Thứ hai, Tháng mười hai 16, 2024

Đầu bếp Nguyễn Văn Phước: “Nhất định thành công trong nghề bếp”

(SGTT) - Đầu bếp Nguyễn Văn Phước, 25 tuổi, hiện đang là bếp trưởng điều hành tại Nhà hàng lẩu nướng Sisters, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang chia sẻ về hành trình gắn bó với nghề cùng Sài Gòn Tiếp Thị.

Trước khi làm bếp, anh Phước đã thử nhiều công việc khác nhau như chăn nuôi thủy sản, mở cửa hàng thời trang. Theo đuổi được một thời gian, anh nhận ra những công việc này chưa là nghề nghiệp mà mình gắn bó lâu dài.

Cơ duyên đến với nghề bếp trong một lần người bạn mời về làm chung tại một nhà hàng ở quận 5, TPHCM ở bước chập chững đầu tiên trong nghề – vị trí phụ bếp. “Thời gian đầu công việc của tôi chỉ là bưng bê, lau dọn quán ăn. Nhưng nhờ công việc này mà tôi cảm thấy thích thú với cách thức chế biến món của người bếp trưởng. Anh em trong nghề cũng gợi ý cho tôi học nghề bếp, cũng từ đó mà tôi có chí lớn để theo đuổi công việc cho đến bây giở”, anh Phước chia sẻ.

Từ những bước đi chập chững, anh nghiệm lại khoảng thời gian làm bếp ở TPHCM dường như đã ảnh hưởng nhiều đến anh trong việc cảm nhận hương vị khi chế biến. Thế nên, khi về Tiền Giang làm bếp, anh luôn trăn trở về điều chỉnh gia vị sao cho phù hợp với người dân nơi đây.

Anh Phước không ngừng trau dồi kinh nghiệm để có thể tạo nên món ăn ngon, chỉn chu nhất cho thực khách. Ảnh: NVCC

Theo anh, công việc làm bếp thường vất vả, người đầu bếp phải dành hầu hết thời gian cho công việc. Đặc biệt vào dịp cuối tuần hay ngày lễ, anh em trong bếp cần phải làm việc cật lực hơn giờ hết. Không ít lần, gia đình khuyên anh bỏ nghề để chuyển sang công việc khác, nhưng với anh nghề bếp đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

“Tôi làm việc dù vất vả nhưng thấy cảm thấy rất vui. Cảm giác được tự tay chế biến những món ăn ngon đến khách hàng thực sự hạnh phúc. Vậy nên, tôi luôn cố gắng nâng cấp bản thân, trau dồi kinh nghiệm, tìm tòi những công thức nấu ăn sao cho món ăn ngày càng đặc biệt, hấp dẫn hơn”, anh bày tỏ.

Công việc dù còn nhiều khó khăn, thử thách như áp lực về thời gian, sự tỉ mỉ trong công việc, đầu bếp phải luôn trau dồi tay nghề để không bị bỏ lại phía sau, tuy nhiên, anh cho biết, đằng sau những vất vả đó, chắc chắn mình sẽ nhận được nhiều niềm vui vô giá mà nghề bếp mang lại.

“Khách hàng khen món ăn ngon, hấp dẫn là tự nhiên bao nhiêu mệt mỏi xua tan ngay. Tôi thấy vui vì cả tâm huyết của mình được thực khách đón nhận. Càng gắn bó với nghề tôi thấy nghề bếp cao quý, món ăn chính là sự kết tinh giữa bàn tay của người đứng bếp và những sản vật quý giá của tự nhiên”, anh nhấn mạnh.

Trong gian bếp, một đầu bếp không thể nào thành công nếu thiếu yếu tố đồng đội, cùng chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau (anh Phước ngoài cùng bên phải). Ảnh: NVCC

Theo anh Phước, món ăn nào anh cũng yêu thích bởi nó đều chất chứa những tâm tư người nấu gửi gắm vào ngoài độ ngon. Tuy nhiên, một trong những món ăn anh tâm đắc nhất là lẩu Tom Yum. “Khi mọi người nghe đến món lẩu thì nghĩ nó rất bình thường nhưng để nấu được một nồi lẩu Tom Yum chuẩn vị thì không phải đầu bếp nào cũng có thể làm được”, anh Phước chia sẻ.

Công thức để nước dùng đậm đà thơm ngon, anh dùng củ riềng, sả, lá chanh Thái, ớt hiểm đỏ, đặc biệt nhất là khi nấu món lẩu này phải có đầu gạch tôm và thân tôm, sữa tươi và nước cốt dừa để tạo độ béo, ngọt tự nhiên cho nước súp.

“Ngoài lẩu Tom Yum, tôi còn ấn tượng món tôm sốt Thái trứng cá chuồn. Bởi nó có vị chua, cay tựa như cuộc đời người đầu bếp. Từ chính vị chua, cay này mà tạo nên sự đặc biệt cho món ăn”, anh bộc bạch.

Chia sẻ cùng những ai đang có mong muốn gắn bó và theo đuổi con đường đầu bếp chuyên nghiệp, anh Phước cho rằng, công việc này rất vất vả, nhưng nếu bạn đủ yêu nghề và sự ham học hỏi, thành quả công việc sẽ đến với bạn. Nghề bếp mang đến cho con người ta những niềm vui mà không phải ngành nghề nào cũng có được.

Uyển Cầm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối