Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Mắc kẹt tại Fiji vì Covid-19, gia đình Hồng Kông không ngờ được sống như trên thiên đường

(SGTTO) - Một gia đình ba thế hệ người Hồng Kông dự định chu du vòng quanh thế giới nhưng ngay chuyến đi đầu tiên, họ dở khóc dở cười khi phải ở lại quần đảo Fiji gần ba tháng do đại dịch.

Anh Lau Hsu-yung cùng vợ là Chance Xie, con trai Hunter và cha mẹ vợ, đang mắc kẹt ở Fij, quốc đảo châu Úc, cách New Zealand khoảng 2.000km.

Ước muốn vòng quanh thế giới

Sau một thập kỷ sống trong “khu rừng” bê tông ở Hồng Kông, cặp vợ chồng trẻ quyết định thay đổi. Họ muốn đến những khu rừng thực sự.

Anh Lau cùng gia đình trong căn biệt thự nghỉ dưỡng trên quần đảo Fiji.

Anh Lau lập kế hoạch du lịch khắp thế giới, bắt đầu từ Thái Bình Dương, qua Nam Mỹ và xa hơn. Họ cũng muốn Hunter, đứa con trai vừa tròn 18 tháng tuổi, thấy được những nền văn hóa khác nhau trước khi bắt đầu đến trường.

Cảnh biển đẹp mơ màng ở Fiji.

Ngày 8-2, họ đến Fiji, một quần đảo hơn 330 hòn đảo lớn nhỏ. Nhưng một vài tuần sau ngày họ hạ cánh xuống, Fiji báo cáo về ca nhiễm virus corona chủng mới đầu tiên.

Fiji: thiên đường ai cũng muốn đến

“Một số thành phố đã đóng cửa ngay lập tức và lệnh giới nghiêm được ban hành”, anh Lau nói. Họ không thể rời đi như dự định ngày 4-4.

Gia đình anh Lau trước khi rời Hồng Kông đi du lịch vào tháng 2. “Ban đầu, ba người chúng tôi lên kế hoạch vòng quanh thế giới 1 năm. Nhưng với sự bùng phát của bệnh dịch, chúng tôi quyết định cha mẹ sẽ cùng đi”, anh Lau chia sẻ.

Họ cũng nghe những câu chuyện thê lương do đại dịch gây ra với người Hồng Kông, tình trạng mắc kẹt của đồng hương ở nhiều nơi, cả trên con tàu Diamond Princess.

Cuộc sống của họ hiện nay là mơ ước của bất kỳ ai: sống trong biệt thự bên bờ biển, bao quanh bởi những rặng dừa cạnh một đầm phá. Tất cả như một bức tranh thường thấy trên những tấm bưu thiếp.

Chúng tôi thường lặn, chèo thuyền kayak, câu cá, xây lâu đài cát. Fiji là sự kết hợp của Maldives với làn nước trong xanh, Hawaii với những ngọn núi và Tahiti với những hòn đảo núi lửa dốc nhô khỏi đại dương màu ngọc lam

“Chúng tôi ở trên hòn đảo chính của Fiji tên là Viti Levu. Đây là hòn đảo lớn nhất trong số 300 hòn đảo. Thủ đô Suva nằm trên hòn đảo này – nơi tập trung hầu hết công dân Fiji”, chị Chance Xie vợ anh Lau chia sẻ qua email.

Chị Chance Xie viết: “Lượng thải carbon ở đây rất thấp. Chèo thuyền và xe đạp là phương tiện chính. Chúng tôi học cách làm món cà ri với cua bùn địa phương, mạo hiểm băng qua sông ra đại dương ngắm hoàng hôn”.

Chị Xie có thể mô tả về Fiji như trên các tờ rơi bởi hai vợ chồng đang điều hành công ty du lịch Journeys By Chance. Instagram của họ đầy hình ảnh du lịch tới hơn 80 quốc gia.

Trong vlog họ tạo ra, Milk + Travel, cảnh quay về “cuộc đời bị mắc kẹt” cho thấy Hunter đang có tuổi thơ hoàn hảo, từ chơi bóng tennis đến đá bóng, hái dâu và lượm dừa. Hình ảnh này giống như phiên bản nhiệt đới của gia đình Von Trapp trong phim Sound of music.

“Cuốn theo chiều gió”

Ngày 1-4, cơn bão nhiệt đới Harold đã tấn công một số quốc đảo ở Thái Bình Dương, gây lũ lụt, giết chết hàng chục người. Cơn bão đã cắt nguồn cung cấp điện gần 80% hộ gia đình trên đảo.

Xie tâm sự rằng người dân địa phương đã giúp họ giữ vững tinh thần. Người dân luôn nhiệt tình với khách du lịch. Mặt khác, sự riêng tư của biệt thự nơi gia đình đang trú đã giúp họ tự cách ly.

Chị Xie cho biết họ chỉ có một thiết bị có Wi-fi trong khi chờ có điện và Internet hoạt động trở lại. Nhưng họ chỉ lo lắng việc xoay sở thuốc huyết áp cho cha mẹ, con trai phải tiêm vắc-xin sởi, quai bị cuối tháng 4 này.

“Chúng tôi phải đợi đến khi các chuyến bay bay trở lại và các quốc gia dỡ bỏ hạn chế nhập cảnh, quá cảnh. Trong thời gian đó, gia đình tôi sẽ tận hưởng cuộc sống trên đảo với bãi biển cát trắng và những con rùa khổng lồ”, chị kết thúc câu chuyện.

Du lịch rất quan trọng đối với nền kinh tế Fiji, với hơn 150.000 lao động và chiếm gần 40% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước. Tuy nhiên, đảo quốc này đang đối mặt với một tương lai ảm đạm. Theo Hội đồng Du lịch Thế giới (WTTC), đại dịch Covid-19 có thể làm 50 triệu người trong ngành này lâm vào cảnh thất nghiệp trên toàn cầu.

Trung Châu

Theo South China Morning Post

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối