Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

‘Lực kéo’ ngành công nghiệp tái chế về phía kinh tế tuần hoàn

(SGTT) - Bên cạnh “động cơ đẩy” là chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), ngành công nghiệp tái chế cần thêm “động cơ kéo” là chính sách quy định về thị trường tái chế để thực sự phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Rác thải nhựa được phân loại, làm sạch để tái chế tại một doanh nghiệp ở Việt Nam. Ảnh minh hoạ: DNCC

Ngành công nghiệp tái chế đang mở ra nhiều cơ hội mới nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại khó tận dụng được cơ hội, dẫn đến nguy cơ “mất thị phần” ngay trên sân nhà.

Công nghiệp tái chế đối mặt nhiều thách thức

Trên thế giới, nhiều nhà nhập khẩu các mặt hàng quần áo, thời trang đã đưa ra yêu cầu sản phẩm phải có tỷ lệ khoảng 30–60% là nguyên liệu tái chế. Nhưng để đáp ứng yêu cầu này, doanh nghiệp may mặc ở Việt Nam phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu tái chế từ Trung Quốc.

Ngoài ra, từ đầu năm 2024, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có sử dụng bao bì sẽ phải chịu trách nhiệm tái chế, thu gom bắt buộc theo công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Dù được lựa chọn một trong ba hình thức thực thi (tự tổ chức thu gom, tái chế; thuê bên thứ ba thu gom, tái chế hoặc đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường -PV), nhưng PGS.TS Trần Thị Thanh Tú, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều thách thức khi thực thi công cụ này.

Một trong những nguyên nhân khiến EPR khó được thực hiện là ngành công nghiệp tái chế chưa phát triển.

Lý giải cụ thể, ông Hồ Trung Kiên, Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường (TNMT) cho biết, hoạt động tái chế ở Việt Nam vẫn còn mang tính thủ công, nhỏ lẻ, chưa thể đáp ứng điều kiện chất lượng để sử dụng trong sản xuất hàng nhập khẩu.

Thực tế, không chỉ may mặc mà còn nhiều mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam cũng đang đứng trước yêu cầu xanh hóa chuỗi cung ứng và tăng cường sử dụng nguyên liệu tái sinh.

Tuy nhiên, ngành tái chế Việt Nam suốt hơn 40 năm qua vẫn rất manh mún và chỉ tập trung ở một số nguyên liệu nhất định, vừa không đáp ứng nhu cầu vật liệu tái sinh cho nền kinh tế, vừa lãng phí một lượng lớn rác thải có giá trị.

“Một số mảng như chất thải điện tử hay thủy tinh vẫn còn rất ít doanh nghiệp tham gia vào tái chế”, ông Kiên nói tại một triển lãm về công nghiệp tái chế.

Sự manh mún, nhỏ lẻ của ngành công nghiệp tái chế, theo ông Kiên, đến từ việc các chính sách từ phía nhà nước chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của ngành, bao gồm các chính sách về tiếp cận vốn, thúc đẩy xã hội hóa, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp mong muốn tham gia vào ngành tái chế nhưng lại vướng phải rào cản đến từ chính quy hoạch của địa phương. Theo đó, thời gian qua, cùng với các chính sách nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, ngành công nghiệp tái chế đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển mình. Đặc biệt trong đó phải kể đến công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đặt ra yêu cầu nhà sản xuất chịu trách nhiệm thu gom, tái chế sản phẩm của mình thông qua việc tự tổ chức, thuê bên thứ ba hoặc đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường.

Ông Kiên cho biết, cơ hội lớn cho ngành công nghiệp tái chế khiến rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài mong muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước lại đang khó đủ đường khi đầu tư vào ngành tái chế. Nói cách khác, doanh nghiệp tái chế Việt Nam đứng trước nguy cơ bị mất thị phần ngay trên sân nhà.

Còn ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Công ty cổ phần VietCycle, cho biết, ngành tái chế đã hình thành hơn 40 năm nhưng vẫn “chưa lớn”, chủ yếu diễn ra một cách nhỏ lẻ, tự phát ở khu vực phi chính thức.

Công cụ chính sách EPR được ông Vượng nhiều lần khẳng định sẽ là “viên gạch đầu tiên” xây dựng ngành công nghiệp tái chế tiên tiến, đạt chuẩn. Tuy nhiên, cũng theo vị này, chỉ với công cụ EPR là chưa đủ để thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế.

Cụ thể, ông Vượng nhìn nhận, EPR là “động cơ đẩy”, tạo ra nhu cầu tái chế cũng như nguồn tài chính đóng góp cho ngành tái chế. Tuy nhiên, nếu sản phẩm tái chế không có đầu ra thì doanh nghiệp tái chế cũng không thể nào tạo ra lợi nhuận bền vững và tồn tại được trên thị trường.

Chung tay xây dựng chính sách cho ngành tái chế

Để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, ông Hoàng Đức Vượng mong muốn có thêm chính sách nhằm thúc đẩy thị trường tiêu thụ tái chế. Trong đó, có thể áp dụng những giải pháp đang được một số quốc gia áp dụng hiệu quả như quy định tỷ lệ vật liệu tái chế bắt buộc, quy định thiết kế sinh thái cho mỗi sản phẩm.

“Quan trọng nhất là chính sách chứ không phải tài chính hay công nghệ. Bởi nếu có chính sách đủ thông minh, doanh nghiệp sẽ tự tìm được nguồn tài chính, tự tìm được công nghệ để triển khai kinh tế tuần hoàn”, ông Vượng nói tại Diễn đàn Kinh tế xanh 2023.

Đồng quan điểm, bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), đồng tình với quan điểm của ông Vượng rằng chính sách là đặc biệt quan trọng để thúc đẩy tái chế và kinh tế tuần hoàn.

Bà Mỹ cho biết, hiện nay đang có nhiều thành viên thuộc VPA có khả năng về công nghệ và tài chính, rất mong muốn được xây nhà máy tái chế nhưng việc xin địa điểm gặp nhiều khó khăn.

Đại diện VPA cho biết, doanh nghiệp nhựa có kinh nghiệm, có công nghệ, đã và đang cung ứng vật liệu cho rất nhiều ngành hàng, do đó nếu tận dụng được những lợi thế này để tái chế thì “thực thi EPR không phải là việc lớn nữa”, đồng thời đề nghị xem xét cho phép xây nhà máy tái chế ngay cạnh nhà máy nhựa thành phẩm để tối ưu hóa hiệu quả.

Bên cạnh đó, bà Mỹ cho rằng vật liệu nhựa nói chung và nhựa dùng một lần nói riêng cũng có vai trò nhất định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, thay vì bài trừ nhựa một cách cực đoan, cần thúc đẩy triển khai giải pháp phân loại rác tại nguồn để nhựa được đưa vào tái chế, tái sử dụng thay vì thải bỏ ra môi trường.

Còn ông Hồ Trung Kiên nhìn nhận việc hạn chế việc đốt rác cũng là một giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn bởi 80% lượng chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng.

Vị này cho biết khi tham gia rất nhiều hội nghị, hội thảo tuyên truyền, hướng dẫn luật Bảo vệ Môi trường, nhiều cán bộ của các tỉnh thường xuyên đặt một câu hỏi: “Liệu có cần phải phân loại chất thải rắn không? tại sao không đem đốt hết đi?”.

Câu trả lời chính là: “Nếu chúng ta đem đốt chất thải thì nghĩa là chúng ta đang đốt hết tài nguyên từ chất thải bởi 80% lượng chất thải mà chúng ta thải bỏ đều có thể tái chế, tái sử dụng; chúng ta đang đốt đi cơ hội để tăng tỷ lệ tái chế cho các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu sang nước ngoài; chúng ta đang đốt đi hạn ngạch carbon mà đáng nhẽ chúng ta được hưởng từ việc tái chế, tái sử dụng”.

Cũng theo ông Kiên, đến năm 2024 sẽ vận hành thử nghiệm sàn giao dịch carbon. Các đơn vị hiện đang làm công tác thu gom, xử lý, tái chế chất thải sẽ có thêm nhiều cơ hội và lợi nhuận từ việc cung cấp tín chỉ carbon cho các doanh nghiệp chưa đảm bảo được hạn ngạch carbon.

Còn PGS.TS Trần Thị Thanh Tú, nhìn nhận, chính sách rất quan trọng nhưng việc thực thi chính sách một cách đồng bộ, hiệu quả cũng quan trọng không kém. Do đó, bà Tú đề xuất tăng cường tuyên truyền, giáo dục để thay đổi hành vi của người tiêu dùng hướng đến lựa chọn sản phẩm bền vững hơn, phân loại tại nguồn tốt hơn.

Thực tế, thời gian gần đây, xu thế tiêu dùng bền vững đang bắt đầu lên ngôi. Thế hệ trẻ cũng đang được giáo dục rất tích cực để hướng đến văn hóa tiêu dùng văn minh hơn. Đây chính là những yếu tố khiến các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp vững tin vào tương lai tươi sáng của ngành công nghiệp tái chế cũng như kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Vân Phong

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối