Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Hành trình 8 ngày khám phá vẻ đẹp yên bình, thi vị của Lào

Bạn đọc cùng làm báoHành trình 8 ngày khám phá vẻ đẹp yên bình, thi vị...
(SGTT) - Vùng đất bình yên, thi vị cùng người dân hiếu khách là những ấn tượng từ chuyến đi Lào 8 ngày của anh Nguyễn Phi Linh và những người bạn vào tháng 5 vừa qua. 
Công viên tượng phật tại Vientiane. Ảnh: Nguyễn Phi Linh

“Nhiều người hỏi 'Sao lại chọn Lào?', mình hiểu, trong câu hỏi có chất chứa một nỗi quan ngại nào đấy. Nhưng trái đất rộng lớn thế này, nơi nào chưa đặt chân đến, nơi đó đều là những ẩn số thú vị đáng chờ ta khám phá”, anh Linh chia sẻ về lý do chọn Lào cho chuyến đi Lào vừa qua.

Đối với anh Linh, những điều khiến anh nhớ về Lào đó là thủ đô Vientiane văn minh nhưng trầm lắng; Vang Vieng thi vị hùng vĩ với đỉnh Nam Xay; Pakse yên bình bên dòng sông Mekong hay cố đô Luang Prabang cổ kính đậm văn hóa Lào.

Ghé thăm Nam Lào và thủ đô Vientiane

Nơi đầu tiên anh cùng nhóm bạn đặt chân đến Lào chính là thành phố Pakse, phía Nam Lào, tiếp giáp gần nhất biên giới Việt Nam trong các điểm đến nhóm anh dự kiến đi. Từ Việt Nam, nhóm anh di chuyển đến Pakse bằng xe khách mất khoảng 14 tiếng.

Khung cảnh yên tĩnh tại thành phố Pakse phía Nam - nơi anh Phi Linh cùng nhóm bạn đến đầu tiên tại Lào. Ảnh: Nguyễn Phi Linh

Pakse đối với anh là thành phố hiền hòa, bình yên với nhịp sống chậm và cũng không có quá nhiều điểm du lịch nổi bật. Anh kể, nhiều người đến Pakse sẽ có cảm giác như vẫn đang ở Việt Nam. Bởi vì người Việt, Việt kiều Lào và người Lào biết tiếng Việt ở đây rất nhiều.

“Có nhiều tour khám phá thành phố đi và về trong ngày, nhưng nhóm mình quyết định thuê xe máy. Địa điểm không thể bỏ qua là ngọn thác Tad Gneuang, cách trung tâm 40km về phía Đông”, anh Linh nói.

Thác Tad Gneuang cách trung tâm thành phố Pakse 40km. Ảnh: Nguyễn Phi Linh

Ngọn thác cao tầm 40m, nhìn từ xa thì cũng có phần đồ sộ và hùng vĩ. Song có hai điều khiến anh ngạc nhiên đó chính là chi phí du lịch ăn uống tại khu thác rất hợp lý; 90% người đến tham quan là người nước ngoài và trong đó, 80% khách du lịch đến từ Việt Nam.

Nửa ngày để đi - về tham quan Tad Gneuang, nửa ngày còn lại nhóm anh quyết định tham quan xung quanh thành phố bằng xe máy đến chùa Wat Phou Salao, chợ Pakse.

Anh Linh chụp ảnh tại chùa Wat Phou Salao, một điểm đến nổi bật tại Pakse. Ảnh: Nguyễn Phi Linh

Tạm biệt Pakse, nhóm anh bắt xe khách, di chuyển 12 tiếng đến thủ đô Vientiane ở phía Bắc. Vientiane là thành phố lớn nhất nước Lào, song lại thật khác biệt trong trí tưởng tượng của anh về thủ đô sầm uất, nơi đây lại rất êm đềm và bình lặng.

Tháp Pha That Luang được coi là biểu tượng quốc gia của Lào. Ảnh: Nguyễn Phi Linh

“Bọn mình lại thuê xe máy, tranh thủ tham quan vài nơi nổi tiếng vì chỉ có một ngày ở đây. Đầu tiên là Buddha Park, một công viên tập trung rất nhiều tượng Phật bằng đá với những dáng vẻ kỳ bí. Tiếp theo là Pha That Luang, một ngôi tháp được xây dựng từ thế kỷ 16, được coi là biểu tượng quốc gia của Lào. Cuối cùng là khải hoàn môn Patuxay”, anh Linh kể về những điểm đến nổi bật có thể tham quan trong ngày tại Vientiane.

Khải hoàn môn Patuxay lung linh tráng lệ về đêm. Ảnh: Nguyễn Phi Linh

Vang Vieng, "điểm nhấn"du lịch Lào

Kế hoạch ban đầu của nhóm anh là sẽ chỉ thăm ba thành phố lớn, bắt đầu từ Pakse, sau đó ngược lên Vientiane và cuối cùng là cố đô Luang Prabang ở phương Bắc. Điều đặc biệt của ba thành phố này là chúng cùng tọa lạc trên dòng sông Mekong - “mạch máu” nối liền Đông Dương trước khi đổ ra biển Đông.

Hoàng hôn bình lặng và lãng mạn bên dòng sông Nam Khang, Vang Vieng. Ảnh: Nguyễn Phi Linh

Bất ngờ, một người bạn trong nhóm gợi ý thêm Vang Vieng với những hình ảnh khá ấn tượng, cả nhóm quyết định sắp xếp thêm thời gian để đến vùng đất này. Càng bất ngờ hơn vì đây chính là điểm đến khiến anh ấn tượng, đặc sắc nhất trong toàn bộ chuyến đi.

“Yên bình nhưng nhưng không nhàm chán. Cảm giác nếu cả chuyến đi lần này chỉ gói gọn ở Vang Vieng thôi cũng là quá đủ. Mình nhớ khoảnh khắc được ngồi bên bờ sông, thả hồn theo dòng nước chảy, ung dung, tự do tự tại biết bao”, anh nhớ lại những cảm xúc đặc biệt khi đến Vang Vieng.

Khinh khí cầu tại Vang Vieng. Ảnh: Nguyễn Phi Linh

Thành phố nhỏ này nằm cách thủ đô Vientiane khoảng hơn 130km. Với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, tốc độ đô thị hóa chậm hơn nhiều thành phố khác, Vang Vieng mang đến cho du khách một khung cảnh bình yên, lãng mạn nhưng lại không hề nhàm chán. Ngược lại, qua quan sát của anh Linh, Vang Vieng là điểm đến sôi động, nhiều dịch vụ vui chơi.

Có thể thấy rất rõ qua Vang Vieng, chủ trương phát triển du lịch sinh thái và phiêu lưu mạo hiểm với nhiều dịch vụ, hoạt động vui chơi giải trí. Du khách có thể đạp xe đường dài, leo núi, tắm hồ, bay dù lượn và nhiều thú vui khác.

“Check in” chiếc xe máy cũ trên đỉnh Nam Xay. Ảnh: Nguyễn Phi Linh

Một điểm đến “độc nhất vô nhị” tại Vang Vieng mà du khách nhất định phải “check-in” khi đến Lào đó chính là chiếc xe mô tô cũ trên đỉnh Nam Xay hùng vĩ. Từ trên đỉnh, phóng tầm mắt ra xa một tí là có thẻ thể thu trọn phong cảnh hữu tình của thị trấn nhỏ bé này vào.

Anh Linh cho biết thêm, nếu không thích leo núi, thì du khách có thể thử trải nghiệm tắm hồ. Vang Vieng có đến 3 hồ nước có màu xanh trong như màu ngọc bích, mà người địa phương gọi lần lượt là Blue Lagoon 1, 2, 3.

“Một buổi chiều, nắng vẫn ngả vàng, hoàng hôn vẫn buông bên kia sườn những ngọn núi đá vôi hùng vĩ, bọn mình lững thững những bước chân đầu tiên xuống Vang Vieng. Đi qua mấy cây cầu sắt để vòng qua bờ Tây dòng sông Nam Khang, nơi mà du khách thì đang thong thả chèo Kayak, đám trẻ con thì đằm mình trong làn nước xanh như ngọc. Từ phía xa, mấy chiếc khinh khí cầu lững lờ bay tới rồi xa dần đến khi mất hút. Lại một lần nữa mình phải dùng từ yên bình để miêu tả nơi này”, khung cảnh thi vị nơi đây để lại ấn tượng sâu sắc với anh Linh.

Vang Viêng về đêm. Ảnh: Nguyễn Phi Linh

Khám phá cố đô Luang Prabang

Rời Vang Vieng, anh Phi Linh và nhóm bạn di chuyển đến điểm cuối cùng trước khi về Việt Nam - Luang Prabang - bằng tàu cao tốc đầu tiên của Lào, tuyến đường sắt nối liền Vientiane và Côn Minh của Trung Quốc. Cố đô Luang Prabang được công nhận là di sản văn hóa thế giới của UNESCO vào năm 1995, nơi đây mang một vẻ cổ kính, du khách có thể cảm nhận rõ nét văn hóa, cuộc sống địa phương của người Lào tại đây.

Các nhà sư đi hành khất tại Luang Prabang. Ảnh: Nguyễn Phi Linh

Đời sống văn hóa Lào gắn liền với Phật Giáo, chùa chiền, tu viện có mặt khắp ở mọi nơi. Luang Prabang cũng không ngoại lệ. Cố đô nổi tiếng với hoạt động khất thực của các nhà sư vào mỗi sáng sớm. Họ mang theo bình bát đi bộ qua các đường phố để nhận thực phẩm từ các Phật tử, người dân hoặc du khách.

Luang Prabang có hai phiên chợ, chợ sáng và chợ đêm nằm trên hai con đường kề bên nhà nghỉ của anh. “Thật ra nếu không đi vào đúng thời điểm thì mình nghĩ chắc không ai biết nơi này là chợ. Chợ đêm thì chủ yếu bán đồ lưu niệm cho khách du lịch, còn chợ sáng phản ánh đậm nét văn hóa Lào hơn. Ẩm thực Lào pha trộn giữa chua và cay, nên vào chợ sẽ thấy các loại ớt được bày bán”, anh kể.

Một phiên chợ sáng tại cố đô Luang Prabang. Ảnh: Nguyễn Phi Linh

Ngoài cảnh sắc bình yên, gần gũi thiên nhiên, Lào còn để lại trong anh ấn tượng về người dân địa phương hiền hòa, hiếu khách và hết lòng giúp đỡ anh cùng nhóm bạn trong thời gian du lịch tại đây.

Đó là người bạn Việt kiều Lào giúp nhóm anh tìm chỗ nghỉ ở Pakse, hay cậu bạn Lyxay thân thiện với buổi tối dùng bữa và trò chuyện thú vị trước nhịp sống về đêm khá trầm lặng tại Vientiane; những người dân địa phương ở Vang Vieng chào đón nhóm anh bằng những bản nhạc Việt sôi động; cậu bạn người Trung Quốc tên Kidy cùng nhóm anh khám phá Luang Prabang những ngày cuối tại Lào.

Anh Linh ấn tượng về sự hiền hòa, hiếu khách của người dân Lào. Ảnh: Nguyễn Phi Linh

“Chuyến đi tuy không để lại cho tôi sự kinh ngạc hay trầm trồ về cảnh sắc, nhưng vẫn đong đầy cảm xúc bởi những trải nghiệm văn hóa mới mẻ, tận hưởng cảm giác bình yên, êm đềm và đặc biệt là sự hiền hòa hiếu khách của người dân nơi đây”, anh Phi Linh chia sẻ.

Yến Nhi