Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Để con sử dụng mạng xã hội an toàn

Cẩm Anh -

Trẻ sớm tiếp xúc mạng xã hội có thể tiềm ẩn nguy cơ nếu sử dụng không hợp lý. Các chuyên gia tâm lý giáo dục khuyến cáo cha mẹ cần có sự giám sát và hướng dẫn, bảo vệ các em khi sử dụng mạng xã hội.

Cha mẹ không giám sát được con

Một số phụ huynh cho biết, không ít lần họ thường cho con cái tự do truy cập Internet để đổi lấy sự yên tĩnh và rảnh rang cho chính mình. Bên cạnh đó, nhiều em được cha mẹ trang bị điện thoại để tiện liên lạc, đây cũng là công cụ để các em truy cập Internet và mạng xã hội. Đặc biệt, lứa tuổi mới lớn hay tò mò, muốn khám phá nhiều thứ, trong khi đó bố mẹ lại phải đi làm, không có nhiều thời gian cho con.

Chị Ngọc, nhà ở quận 10, TPHCM, chia sẻ chuyện con trai mình mới 11 tuổi nhưng đã có tài khoản Facebook và danh sách bạn bè khá nhiều người. Chị nhận thấy con rất quan tâm các trang của thần tượng âm nhạc và liên tục xem clip trình diễn của các ca sĩ trẻ. Chị nói: “Có lần tôi thấy máy tính bảng của cháu cứ thông báo tin nhắn liên tục, hỏi thì cháu nói bạn bè trong lớp tán gẫu và họp nhóm hỏi bài. Có lần tôi đã cấm con sử dụng mạng xã hội, tuy nhiên, lần sau vẫn bắt gặp con vô Facebook”.

Cha mẹ cần có những biện pháp bảo vệ an toàn khi cho trẻ sử dụng mạng xã hội.

Tương tự, chị Linh, nhà ở quận 9, có con gái 14 tuổi rất hay xem các clip hướng dẫn trang điểm trên Youtube và Facebook. Chị cho biết, cháu còn xin tiền mẹ để mua son phấn để trang điểm giống với người mẫu trong các clip. Đồng thời, chị còn phát hiện cháu hay trò chuyện trên mạng với một thanh niên lớn hơn bốn tuổi và cách xưng hô cùng nội dung cuộc nói chuyện làm chị lo ngại. “Lần mò trong album ảnh, tôi còn thấy những hình ảnh cháu chụp chung với bạn trai ở nhiều nơi. Sau đợt đó tôi đã bắt cháu xóa những hình ảnh đó và khóa Facebook nhưng vẫn còn khá lo lắng, sợ cháu lén dùng”, chị nói.

Trao đổi về vấn đề này, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên trường Đại học Sư phạm TPHCM chia sẻ, việc cho trẻ tiếp xúc sớm với mạng xã hội có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do thiếu kỹ năng quản lý của các bậc phụ huynh. Nhiều trẻ nhỏ đã được bố mẹ cho mượn máy tính bảng, điện thoại di động… khi không có người trông nom.

Mạng Internet bên cạnh tác dụng hỗ trợ việc học nhưng lâu dần trẻ sẽ phụ thuộc vào nó. Khi thông tin cá nhân của trẻ như chỗ ở, tên trường học, địa điểm hay đến… được công khai thì kẻ xấu cũng có thể lợi dụng thực hiện các hành vi phạm pháp. Vì vậy theo bà Huyền, người lớn có thể dễ dàng nhận thức tốt xấu nhưng có khi vẫn bị lừa qua mạng, đối với một đứa trẻ thì thật khó có thể nhận ra được.

Những mối nguy hại

Thạc sĩ Huyền khuyến cáo, khi trẻ tiếp xúc với mạng xã hội quá sớm cũng là một mối nguy hiểm cho các em về cả tinh thần và thể xác. Cụ thể, trẻ có thể vì nghiện Internet mà ăn uống không đúng bữa, thức khuya để lướt mạng xã hội khiến trẻ thường xuyên thấy mệt mỏi, có thể đau bao tử… Bên cạnh đó, khi trẻ ngồi chơi điện thoại hay máy tính, ánh sáng từ màn hình cũng gây ảnh hưởng đến thị lực.

Ngoài ra, trên mạng còn có những clip nội dung gây lo ngại như trường hợp một nữ sinh 14 tuổi đã đăng tải lên Facebook cảnh dùng lưỡi lam rạch cánh tay sau khi chia tay người yêu, cảnh điệu nhảy phản cảm của hai đứa trẻ… Những hình ảnh này có thể khiến trẻ làm theo, gây tổn thương tâm lý, thân thể.

Bên cạnh đó, một số trẻ em còn tham gia mạng xã hội để bình luận trạng thái của bạn bè và rất có thể xảy ra mâu thuẫn, thậm chí đánh nhau chỉ vì hiểu lầm khi đọc những bình luận quá lời về mình. Mạng xã hội có thể sẽ làm ảnh hưởng về mặt tinh thần và nhận thức của trẻ.

Cần sự quản lý của gia đình và nhà trường

Theo bà Huyền, các bậc phụ huynh không nên chiều chuộng con quá mức khi cho trẻ dùng điện thoại hay máy tính trong khi không quản lý được con. Còn nếu đã cho trẻ sử dụng, cha mẹ nên dành nhiều thời gian cho con cái hơn, quan tâm và xem xét trên mạng trẻ biểu hiện thế nào, quen biết những ai, bên cạnh đó phải đưa ra quy định thời gian sử dụng. Theo đó, cha mẹ có thể hạn chế cho trẻ truy cập các trang mạng hoặc các trò chơi điện tử không lành mạnh. Cha mẹ nên đặt quy định cho trẻ: không tiết lộ thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của cha mẹ, không hẹn hò trên mạng, không gửi ảnh cá nhân cho người lạ, không tiết lộ mật khẩu và tài khoản mạng…

Rất khó để bắt các em không sử dụng mạng xã hội, vì vậy gia đình và nhà trường cần phối hợp trong việc giáo dục, để các em biết cách sử dụng hợp lý. Gia đình và nhà trường nên hướng trẻ sử dụng Internet để hỗ trợ học tập, giao lưu tích cực với thầy cô, bạn bè và người thân.

Trong đó, cha mẹ sẽ là người giám sát, quản lý chính còn nhà trường là nơi đề ra những nội quy, quy định những điều cần làm và không được làm. Để làm được tốt việc này cha mẹ cần tế nhị và là người bạn biết chia sẻ cùng con.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên khuyến khích các em đăng ký tham gia các lớp kỹ năng sống, học năng khiếu theo sở thích, tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ. Nhà trường nên tổ chức các hoạt động ngoài trời, tuyên truyền cho trẻ về việc nghiện mạng xã hội. Từ sự quản lý của gia đình và nhà trường như vậy, trẻ có thể sẽ hạn chế việc “nghiện” mạng xã hội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối