Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Dinh dưỡng mùa dịch: ăn nấm đông cô để tăng sức đề kháng

(SGTTO) - Nấm hương hay còn gọi là nấm đông cô được đánh giá cao nhờ hương vị đậm đà, thơm ngon, cùng với nhiều lợi ích sức khoẻ đa dạng. Các hợp chất trong nấm đông cô có thể giúp cơ thể chống lại ung thư, tăng cường khả năng miễn dịch và hỗ trợ sức khoẻ tim mạch.

Nấm đông cô mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên, vẫn có một số nguy hiểm nhất định liên quan đến nấm đông cô mà người ăn cần lưu ý để đảm bảo an toàn khi dùng loại nấm này.

Thời điểm tốt nhất để thu hoạch nấm đông cô là vào giai đoạn cuối đông hoặc đầu mùa xuân. Khi mua nấm đông cô tươi hãy chọn loại nấm mềm, dẻo, da sẽ bật trở lại khi bạn ấn vào. Bạn nên lưu ý đến các dấu hiệu của chất nhờn hoặc nấm mốc khi mua nấm và nên sử dụng hoặc bảo quản ngay sau khi mua về.
LỢI ÍCH SỨC KHOẺ

Nấm đông cô được xem như một dược phẩm tự nhiên trong y học cổ truyền trong nhiều thế kỷ. Y học hiện đại cũng đã chứng minh được những lợi ích sức khoẻ đầy hứa hẹn của nấm đông cô.

Hỗ trợ miễn dịch

Một chén nấm đông cô nấu chín chứa hàm lượng đồng nhiều hơn lượng đồng cần thiết hằng ngày đối với người trưởng thành. Đồng rất quan trọng đối với hệ thống miễn dịch, hỗ trợ việc sản xuất và các hoạt động của tế bào miễn dịch khác nhau bao gồm tế bào T, bạch cầu trung tính, thực bào, tế bào lympho B, tế bào tiêu diệt tự nhiên và các kháng thể.

Ảnh: selfhacked.com.

Bởi vì không có nhiều hàm lượng đồng được lưu trữ trong cơ thể nên có một nguồn thực phẩm như nấm đông cô cung cấp đồng sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt.

Tăng cường sức khoẻ tim mạch

Beta-glucan (một loại chất xơ hoà tan) trong nấm đông cô rất hữu ích trong việc giảm cholesterol. Nấm đông cô là một loại thực phẩm tốt cho tim mạch nhờ chứa ít natri và hoàn toàn không chứa chất béo bão hoà, có thể được sử dụng để thay thế cho các loại thịt chế biến sẵn. Hàm lượng kali trong nấm đông cô cũng có lợi cho việc giảm huyết áp.

Tăng dinh dưỡng cho những người ăn chay

Nấm đông cô cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết giúp ngăn ngừa sự thiếu hụt chất ở những người ăn chay. Ví dụ, kẽm là chất dinh dưỡng thường có trong các loại thịt đỏ, thịt gia cầm, và hải sản.

Mỗi ngày cơ thể cần khoảng 8-11mg kẽm. Nấm đông cô là nguồn cung cấp kẽm thay thế rất tốt, một chén nấm đông cô nấu chín có gần 2mg kẽm.

Ảnh: taste.com.au.
Giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt

Một nghiên cứu vào năm ngoái quan sát hơn 36.000 nam giới ở Nhật Bản trong độ tuổi từ 40-79 đã tìm thấy mối tương quan giữa tiêu thụ nấm và việc giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Các nhà nghiên cứu cho rằng mối liên hệ với ergothioneine – một chất chống oxy hoá trong các loại nấm như nấm đông cô, nấm bào ngư, nấm sò, nấm khiêu vũ có thể làm giảm ứng kích oxy hoá.

Giúp ngăn ngừa viêm nướu

Viêm nướu là một bệnh lý răng miệng gây ra bởi sự tích tụ mảng bám và các vi khuẩn xấu. Các loại vi khuẩn này làm hư hỏng các mô nướu và có thể dẫn đến các vấn đề lớn hơn bao gồm bệnh nha chu. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chiết xuất nấm đông cô có khả năng làm giảm các vi khuẩn xấu trong khi vẫn giữ lại các lợi khuẩn trong miệng.

Ảnh: lowcarbingasian.com
TÁC DỤNG PHỤ

Ăn nấm đông cô sống có thể dẫn đến viêm da. Có một chất độc hại trong nấm đông cô sống gọi là lentinan có thể gây phát ban ở một số người, những phản ứng này có thể tự hết sau khoảng một tuần hoặc lâu hơn. Bạn nên đề phòng trường hợp này bằng cách nấu chín nấm đông cô trước khi ăn.

K.P.

Tổng hợp theo Healthline và Very Well Fit

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối