Thứ hai, Tháng mười hai 16, 2024

Đến lượt phim nội cần sự giải cứu

Những năm gần đây, cụm từ “giải cứu” liên tục được nhắc đến mỗi khi nông dân không tìm được đầu ra cho dưa hấu, thịt lợn, cà chua... Nhưng nay, ngay cả phim ảnh cũng vất vả đi cầu “giải cứu”. Sự kiện Lật mặt 3 và 100 ngày bên em lảo đảo trong phòng vé vì sức đè quá lớn của bom tấn Avengers: Infinity war đã chính thức khơi mào cho cuộc chiến giữa nhóm muốn bảo hộ “hàng nội” và nhóm “thuận theo chọn lọc tự nhiên”.

Tránh voi chẳng xấu mặt nào

Theo thông cáo của nhà phát hành, sau năm ngày đầu công chiếu, Avengers: Infinity war đã thu 100 tỉ đồng với 1,2 triệu vé bán ra, phá kỷ lục của Kong: Skull Island trước đó. “Trót lỡ” ra rạp trùng hoặc chệch ít ngày so với “bom tấn”, Lật mặt 3 và 100 ngày bên em rớt hạng thê thảm, đến nỗi không ít người kêu gọi sự “giải cứu” cho phim Việt. Vậy nhưng, Nhắm mắt thấy mùa hè – một phim Việt 90% quay tại Nhật Bản lại “chịu chơi” khi dời lịch ra mắt từ 1-6 lên 25-5, trùng ngày với Solo: A Star Wars Story. Đây được xem là một bước đi liều lĩnh với một phim độc lập đầu tay và không hề bom tấn. Ê kíp Nhắm mắt thấy mùa hè rất tự tin bởi phản hồi sau công chiếu tại Nhật và tung teaser tại Việt Nam là rất tốt dù không ít người cảm thấy lo lắng thay cho họ.

Nhiều năm gần đây, phim Việt đã có sự khởi sắc với những phim tương đối tử tế, chỉn chu về hình ảnh, âm thanh kịch bản, diễn xuất như Em chưa 18, Em là bà nội của anh, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh… Dẫu vậy, số lượng phim tốt còn quá ít ỏi so với những phim mắc nhiều sạn trong đó, nội dung kịch bản và diễn xuất là hai điểm trừ lớn với hầu hết phim rạp của Việt Nam. Có phim bối cảnh đẹp, quay khá nhưng lại hỏng diễn xuất như Lôi báo. Có phim kịch bản hay, diễn xuất tốt nhưng thoại nhạt như nước ốc: Đảo của dân ngụ cư... Sự chặt chẽ trong 1–2 tiếng phim hầu như chưa được các đạo diễn, biên kịch xử lý tốt. Nên khi ra khỏi rạp, vẫn là những cái chép miệng, giá mà thế này, thế kia...

Thái Linh (quận 3, TPHCM) cho biết: “Mình chọn xem Avengers: Infinity war trước. Giữa một người đã từng nấu ăn ngon, và một người nấu khi ngon khi dở, chắc chắn bạn sẽ chọn người thứ nhất rồi. Dù họ có thể không còn phong độ, nhưng tỉ lệ thất vọng, bực mình, tiếc tiền thấp hơn nhiều.”

Cùng quan điểm, Tuấn Anh (SV ĐH Kinh doanh và công nghệ) cho rằng: “Không thể cứ tính toán, làm việc không bằng người ta, rồi lại đi cầu thương hại được. Muốn khẳng định bản thân mà gặp khó đã đòi cứu thì hỏng rồi, đừng đổ khán giả sính ngoại nữa”.

Nhiều người cho rằng các nhà sản xuất phim Việt Nam hoàn toàn có thể nhìn ra trước khi lên kế hoạch phát hành, vì Avengers: Infinity war quảng cáo rất rầm rộ trước đó cả năm. Trong lúc chờ đợi đủ sức đối đầu với kẻ mạnh, tránh voi chẳng xấu mặt nào không phải là hèn nhát, mà ngược lại, “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Nhưng nếu mùa hè là truyền thống đổ bộ của hàng loạt bom tấn, thì biết tránh làm sao?

Bảo hộ cho nền điện ảnh

Những năm 90 của thế kỷ trước, Hàn Quốc, Nhật Bản đã có chính sách riêng để bảo hộ cho nền điện ảnh nước nhà. Họ quy định thành luật hẳn hoi ví dụ như số lượng ngày tối thiểu chiếu phim nội địa trong rạp, dời lịch chiếu “bom tấn” của nước ngoài để ưu tiên điện ảnh trong nước, quy định về mức đầu tư, lợi nhuận… có lợi cho nhà làm phim nước mình. Từ đó giúp họ dần dần mà phát triển. Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cũng nên học theo nước bạn để hỗ trợ các nhà làm phim nói riêng, nghệ thuật nói chung tiến bước. Ngoài ra, các hệ thống rạp cũng cần giúp đỡ phim nội địa bằng cách giảm giá vé, có ưu đãi hấp dẫn cũng như ưu tiên suất chiếu vàng…

Thế nhưng, điều đáng bàn ở đây không chỉ là tầm nhìn và mức độ đầu tư xứng đáng để phát triển văn hóa của nước bạn mà còn là sự ủng hộ vô cùng lớn của người dân. Chắc chắn ở thời kỳ đầu, phim của Nhật Bản cũng có những sản phẩm dở tệ, phim Hàn cũng không hơn khi va vấp những diễn viên không biết diễn xuất là gì. Nhưng từ luật của nhà nước, chính sách riêng của từng công ty, dịch vụ điện ảnh cho đến sự ủng hộ tích cực của cộng đồng đã khiến cho chỉ trong thời gian ngắn, điện ảnh của họ phát triển vượt bậc, ảnh hưởng tầm châu lục và bắt đầu nhìn về Hollywood. Trong khi chúng ta cũng có chừng đó thời gian, nhưng lại vô cùng ì ạch.

Nhìn xa hơn, khi người Hàn Quốc bắt đầu phát triển công nghệ, Samsung chắc hẳn chưa có được những chiếc điện thoại tinh xảo như bây giờ. Hiện tại, điện thoại của hãng này vẫn chưa đánh bại được ông lớn như Apple trong thị trường châu Á. Nhưng ở bất kỳ bộ phim nào của Hàn Quốc, khán giả cũng đều thấy điện thoại Samsung ở đó. Còn ở Việt Nam, Bphone vừa ra mắt đã “ăn” ngay một đống gạch đá. Công nghệ còn như vậy, nói gì tới lĩnh vực nhạy cảm như nghệ thuật. Liệu chế độ bảo hộ có phải là thuốc giải thần kỳ cho điện ảnh Việt? Có bảo hộ rồi, liệu khán giả Việt Nam có hậu thuẫn cho phim của nước mình? Đã đến lúc muốn phim Việt Nam đi xa hơn, điều tiên quyết là chúng ta phải đi cùng nhau thay vì đổ lỗi rồi hô hào “giải cứu”…

Sau Avengers: Infinity war sẽ là một loạt bom tấn khác chuẩn bị chiếm lĩnh hệ thống rạp toàn cầu như Solo: A Star Wars Story – Chiến tranh giữa các vì sao (25-5), Oceans Eleven (15-6), Jurassic World: Fallen Kingdom (22-6), Ant man and the Wasp (29-6).

Hà Bi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối