Thứ Năm, Tháng Năm 16, 2024

Liên kết công tư y tế: kỳ vọng lời giải bài toán quá tải bệnh viện

Tình trạng quá tải tại các bệnh viện công lập tưởng như sẽ mở ra cơ hội đầu tư và phát triển cho các hệ thống bệnh viện tư nhân trên cả nước. Tuy nhiên, trên thực tế, khối tư nhân vẫn còn gặp một số rào cản về quỹ đất, nguồn nhân lực với chính sách đãi ngộ cao đã đẩy chi phí ở các bệnh viện tư nhân lên cao…
Trước thực trạng này, một số chuyên gia y tế cho rằng cần đa dạng hóa đầu tư cho y tế tư nhân và công lập bởi y tế công có lợi thế về nguồn nhân lực, y tế tư nhân có lợi thế về cơ sở vật chất, kỹ thuật. Việc liên kết này không chỉ là đòn bẩy giúp khối y tế tư có được nguồn nhân lực chuyên môn giỏi, mà khối y tế công còn được trang thiết bị điều trị hiện đại; từ đó rút ngắn được thời gian chờ đợi, giảm tải tình trạng quá tải tại các bệnh viện như hiện nay.
Bệnh nhân ngồi chờ đến lượt khám bệnh tại một cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn TPHCM. Ảnh: Minh Thảo

Đầu tư bệnh viện tư: vẫn còn nhiều rào cản để phát triển

Trao đổi với KTSG Online, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Phó chủ tịch thường trực Hội hành nghề y tư nhân (TPHCM), từng là một trong những người đi đầu trong đầu tư y tế tư nhân, cho biết điều khá đáng tiếc hiện nay là dù tiềm năng phát triển y tế tư nhân còn rất lớn nhưng vẫn phải duy trì ở trạng thái “cầm chừng”, mới chỉ đóng góp 5,1% trong tổng số giường bệnh của toàn quốc.

Khi Nhà nước không thể hỗ trợ được tối đa cho y tế công, cộng với chi phí dịch vụ bảo hiểm y tế còn thấp, các bệnh viện công phải tự chủ đã làm phát sinh nhiều hệ lụy. Điều này vô tình tạo ra gánh nặng rất lớn cho ngân sách và hệ thống y tế công lập, bác sĩ Tùng cho biết.

Nói về những rào cản để đầu tư xây dựng bệnh viện tư nhân, một đại diện của Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết, với các chính sách hỗ trợ linh hoạt của Nhà nước trong những năm vừa qua, doanh nghiệp không còn gặp khó khăn trong huy động nguồn vốn. Tuy nhiên, hiện khó khăn trong việc đầu tư bệnh viện tư nhân là bài toán về quỹ đất và nguồn nhân lực.

Theo đó, quỹ đất để xây dựng bệnh viện trong nội thành trên địa bàn TPHCM gần như không còn. Tuy nhiên, đa số các bệnh viện tư nhân đều muốn nằm trong thành phố bởi “trên thực tế, vị trí bệnh viện liên quan đến thị trường và thói quen của người khám chữa bệnh, không có bệnh nhân nào muốn khám bệnh mà phải đi quá xa. Vì vậy, các đơn vị đầu tư xây dựng bệnh viện tư nhân phải chật vật tìm một khoảng không chật hẹp còn lại trong nội thành để xây dựng”, vị này cho biết.

Bên cạnh đó, đại diện của Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho rằng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là trở ngại đối với các bệnh viện tư nhân. Báo cáo của Bộ Y tế từng xác nhận, chất lượng đào tạo nhân lực ngành y Việt Nam còn nhiều hạn chế. Các bệnh viện tư đã tìm cách thu hút nhân tài bằng chính sách đãi ngộ lương thưởng hấp dẫn, chính điều này dễ đẩy chi phí ở các bệnh viện tư nhân lên cao.

Cũng theo bác sĩ Tùng, trước đây chính sách xã hội hoá y tế, nghĩa là Nhà nước kêu gọi tư nhân xây dựng bệnh viện để giúp giảm tải bệnh công lập nhưng hiện bảo hiểm y tế đã phủ rộng đến 95%. Đa phần người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế thích vào bệnh viện công lập để tiết kiệm được chi phí dù họ biết với mệnh giá bảo hiểm y tế thấp như vậy không thể nào có dịch vụ tốt. Còn bệnh viện tư nhân có trang thiết bị hiện đại, chất lượng dịch vụ y tế tốt nên vẫn có nhiều bệnh nhân ưa chuộng dù phải trả chi phí cao.

Vị bác sĩ này cho rằng nếu đa dạng hóa đầu tư cho y tế thì người bệnh sẽ được sử dụng dịch vụ tốt nhất với bác sĩ chuyên môn giỏi (khối y tế công) và cơ sở vật chất hiện đại (khối y tế tư). Việc liên kết tư nhân và công lập không chỉ tăng năng suất làm việc của bác sĩ mà còn góp phần rút ngắn được thời gian chờ đợi, giảm tải tình trạng quá tải tại các bệnh viện như hiện nay.

Với lợi thế về cơ sở vật chất và kỹ thuật điều trị hiện đại của khối y tế tư nhân, bệnh nhân không còn phải chờ đợi quá lâu, giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện. Ảnh: Minh Thảo

Liên kết y tế công và tư cần quy định rạch ròi nhiệm vụ

Theo Sở Y tế TPHCM, tính đến năm 2023, TPHCM có 128 bệnh viện đang hoạt động với chỉ số giường bệnh là 42 giường/10.000 dân. Như vậy, nếu so với nhu cầu khám chữa bệnh cho khu vực và so sánh với các nước phát triển, chỉ số giường bệnh của TPHCM vẫn còn thấp. Đặc biệt, một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của thành phố còn gặp khó khăn trong phát triển thêm nhiều kỹ thuật chuyên sâu do cơ sở hạ tầng quá chật hẹp, xuống cấp và nguồn kinh phí hạn hẹp.

Trước thực trạng hiện nay, ngành y tế TPHCM đã đề xuất cần có cơ chế, chính sách để giao đất cho hệ thống y tế tư nhân tham gia xây dựng thêm các bệnh viện mới, đặc biệt ưu tiên cho các chuyên khoa hiện đang quá tải tại các bệnh viện công lập như chấn thương chỉnh hình, ung bướu, tim mạch, thần kinh, mắt, tai mũi họng… với quy mô từ 300-500 giường/bệnh viện.

Về tình trạng quá tải bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc bệnh viện này, cho biết ngoài bệnh nhân chuyển tuyến tăng khoảng 70% thì rào cản về cơ sở vật chất lẫn phương tiện trang thiết bị đôi lúc không đủ hoặc cũ kỹ, không đáp ứng nhu cầu chuyên môn cũng khiến người bệnh ung thư phải đợi từ 6-8 tuần mới được điều trị.

Dù những năm gần đây, chuyên môn kỹ thuật của ngành y tế phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị sớm cho bệnh nhân cũng cần có sự liên kết từ y tế tư nhân bởi khối y tế này có sự đầu tư hệ thống máy móc chẩn đoán mới và hiện đại hơn. Ngoài ra, thông thường, y tế tư nhân muốn đầu tư, trang bị hệ thống máy móc có thể được phê duyệt rất nhanh. Còn ngược lại, y tế công lập thường phải xem xét rất lâu, có khi phải kéo dài 3-4 năm mới được phê duyệt; thậm chí những lúc được phê duyệt, hệ thống máy đã lỗi thời, vị bác sĩ này cho biết.

Bác sĩ tại một cơ sở y tế tư nhân thực hiện chụp X-quang cho bệnh nhân. Ảnh: Minh Thảo

Nói về đề xuất của Sở Y tế TPHCM về việc liên kết bệnh viện công lập và tư nhân, bác sĩ Hữu Tùng, Phó chủ tịch thường trực Hội hành nghề y tư nhân (TPHCM), cho biết các cơ sở y tế tư nhân luôn đáp ứng hệ thống máy móc mới, cập nhật bảo trì liên tục. Vì vậy, nếu liên kết hai khối y tế tư nhân và công lập, điều này góp phần tạo ra những điều kiện thông thoáng giữa các nguồn lực y tế.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Tùng, việc liên kết cần phải phân định rạch ròi nhiệm vụ của các bên liên quan. Theo đó, Nhà nước chỉ nên xây dựng bệnh viện, còn tư nhân chịu trách nhiệm quản lý. Điều này sẽ tránh hình thức tư nhân đầu tư trong bệnh viện công bởi sẽ dễ hình thành nhóm “quyền lợi” và “quyền lực”.

Với hình thức này, “Nhà nước chỉ cần quản lý về tài sản và chuyên môn. Còn việc quản trị và trách nhiệm xã hội do tư nhân phụ trách. Việc quản lý này đều được quy định rạch ròi bằng cơ chế thông qua chỉ số KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc) và được kiểm toán độc lập”, bác sĩ Tùng cho biết.

Như vậy, khi liên kết khối y tế tư nhân và công lập, bệnh viện tư có thể hỗ trợ các bệnh viện công về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Ngược lại, các bệnh viện công có thể hỗ trợ bệnh viện tư về nguồn nhân lực có chuyên môn, tay nghề cao. Có thể thấy rằng việc liên kết này chia sẻ được phần nào sự quá tải của hệ thống y tế công, góp phần cùng với y tế công trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân với chất lượng dịch vụ cao ngày càng gia tăng.

Minh Thảo

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Kết nối