(SGTT) - Theo nghề bếp được 10 năm, đầu bếp Phạm Quy đã có những thành công trong công việc. Anh đã mở nhà hàng mang thương hiệu riêng để quảng bá các món ngon của xứ Huế, quê hương anh và những điều anh muốn làm vẫn còn nhiều nữa…
- Đầu bếp Nguyễn Văn Phước: "Nhất định thành công trong nghề bếp"
- Đầu bếp Nguyễn Hải Phương: Tuổi thơ khoai mì độn và hành trình trở thành bếp trưởng
- 10 đầu bếp nổi tiếng thế giới năm 2022
Anh Phạm Quy, sinh năm 1995, quê ở Huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngay từ khi còn nhỏ, anh đã thích việc bếp núc. Đến khi trưởng thành, niềm đam mê lớn dần lên nhưng anh vẫn chưa có ý định theo nghề.
Duyên nghề đến từ niềm đam mê
Năm 2007, anh vào TPHCM học nghề thợ cắt trong hai tháng. Được người quen giới thiệu con đường làm ăn, anh qua Campuchia làm việc với mức lương so với lúc bấy giờ là khá cao (600 đô la Mỹ/tháng). Sau hơn nửa năm đi làm xa, anh nhận ra công việc này không phù hợp và thấy nhớ niềm đam mê thuở nhỏ của mình. Anh đã quyết định về lại Huế để chọn con đường nghề đúng đắn mà đáng lẽ anh phải chọn từ lúc đầu: đó là nghề bếp.
Thời điểm đó anh Phạm Quy đã tìm đến vài nơi xin được học việc nhưng không chỗ nào nhận, lúc đó anh lại không quen ai làm đầu bếp. Tình cờ anh biết được một chị ở chung xóm cũng là đầu bếp, và chị giới thiệu anh đến làm tại nhà hàng Gỗ ở đường Tố Hữu năm 2008. Nơi đây đồng ý nhận anh vào học việc không lương.
Những ngày đầu tiên bước chân vào căn bếp thật nhiều bỡ ngỡ và lạ lẫm. Anh kể lại “Tôi còn nhớ thời tiết lúc đó là vào mùa Đông lạnh giá và công việc đầu tiên của tôi là rửa rau, bóc hành, tỏi, dọn dẹp bếp… Do chưa quen việc bếp núc, những ngày đầu tập cầm dao thật khó quên, tôi cắt đứt tay không chừa ngón nào cả. Nghề bếp có nhiều khó khăn, vất vả lắm. Có lúc tôi cũng chán nản nhưng vì tình yêu với nghề đã giúp tôi trụ lại được đến ngày hôm nay. Chính niềm đam mê với bếp lửa đã trở thành động lực cho tôi vượt qua tất cả”.
Không chỉ yêu nghề, anh còn siêng năng và chịu khó học hỏi. Mỗi buổi tối trở về sau một ngày làm việc ở nhà hàng, anh mở sổ ra ghi chép lại những gì đã học được trong ngày, rồi lên mạng xem các chương trình về ẩm thực, học được kiến thức mới lại ghi vào sổ.
Làm việc được một thời gian và bắt đầu quen việc, anh được người quản lý bếp đề xuất cho hưởng lương 1,5 triệu đồng/tháng.
Sau khi làm ở nhiều vị trí, anh nắm được các kỹ thuật sơ chế thực phẩm từ đơn giản đến phức tạp nhất. Với những kỹ năng này, anh tự tin và vững nghề hơn khi làm ở nhiều môi trường khác nhau. Trong số nhà hàng mà anh đã từng làm nghề bếp, nơi anh gắn bó lâu nhất là nhà hàng Phu Thiên từ năm 2012 đến năm 2017. Đây cũng là nơi anh từ một người phụ bếp chính được cất nhắc lên nấu chính và đạt nhiều thành công hơn sau đó. Năm 2019, anh Phạm Quy đã trở thành bếp trưởng của nhà hàng Xích lô beer và BUP Airlines Huế.
Trở thành đầu bếp chuyên món Huế
Là người con xứ Huế, anh Phạm Quy đã chọn theo đuổi ẩm thực địa phương vốn nổi tiếng với ẩm thực cung đình và các món đặc sản phong phú, đa dạng. Theo anh, nhắc đến ẩm thực cung đình Việt Nam không thể bỏ qua những món sơn hào hải vị xứ Huế để tiến vua. Nguyên liệu chính của bữa ngự thiện cũng từ ẩm thực trong dân gian được chế biến tỉ mỉ và được trình bày cầu kỳ, nhưng vẫn giữ được hương vị thanh tao, tinh khiết với nhiều tác dụng bồi bổ cho cơ thể.
Ẩm thực cung đình Huế nổi tiếng gần xa với hai món nem công và chả phượng được chế biến và trang trí rất công phu qua bàn tay của người đầu bếp tài hoa.
Không chỉ có những món cao sang, ẩm thực Huế còn nổi tiếng với những món đặc sản hay những món đời thường trong đời sống hằng ngày. Bữa cơm gia đình của người dân xứ Huế không thể thiếu món thịt luộc, dưa giá, tôm chua. Ngoài ra, đặc sản xứ Huế không chỉ có món bún bò, bánh Huế mà còn nhiều món phong phú và đa dạng gồm có cá bớp kho thơm với ớt xanh, cá bống kho khô, rau dền luộc chấm nước ruốc, gỏi trái vả trộn tôm thịt, thịt kho măng tre, dưa môn xào ba chỉ, canh cua đồng nấu rau, canh chua cá lóc…
Anh Quy chia sẻ “Khẩu vị đặc trưng của người Huế là cay, mặn, chát. Người Huế ăn cay không ai bằng. Họ thường ăn loại ớt cao sản rất cay. Cách nấu của người Huế cũng rất tỉ mỉ như khi làm món cá kho, thịt kho phải để lửa riu riu đến khi thịt rạc lại”.
Mở nhà hàng tự kinh doanh
Sau một thời gian lăn lộn với nghề, anh đã mở một nhà hàng tiệc cưới Bi Út cho riêng mình vào năm 2018. Khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra, anh cũng mở thêm một quán bánh canh riêu cua. Ngoài ra, quán còn bán các món đặc sản như gà tần bí đỏ, súp bào ngư, cua hầm bí đao, giò heo nấu thấu.
Anh chia sẻ “Khi tự kinh doanh, tôi lo lắng rất nhiều vì cảm thấy bỡ ngỡ nhiều thứ. Lúc tôi đi làm thuê, tôi chỉ biết nấu thôi, còn bây giờ tôi phải biết sắp xếp thời gian, tính toán mọi chi phí, tìm nguyên liệu thực phẩm sao cho tươi ngon, luôn thay đổi thực đơn đa dạng hơn”.
Hiện nay, công việc kinh doanh của anh đã ổn định. Chính từ những lời khen, sự tin tưởng của khách hàng đã trở thành động lực để anh vượt qua mọi khó khăn. Thêm vào đó tình yêu với nghề bếp và sự quyết tâm theo đuổi nghề đã giúp anh trưởng thành hơn, càng ngày càng làm ra nhiều món ăn chất lượng, đẹp mắt hơn. Sắp tới, anh dự tính sẽ mở thêm một nhà hàng mang tên mình với đặc trưng là các món ăn đặc sản ba miền.
Quan niệm “Làm bếp phải có tâm”
Để có được ngày hôm nay, anh Phạm Quy không quên những người thầy, những người anh trong nghề đã chỉ dẫn, đào tạo cho mình.
Ngay từ khi anh mới chập chững vào nghề bếp, thầy Nguyễn Quyết Thắng, giảng viên trường Cao đẳng Du lịch Huế, là người thầy đầu tiên dìu dắt, truyền cảm hứng và tình yêu bếp lửa cho anh.
Anh cho biết “Đến bây giờ tôi vẫn nhớ mãi câu nói của thầy khi tôi mới vào học rằng điều quan trọng khi làm nghề bếp là phải có tâm. Câu nói này như kim chỉ nam hướng tôi theo nghề và là hành trang tôi luôn mang theo trên suốt con đường nghề. Tôi cũng rất biết ơn nhiều anh chị đầu bếp cũng như những người ngoài nghề đã giúp đỡ từ khi không biết cho đến khi tôi có được như ngày hôm nay”.
Anh Phạm Quy quan niệm rằng không có con đường nào trải đầy hoa hồng và anh cũng không phải là người có tài năng thiên phú. Vì Vậy, anh luôn tự dặn bản thân không ngừng học hỏi thêm nhiều kiến thức và nâng cao tay nghề để theo kịp với sự phát triển của thời đại.
Thấm thoát anh Phạm Quy đã theo nghề bếp tròn 10 năm. Nhìn lại chặng đường đã qua, anh thấy nghề bếp thật đáng trân trọng vì mỗi món ăn là một sự kỳ công và tâm huyết của người nấu ăn. Người đầu bếp nấu ăn phục vụ thực khách bằng cả trái tim như nấu cho chính bản thân mình ăn.
“Tôi đúc kết lại cho mình một điều là đam mê sẽ tạo nên hạnh phúc và niềm hạnh phúc của tôi là tạo ra những món ăn ngon”, anh quan niệm.
Hiện tại anh đang theo đuổi món Á nhằm đúc kết lại những tinh hoa hương vị của Huế xưa và nâng món ăn lên một tầm mới. Ngoài ra, anh mong muốn ở Huế sẽ thành lập Chi hội đầu bếp chuyên nghiệp để các đầu bếp xứ Huế có cơ hội chia sẻ, học hỏi với nhau và tạo sân chơi để anh truyền cảm hứng nghề bếp lại cho các bạn trẻ có chung niềm đam mê.
Quỳnh Châu