Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Đầu bếp Nguyễn Văn Thức – hành trình trở thành chuyên gia các món quay, nướng

(SGTT) – Với 16 năm kinh nghiệm trong nghề bếp, đầu bếp Nguyễn Văn Thức đã gìn giữ các món ăn cổ truyền Việt Nam bằng cách truyền nghề cho nhiều đầu bếp và những người đam mê ẩm thực trên mọi miền đất nước.

Đầu bếp Nguyễn Văn Thức nổi tiếng trong giới ẩm thực Việt với các món đồng quê và ẩm thực vùng miền của Việt Nam, đặc biệt là các món quay nướng và bê thui được anh chế biến mang thương hiệu riêng của mình. Để đạt được thành công như ngày hôm nay là nhờ vào sự siêng năng, kiên trì, chịu khó và cả niềm đam mê ẩm thực đã “tiếp lửa” cho anh vượt qua mọi khó khăn và đứng vững với nghề.

Không ngừng học hỏi, kiên trì với đam mê

Anh Nguyễn Văn Thức sinh năm 1988, quê ở xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Có niềm đam mê với bếp núc từ nhỏ nên khi lớn lên anh quyết định theo nghề bếp. Cuối năm 2008, anh bắt đầu bước vào nghề đầu bếp khi làm phụ bếp tại nhà hàng Linh Chi, Hà Nội trong hơn hai năm. Để nâng cao tay nghề và được học một cách bài bản, anh vừa đi làm vừa đi học tại trường Trung cấp Nghề Du lịch Hà Nội.

Những gì anh học ở trường khác nhiều với anh học trong căn bếp. Khi làm việc ở nhà hàng, anh học kinh nghiệm thực tế, hiểu môi trường làm việc trong bếp là như thế nào, gồm những công việc gì. Tuy nhiên, cách học nghề này theo hướng “cầm tay chỉ việc”, anh chỉ học được công việc cụ thể tại nhà hàng. Khi học ở trường nghề, anh học nhiều kiến thức căn bản, cách cầm dao, xóc chảo, hiểu từng loại nguyên liệu, vệ sinh thực phẩm…

Có tinh thần cầu tiến, anh Văn Thức luôn tìm hiểu, học hỏi thêm nhiều kiến thức ẩm thực mới. Trong năm 2009, anh tham gia khóa học về bê thui tại tỉnh Quảng Nam và dê quay tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Heo quay do đầu bếp Văn Thức chế biến. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Công việc của anh cũng thay đổi trong khoảng thời gian này. Năm 2010 – 2012, anh làm việc tại nhà hàng Opera, tỉnh Thái Nguyên. Năm 2013 – 2015, anh làm tại nhà hàng Hoàng Lan, tỉnh Thái Nguyên.

Năm 2016 là cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của anh Văn Thức. Lần đầu tiên, anh làm quen với công việc kinh doanh khi mở nhà hàng tại thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên với thực đơn là các món đồng quê và lẩu. Đến năm 2018, anh ngừng kinh doanh nhà hàng do chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý nhà hàng và nhân sự.

Trở thành chuyên gia về các món quay nướng, bê thui, heo quay, dê quay…

Không chỉ làm bếp, thỉnh thoảng anh cũng dạy nấu ăn theo lời giới thiệu của những người bạn cùng nghề. Trong năm 2018, anh nhận lời mời sang Trung Quốc để dạy cách nấu món phở cho các chủ đầu tư người Việt và người Hoa.

Năm 2019, anh quay trở lại Trung Quốc để học về các món quay nướng, được xem là một trong những món đặc sản của ẩm thực nước này. Người Hoa ăn cay và thích dầu mỡ, để phù hợp với khẩu vị và sở thích của người Việt, anh đã thay đổi gia vị để tạo nên món quay nướng mang phong cách riêng của mình. Các món quay nướng có hương vị đặc trưng do anh kết hợp một cách sáng tạo các gia vị của Trung Quốc và gia vị miền Tây Bắc Việt Nam.

Khi trở về nước, anh làm việc tại chuỗi nhà hàng Beer Roxa, Hà Nội một thời gian và nghỉ việc vào năm 2020.

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ngành ẩm thực bị nhiều ảnh hưởng nhưng anh Văn Thức lại rất bận rộn. Trong thời gian nghỉ vì dịch bệnh, anh mở lớp dạy nâng cao cho các đầu bếp về các món quay nướng và chia sẻ kiến thức về nghề. Sau một thời gian, anh nhận thấy công việc giảng dạy rất có ý nghĩa và hợp với sở thích của bản thân, vừa có thể chia sẻ những điều bổ ích cho anh em trong nghề vừa mang lại thu nhập nên anh quyết định theo đuổi con đường này. Hiện tại anh đang mở các khóa học về ẩm thực tại nhà và ở các nhà hàng nếu khách yêu cầu.

Với kinh nghiệm của mình, anh Văn Thức đã dần tạo nên nhiều cơ hội cho các bạn trẻ, người có ý định kinh doanh hàng quán thêm sự thành công. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tiếng lành đồn xa, học viên theo học các lớp của anh rất đông đến từ ba miền Bắc, Trung, Nam. Anh chia sẻ “Niềm vui của người giảng dạy là nhìn thấy học trò của mình thành công. Nhiều người trong số các học viên của tôi đã áp dụng những món tôi dạy vào thực đơn của nhà hàng, được nhiều thực khách ủng hộ và đã có nguồn thu nhập ổn định từ việc kinh doanh”.

Ngoài các món quay nướng, món bê thui của anh Văn Thức cũng rất nổi tiếng, được các chủ đầu tư đưa vào món chính trong thực đơn nhà hàng. Món bê thui mang thương hiệu của đầu bếp Văn Thức có điểm đặc trưng ở phần thịt hồng, mềm, ngọt, ăn kèm với nước chấm mắm nêm của Quảng Nam, đượm mùi thơm của trái thơm ngọt từ mắm, cuốn với rau rừng chuối chát, ớt xanh có vị cay tê lưỡi.

Thịt bê thui do anh Văn Thức chế biến được cộng đồng ẩm thực đánh gia cao, các học viên của anh kinh doanh bê thui cũng gặp nhiều thuận lợi trong buôn bán. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong lúc dịch bệnh vẫn tiếp diễn, anh tiếp tục học thêm nhiều kinh nghiệm chế biến món ăn. Anh tự hỏi làm sao xử lý được số lượng thịt dư vì nếu để sang hôm sau thịt sẽ mất ngon. Để tìm lời giải đáp anh đã theo học các món đặc trưng của vùng Tây Bắc như thịt trâu, thịt heo gác bếp của người dân huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.

Truyền lửa cho các thế hệ đầu bếp trẻ

Trong nhiều năm theo nghề, anh đã học được nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu từ các thầy cô, các anh chị đi trước. Và nay anh muốn truyền lại những gì anh đã lĩnh hội cho các thế hệ trẻ yêu nghề bếp và đang theo đuổi nghề này.

Từ khi theo con đường giảng dạy, anh Văn Thức đã đi khắp mọi miền của đất nước. Những nơi anh đi qua có thể kể đến như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Yên Bái, Quảng Ninh, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM…

Đặc biệt, anh còn được các chi hội đầu bếp chuyên nghiệp các tỉnh, thành mời tham gia hướng dẫn, trình diễn món ăn cho các bạn hội viên và sinh viên yêu thích ẩm thực. Mới gần đây nhất là buổi bồi dưỡng kiến thức ẩm thực tháng 6-2022 do Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Bình Dương tổ chức và mời anh về trình diễn món dê quay đặc sắc.

Đầu bếp Văn Thức trình diễn món dê quay trong buổi bồi dưỡng ẩm thực do Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Bình Dương tổ chức. Ảnh: Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Bình Dương

Anh nhận xét rằng “Với sự phát triển về công nghệ và các trang mạng xã hội, các bạn trẻ hiện nay có nhiều lợi thế hơn thời của tôi trong việc học hỏi, chia sẻ kiến thức. Tuy nhiên, các bạn lại có nhược điểm là sợ vất vả, không chịu được áp lực nên không đam mê với nghề bếp, không chọn theo đuổi nghề này mà quên rằng nghề bếp cũng có nhiều ưu điểm”.

Qua công việc giảng dạy, anh muốn chia sẻ với các đầu bếp trẻ rằng hiện nay nghề bếp là một nghề rất có tiềm năng phát triển, các bạn trẻ hãy cố gắng nâng cao tay nghề, đam mê với nghề hơn nữa và luôn mang tinh thần giữ gìn các món ăn cổ truyền và nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của Việt Nam.

Thực hiện ước mơ còn dang dở

Mặc dù không thành công khi tự kinh doanh nhưng đầu bếp Văn Thức vẫn không bỏ cuộc, anh dự định sẽ mở lại nhà hàng vào năm 2023.

Anh cho biết “Khi người đầu bếp kinh doanh nhà hàng thường không có kinh nghiệm về quản lý và cách dùng nhân sự. Trong thời gian đi dạy, tôi có cơ hội gặp gỡ các chủ đầu tư và học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm của họ về cách vận hành, quản lý nhà hàng. Đến nay tôi đã rút ra nhiều bài học cho mình và tự tin khi trở lại với công việc kinh doanh”.

Theo anh chia sẻ, thực đơn của nhà hàng vẫn là các món ăn đồng quê của ba miền. Điều đặc biệt ở đây là thực khách dù bình dân hay cao cấp đều có thể đến nhà hàng để thưởng thức những món ăn ngon của anh. Anh muốn những người có thu nhập thấp vẫn có thể gọi món lẩu ếch bình dân hay những người thu nhập cao có thể dùng bữa với món ba ba đắt tiền ngay tại nhà hàng.

Sau kế hoạch mở lại nhà hàng, ước muốn kế tiếp của anh là phát triển một chuỗi các quầy quay nướng ở cả ba miền đất nước.

Quỳnh Châu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nữ đầu bếp người Nigeria và hành trình ‘hái sao’ Michelin...

0
(SGTT) – Mang triết lý ẩm thực Tây Phi ứng dụng vào nhà hàng Chishuru ở giữa lòng thành phố Luân Đôn (Anh Quốc),...

Nghe đầu bếp nữ kể chuyện nghề nhân ngày Quốc tế...

0
(SGTT) - Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trò chuyện với một số nữ đầu bếp...

Gặp gỡ bếp trưởng người Việt của tập toàn đa quốc...

0
(SGTT) – Kinh qua nhiều vị trí trong ngành bếp hơn 20 năm, đầu bếp Trịnh Minh Thành vẫn nhớ ngày đầu khó khăn...

Chuyên gia ẩm thực Pháp và câu chuyện ‘nước mắm chai...

0
(SGTT) - Benoît Chaigneau, chuyên gia ẩm thực Pháp, người sáng lập ra thương hiệu “nước mắm chú Ben”, đã có buổi trò chuyện...

Nghệ nhân Kiều Oanh với khao khát đưa cờ Việt Nam...

0
(SGTT) - Tình yêu với bánh đã đưa Nghệ nhân Ẩm thực Lê Thị Kiều Oanh chinh phục những thành tựu trong nghề bếp....

Giảng viên Ngô Đình Trưởng: Người ‘thổi hồn’ cho những chiếc...

0
(SGTT) – “Mỗi chiếc bánh kem là một nghệ thuật, người làm bánh cũng như nghệ sĩ. Vậy nên mỗi khi đặt tay làm...

Kết nối