mùa phim hậu tết, từ thể loại (tài liệu), đề tài (Phật giáo) đến cách thể hiện. Một bộ phim thường được xây dựng dựa trên một hoặc hai nhân vật chính nhưng trong Walk with me, nhân vật trung tâm khá đông: bao gồm cả Thiền sư Thích Nhất Hạnh và tất cả tăng thân sống trong tu viện làng Mai của ông.

Phim sử dụng âm thanh gốc, tự nhiên, đi theo chân cuộc sống hàng ngày tại làng Mai của những người xuất gia đến từ khắp nơi trên thế giới và những chuyến hoằng pháp của họ. Giữa thế giới hiện đại nhiều ồn ào, lo toan, những con người ở đây sống trong một khung cảnh thiên nhiên bình yên, không vướng bận vật chất (không sở hữu ô tô, thẻ tín dụng, điện thoại di động…). Những hỷ nộ ái ố được rũ bỏ hết, chỉ còn lại sự tận hưởng trong thinh lặng từng phút giây thực tại bởi một lẽ đơn giản “quá khứ đã qua, tương lai thì chưa tới, chỉ có duy nhất khoảnh khắc hiện tại”. Lời giảng dạy đó của thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng những chia sẻ, tâm sự của các nhân vật như mở ra cho người xem một cái nhìn mới về thế giới, về cuộc sống.

Như đoạn một bé gái đặt câu hỏi với thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Con chó của con bị chết. Con không biết làm thế nào để hết buồn”.

Ông từ tốn đáp: “Khi con nhìn thấy một đám mây thật đẹp trên trời và sau đó nó biến mất, con nghĩ nó đã chết nhưng đám mây đã trở thành những hạt mưa, con nhìn sâu vào mưa để thấy rằng đám mây vẫn còn đó”. Ý nghĩa sâu xa của lời giảng dạy kia làm người xem không khỏi trầm ngâm sau khi rời rạp.

Hòa trong dòng chảy của những bộ phim “xem để ngẫm” còn có Three Billboards Outside Ebbing, Missouri (Truy tìm công lý, khởi chiếu ngày 8-3) và Goodbye Christopher Robin (Tạm biệt Christopher Robin, khởi chiếu ngày 16-3). Trong đó bộ phim Three Billboards Outside Ebbing, Missouri gây chú ý hơn cả bởi tên phim khá lạ Ba tấm biển quảng cáo bên ngoài thị trấn Ebbing, tiểu bang Missouri. Tác phẩm điện ảnh này cũng có thành tích ấn tượng tại Oscar 2018 khi nhận đến bảy đề cử và thắng hai giải: Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất và Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất.

Câu chuyện về bà mẹ Mildred Hayes (Frances McDormand đóng) thuê ba tấm pano quảng cáo để ghi lên mỗi tấm một dòng chữ ngắn ngủi màu đen, khổ lớn, trên nền màu đỏ máu: Raped while dying (Bị cưỡng hiếp trong khi chết?), And still no arrests? (Và vẫn chưa ai bị bắt?) và How come, Chief Willoughby? (Vậy là sao, Cảnh sát trưởng Willoughby?) được đạo diễn lừng danh Martin McDonagh dẫn dắt với lối kể chuyện độc đáo, cách khai thác tâm lý nhân vật từ các tình huống dị thường, qua đó bộc lộ những phần tính cách bị chôn giấu trong mỗi con người.

Đừng để cho bề ngoài của sự vật đánh lừa mình và trong tăm tối thì vẫn có chỗ cho những hạt mầm hy vọng nảy sinh là điều mà người xem nhận ra ở tác phẩm tâm lý này. Nhân vật Mildred Hayes có vẻ ngoài cứng đầu, khắc khổ nhưng bên trong là một trái tim mỏng manh đang rướm máu vì thương nhớ con. Viên cảnh sát trưởng Bill Willoughby bạc nhược nhưng thực chất lại là người đàn ông có trách nhiệm với gia đình…Sự đa chiều trong tính cách nhân vật nhen lên những tia hy vọng nhỏ nhoi về việc thức tỉnh phần thiện bên trong mỗi con người. Cuộc sống có thể khó khăn, khắc nghiệt, xã hội có thể còn đầy rẫy những mặt tối nhưng chỉ cần mỗi người hướng thiện, mọi thứ xung quanh sẽ tốt đẹp hơn.

Không đặt ra cho người xem quá nhiều sự suy tư như ba phim trên, Goodbye Christopher Robin truyền tải câu chuyện nhẹ nhàng hơn về cuộc đời của tác giả A.A. Milne, người đã sáng tạo nên chú gấu Pooh nổi tiếng toàn thế giới. Tuy nhiên, mối quan hệ được đề cập trong phim giữa nhà văn A. A. Milne và con trai Christopher Robin cũng mang đến những khoảnh khắc sâu lắng, giàu cảm xúc, để lại cho khán giả nhiều suy nghĩ cảm động về tình cha con, tình người.

Thưởng thức một bộ phim đâu chỉ là tận hưởng những phút giây giải trí sôi nổi mà còn cần những khoảnh khắc lắng đọng để ngẫm nghĩ về cuộc sống. Một mùa phim “chiêm nghiệm” như thế đang đựợc trình chiếu ngoài rạp.

Phim Three Billboards Outside Ebbing, Missouri gieo niềm tin về mầm thiện trong mỗi người.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối