Thứ Ba, Tháng Tư 23, 2024

Du lịch ĐBSCL: Cản trở lớn từ những điều nhỏ

(SGTT) – Không làm du lịch kiểu tự phát, đổi mới tư duy quảng bá sản phẩm, tăng cường liên kết du lịch giữa TPHCM được xem là ‘chìa khóa’ quan trọng để đi đến thành công của du lịch ĐBSCL.
Một khu du lịch sinh thái tại Đồng Tháp. Ảnh: Khương Nhựt Minh

Những tồn tại cần “gỡ”

ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ. Diện tích khu vực là 40.347km2 (12% cả nước); dân số 17.367.169 người (năm 2019, chiếm 17,72% cả nước).

Đây được xem vùng đồng bằng màu mỡ phù sa, chằng chịt sông rạch, đa dạng sinh học; là vùng nông nghiệp trọng điểm cả nước với 56% sản lượng lúa (90% xuất khẩu gạo), 50% thủy hải sản (Kiên Giang là ngư trường lớn nhất). Sản lượng trái cây, ước tính xấp xỉ 40% cả nước.

“Có thứ nhỏ nhặt nhưng là cản trở lớn để ngành du lịch đột phá”

Tuy nhiên có thể thấy, ĐBSCL là vùng trũng của du lịch cả nước, đang đối mặt với nhiều khó khăn, không dễ gì vượt qua. Có thứ nhỏ nhặt nhưng là cản trở lớn để ngành du lịch đột phá. Cách đây hơn 10 năm, trong roadshow du lịch Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế tại Cần Thơ, tác giả đã góp ý “Dù là vựa lúa gạo, không chỉ của Việt Nam mà cả Asean với nhiều loại gạo ngon nhưng khách về miền Tây luôn được ăn gạo dở nhất”. Ngay lập tức, lãnh đạo Cần Thơ chỉ đạo “Từ ngày mai, các nhà hàng, quán ăn phải nấu gạo ngon nhất mời khách”.

Nguồn: Hiệp hội Du lịch ĐBSCL

Hơn 10 năm sau, chuyện xưa mà vẫn mới. Các nhà hàng lớn, nhỏ đều không nấu gạo ST25. Chẳng lẽ vì đắt hơn 10.000 – 15.000 đồng/kg nên không dám? Vào một nhà hàng lớn ngay trung tâm TP Sóc Trăng càng thấy kỳ. Nhà hàng quảng bá và bán gạo ST25 chính hiệu nhưng lại nấu gạo thường cho khách. Trong khi ở Phan Thiết, nhà hàng cơm niêu C.P dám lấy mỗi tháng nửa tấn gạo ST25 đãi khách. Chủ nhà hàng bảo, nấu gạo ST25 giá thành mỗi bữa ăn tăng thêm 2% nhưng doanh thu hàng tháng tăng thêm 20%.

Các khách sạn, nhà hàng đều chuộng hoa giả, ngay cả cây lúa cũng làm giả. Vào nhà ăn, nơi nào cũng dùng nước chấm chung, dùng đũa muỗng riêng lấy thức ăn chung thoải mái; rất nhiều nơi không có thực đơn.

“Nông nghiệp và du lịch cứ như hai người dưng, quen mà không thân”

Hậu dịch Covid 19, du lịch gắn với nông nghiệp, về với thiên nhiên là xu thế tất yếu của thế giới. ĐBSCL không thiếu tài nguyên du lịch, đặc biệt là du lịch gắn với nông nghiệp nhưng thiếu cách làm hiệu quả.

Ngoại trừ Phú Quốc và Côn Đảo, du lịch ĐBSCL cứ na ná giống nhau. Từ sản phẩm đến dịch vụ. Từ tinh thần đến thái độ phục vụ. Du lịch sinh thái cứ tự phát kiểu “nông dân nổi dậy”, “gắp đồ ăn cho khách” hoặc “nhậu là chính”… Thậm chí có tỉnh còn tính làm bồ bơi vô cực, homestay và nhiều dịch vụ giải trí dưới chân trụ phong điện ngoài biển. Điều mà thế giới chưa ai dám nghĩ tới vì quá nguy hiểm.

Nói riêng về du lịch Đồng Tháp

Vườn nho tại Cao Lãnh, Đồng Tháp. Ảnh: Khương Nhựt Minh

Du lịch Đồng Tháp có quá nhiều thuận lợi. Từ việc xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng đến việc có “bé Sen” làm biểu tượng du lịch. Từ bộ quy tắc ứng xử văn minh nơi công cộng (các nơi chỉ cho du khách) đến tuyến xe buýt nối các điểm du lịch.

Đồng Tháp có rất nhiều sản phẩm độc bản như:  làng Hoa kiểng Sa Đéc, làng quít và nem Lai Vung, Vườn quốc gia Tràm Chim – Tam Nông, “Thủy đạo thép” Xẻo Quít, sâm chim Gáo Giồng, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, cà phê Chủ tịch, Cây xoài nhà tôi, làng Lò gạch hoang Châu Thành (hiện đã bị phá bỏ gần hết), đền thờ Chủ chợ Cao Lãnh, làng Nam bộ (Phú Mỹ, Thanh Bình), làng dệt Long Khánh (Hồng Ngự), chợ chiếu âm phủ Định Yên (Lấp Vò) một thời vang bóng, làng đóng thuyền Bà Đài…

“Nếu thật sự yêu quê hương và quyết chí làm du lịch, mọi việc trong tầm tay”

Tác giả được Đồng Tháp mời về tư vấn du lịch từ 2016 và choáng ngợp bởi tiềm năng du lịch nơi đây, đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh.

Sau hơn hai năm gắn bó, sát cánh và cùng nhau nỗ lực, du lịch Đồng Tháp khởi sắc nhưng vẫn chưa thể tăng tốc và đột phá. Kỳ vọng là điểm sáng về du lịch cộng đồng Nam bộ hình như qua tầm tay.

Vừa rồi trái cây rớt giá. Có lúc, với 40.000 đồng mua được 15kg xoài Hòa Lộc, tha hồ tặng hàng xóm. Nếu chủ động, Đồng Tháp có thể liên kết ngay với các công ty lữ hành tại TPHCM, tổ chức du lịch xuống Đồng Tháp qua đêm, ăn trái cây miễn phí, tặng thêm mỗi người mấy kg. Một công đôi việc, vừa giải cứu nông dân, vừa quảng bá du lịch. Chi phí gởi cho nông dân xem như hoa hồng bán tour.

Cồn Phú Mỹ ‘đứng hình’, làng lò gạch hoang gần như bị xóa sổ, dịch vụ làng hoa kiểng manh mún… Tác giả từng bị mấy bạn bè mắng vốn khi được giới thiệu vào trải nghiệm dịch vụ ở làng hoa. Các món chay ở chùa cổ Bửu Lâm ít ai còn nhớ. Làng du lịch Hòa An hoạt động chưa tương xứng với tiềm năng.

Đề xuất phát triển du lịch ở ĐBSCL

  • Thay đổi tư duy: Làm du lịch là làm kinh tế. Tập trung tăng doanh thu cho từng đầu khách, kéo dài thời gian lưu trú, gắn với nông nghiệp sạch và chất lượng cao, quan tâm hơn đến du lịch rừng ngập mặn.
  • Dùng tinh thần, thái độ phục vụ làm lợi thế cạnh tranh với du lịch cả nước; bên cạnh việc nâng chất dịch vụ. Nhà hàng bắt buộc có nước chấm riêng cho từng khách, có muỗng đũa chung để lấy đồ ăn chung ra chén đĩa riêng từng người. Không dùng hoa giả, cây giả trang trí. Qui định tỉ lệ danh thắng địa phương và vùng dùng để trang trí và quảng bá du lịch trong từng đơn vị (kinh nghiệm ở Cao Bằng với núi Mắt Thần, thác Bản Giốc).
  • Xây dựng bộ sản phẩm tour đặc thù của từng địa phương để doanh nghiệp lữ hành chọn lựa, thiết kế lại cho phù hợp với từng công ty, từng thị phần. Họ “tát mương bắt cá” thì ta “nơm cá trong ao”, “bắt lươn và chạch trong ruộng”, “tát mương bắt tôm”. Họ có “cá lóc làm xiếc” thì ta có “cá rô làm trò”, “cá tra bú bình”, “tôm khiêu vũ”…
  • Cùng Trung ương giải quyết bài toán giao thông. Cập nhật thông tin điểm đến và dịch vụ trên các trang mạng, nối các điểm đến với tuyến xe buýt. Làm biển báo du lịch tại các trục lộ chính, giao lộ vào điểm đến.

Đề xuất riêng với Đồng Tháp

  • Không làm du lịch kiểu tự phát và manh mún. Chú trọng đối tượng khách trung lưu và người nước ngoài; chưa có khách sạn 5 sao thì làm retreat như Pu Luong giữa làng hoa, giữa vườn cây (gardenstay, viilagestay thay vì homestay; mô hình Sin Suối Hồ ở Phong Thổ, Lai Châu).
  • Tạo dấu ấn phục vụ với “welcome drink” dân dã. Xác lập và phổ biến bộ thực đơn đặc thù từng huyện, thị thành phố.
  • Thay đổi cách quảng bá và tiếp thị sản phẩm. Dùng đặc sản địa phương làm quà tặng khuyến mãi.
  • Khởi động lại các dự án du lịch trước đây bế tắc; liên kết chặt chẽ với ngành nông nghiệp để “bắt tay” phát triển du lịch.

Liên kết với TPHCM: TPHCM dẫn đầu cả nước về lượng khách nội địa, quốc tế, tổng doanh thu lẫn doanh thu đầu khách. Đây là nguồn khách quan trọng nhất của ĐBSCL nói chung và Đồng Tháp nói riêng. Do vậy, việc liên kết giữa Đồng Tháp, ĐBSCL và TPHCM là nhân tố quan trọng để tăng tốc và đột phá. Hậu dịch Covid-19, mọi thứ đều thay đổi, việc liên kết cũng vậy. Cần chú trọng sự tương tác qua lại, cùng ‘win – win’. Tại sao TPHCM và ĐBSCL chưa làm tour liên minh khởi hành định kỳ qua lại. Bước đầu chấp nhận bù lỗ để định hình tour. Khi phát triển có thể mở rộng tần suất khởi hành. Điều này TPHCM chỉ mới làm được ở ĐBSCL với tour đường bay Phú Quốc.

Nguyễn Văn Mỹ

Chủ tịch Lửa Việt Tours, Giám đốc Việt Nam CBT

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Học nấu món miền Tây bên dòng sông Tiền

0
(SGTT) - Nằm êm đềm bên dòng sông Tiền, du khách đến Mekong Riverside Boutique Resort & Spa (thành viên Sáng kiến Điểm đến...

Liên kết du lịch giữa TPHCM và ĐBSCL: Cần sản phẩm...

0
(SGTT) – Thời gian qua, các hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL đã đi...

Phát triển du lịch địa phương cần dựa vào ‘sắc màu...

0
(SGTT) – Ngoài yếu tố tâm linh, đa số các địa phương vùng Tây Nam Bộ, do có nét tương đồng về cảnh quan...

Bức tranh du lịch ‘đất chín rồng’ dần hoàn thiện

0
(SGTT) - “Thời gian tới du khách tìm về vùng đất Cửu Long sẽ đông hơn trước” là chia sẻ từ đại diện một...

Hòa nhịp cuộc sống thương hồ với mô hình thuyền phòng...

0
(SGTT) - Nép mình trong không gian yên ả, thanh bình của miệt vườn Tây Nam bộ, khu nghỉ dưỡng Mekong Silt Ecolodge (thành...

Đưa trẻ đi du lịch về những miền quê

0
(SGTT) - Với mong muốn bảo tồn, phát huy di sản và bản sắc văn hoá Việt Nam, HaiAu Educursions (thuộc Công ty TNHH...

Kết nối