Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Nữ giám đốc chạy đường mòn như đi chơi, không cố giữ hình ảnh “tiểu thư” ở đời thường

(SGTT) – Ở tuổi 36, chị Trần Hiền luôn sẵn sàng tinh thần cho mọi cuộc đua sức bền ở đường chạy trail (chạy đường mòn). Với chị, chạy bộ không còn là rèn luyện mà chính là lối sống, phương pháp cân bằng cuộc sống rất hiệu quả.

Nữ quần đùi áo thun

Là một giám đốc tại công ty nhập khẩu và phân phối dinh dưỡng thể thao TPHCM, chị Trần Hiền từng có thời gian học tập và sinh sống ở nước ngoài. Chị kể, nhờ ngọn đồi nho nhỏ ở gần nhà, chị đã có cơ hội đánh thức niềm đam mê thể thao, đặc biệt là với môn chạy bộ. “Tôi nhớ gần nhà mình có cái đồi nhỏ với tảng đá ở trên, nhìn từ xa tôi đoán trên này chắc chắn khung cảnh sẽ rất đẹp. Vậy là tôi quyết định khám phá nó. Thời đấy không có xe đạp nên cách duy nhất là đi bộ, để kịp giờ đi học đôi khi cũng phải chạy”, chị tâm sự.

Đạp xe cũng là môn thể thao chị Hiền thường xuyên lựa chọn. Ảnh: NVCC

Khoảng cách từ nhà đến đỉnh núi là 2km, từ khi phát hiện nơi này, chị coi đó là một thế giới riêng ít ai phát hiện được. Cứ sáng sớm, chị dậy 5:30 rồi chạy đến đỉnh núi và quay về chuẩn bị đến trường. Thói quen này được chị duy trì vào năm cuối trung học. Trước đó, chị đã từng thử sức qua nhiều bộ môn khác nhau như trượt tuyết, chèo thuyền, bóng chuyền và sau này là môn gym, bơi lội kết hợp cùng yoga.

Hình ảnh đời thường của chị Hiền. Ảnh: NVCC

Chính sự tổng hòa các môn thể thao này đã giúp chị Hiền giữ được tinh thần chiến đấu cùng cơ thể kịp đáp ứng với đường chạy dù qua nhiều thời gian phải “bỏ nguội” và đứt quãng tập luyện môn chạy bộ.

“Mãi cho đến năm 2018, tôi thấy quảng cáo cho giải Techcombank và tôi đăng ký cự ly 21km. Lúc đó chỉ còn hai tuần thì tới sự kiện, vậy mà tôi cũng may mắn hoàn thành với thời gian 2 giờ 45 phút”, chị nhớ lại kể.

Chị tham gia giải VMM 100km năm 2020. Ảnh: NVCC

Sau giải chạy Techcombank, cơ duyên này đã đưa chị trở lại tập trung cho chạy bộ, vì có sẵn đam mê thích khám phá địa hình và yêu thiên nhiên, chị quyết định chạy địa hình nhiều hơn. Theo chị Hiền, ở TPHCM không có nhiều điều kiện để tập chạy trail vì không có địa thế phù hợp cũng như không có dốc để tập bài bổ trợ cho nhóm cơ đùi. Vì thế, chị và các thành viên trong câu lạc bộ thường chọn đi xa để tập như ở Lâm Đồng hoặc bận quá thì đi núi Dinh, tập chạy thang bộ ở nhà để chuẩn bị thể lực trước chặng đua từ 5-6 tuần.

Chị Hiền trong giải chạy La An 2020. Ảnh: NVCC

Chị Hiền tâm sự, bất kỳ ai khi đến với đường đua sức bền đều gặp những cản trở riêng không kể gì nam hay nữ. “Tôi may mắn tự chủ được thời gian nên dễ sắp xếp hơn nhiều người vướng gia đình, đặc biệt là con nhỏ. Phụ nữ giờ cũng chạy bộ nhiều nhưng cự ly dài thì vẫn còn rất ít, tôi nghĩ ngoài thời gian làm việc thì chạy ultra rất bất tiện để giữ hình ảnh tiểu thư trong khi đó suốt ngày chỉ có quần đùi áo thun, người thì mồ hôi nên cũng không phấn son được. Tôi may mắn làm ở công ty phân phối dinh dưỡng thể thao nên việc mặc áo chạy bộ đi làm cũng không sao”, chị bộc bạch.

Chạy như đi chơi

Một số giải chạy lớn ở Việt Nam chị tham gia có thể kể đến như Vietnam Mountain Marathon với thàch tích về thứ tư nữ cự ly 100km, Vietnam Jungle Marathon về nhất cự ly 70km, La An Ultra Trail về nhất cự ly 75km, Da Lat Ultra Trail chị hỗ trợ ban tổ chức làm sweeper – người đi cuối cùng đảm bảo an toàn cho vận động viên. Trước dịch, chị cũng kịp tham gia giải ở Đài Loan, Utop ở Penang và về thứ tư.

“Tôi luôn chọn các cự ly siêu dài, cuộc đua kéo dài từ 5 đến 24 tiếng, thậm chí hơn. Tôi tâm niệm mình chưa bao giờ tập để đi thi đấu mà những lần tham gia chỉ như đi chơi và tôi tập luyện chăm chỉ để lần đi chơi này bớt cực”, chị vui vẻ nói.

Hoạt động nhặt rác và đánh dấu đường chạy trail tại núi Dinh. Ảnh: NVCC

Sở dĩ, chị Hiền đam mê chạy trail hơn các kiểu chạy khác vì chị “mê mẩn” sự yên tĩnh của chạy đường mòn. Chị cho hay với các cự ly dài thì phần lớn chị không gặp ai, tuy vậy chị chưa lúc nào cảm thấy cô độc vì trên hành trình đó cũng có mấy trăm người đang nỗ lực vượt qua. Môn chạy địa hình không giống các môn khác, khi gặp các runner (người chạy) khác, các thành viên sẽ động viên và giúp đỡ nhau cùng về đích.

Với chị Hiền, mỗi lần hoàn thành một cuộc đua, chị như hồi sinh thành con người khác. “Về thể chất sau khi hồi phục thì chắc chắn mình mạnh mẽ hơn, về tinh thần thì tôi cũng nhận thấy mình vững vàng hơn, sau một đường đua kéo dài 20 tiếng thì đối với tôi nó như một khóa thiền, vì những lúc đó mình có rất nhiều thời gian cho bản thân giữa cảnh quang tuyệt đẹp”, chị tâm sự.

Chị luôn chọn những giải đấu có cự ly dài như VJM 2021. Ảnh: NVCC

Để hoàn thành các đường đua và giữ phong độ rất đáng “cừ”, chị cho biết tùy cự ly đăng ký mà dành thời gian rèn sức cho phù hợp. Nếu đó là 100km hoặc 100miles (dặm) thì chị cần ít nhất một năm tập luyện trong trường hợp mình đã tập các môn khác và có kinh nghiệm thử sức rồi. “Trước giải đấu 5-6 tuần tôi sẽ tập cường độ cực cao, trước 2 tuần là thời gian dành cho hồi phục, lúc này mình tập nhẹ, chú ý tới dinh dưỡng nhiều hơn”, chị nhấn mạnh.

Chị cùng những runner khác tham gia chạy 200km tuyến Hồ Chí Minh - Lâm Đồng dịp Tết 2021. Ảnh: NVCC

Chị cũng chia sẻ thêm về chế độ dinh dưỡng của mình, chị bổ sung thêm các món nhiều đạm như cá, ức gà, rau. Từ lúc bắt đầu chạy, chị bỏ bớt các món nhiều gia vị. “Đi ăn ở ngoài thì vẫn ăn bình thường nhưng khi ở nhà các món của tôi phần lớn là luộc, hấp, áp chảo không dầu và dùng ba loại gia vị duy nhất là muối, tiêu và nước mắm. Chạy nhiều tôi cũng thèm ăn đồ ngọt nhiều, thèm đồ mặn. Các bạn chạy cự ly dài không phải sợ đồ ngọt, kiểu gì cũng đốt hết và sẽ hụt năng lượng”, chị nói thêm.

Team đam mê chạy bộ của chị Hiền. Ảnh: NVCC

Nhờ thể thao, chị Hiền có thêm cơ hội khám phá nhiều nơi trên đất nước theo hình thức riêng và ít ai tới được. Trong tương lai, chị tiết lộ mình sẽ thử sức thêm môn đạp xe đường dài và tập trung lặn biển nhiều hơn sau khóa học cấp bằng lặn trước đây.

An Phú

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối