Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Chất thơm đứng đầu nguồn ô nhiễm không khí

Hoàng Xuân Phương -

Lần đầu tiên, những hợp chất thơm sử dụng bởi con người trở thành nguồn ô nhiễm không khí lớn nhất, qua mặt cả khói bụi từ các phương tiện giao thông. Nhiều thành phố bị bao phủ bởi làn khói sương mù trong khi mức độ ô nhiễm giao thông tại đó rất thấp.

Kẻ giấu mặt

Cho tới nay không mấy ai nghĩ rằng chất thơm từ dầu gội đầu, thuốc xịt tóc, chất khử mùi, hương liệu, chất làm mát không khí, chất lau sàn, chất tẩy giặt, thuốc khử trùng, nước rửa tay, keo dán và mùi thơm từ các lớp sơn lại chiếm đến 38% nguồn ô nhiễm hữu cơ (VOC) trong không khí.

Công trình nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Science ngày 16-2-2018. Theo đó, ô nhiễm không khí đang chuyển dần từ nguồn khói bụi giao thông và các phương tiện di chuyển sang các hợp chất thơm do con người sử dụng trong đời sống hàng ngày.

Những nguồn chất thơm đó luôn bám liền với cuộc sống từng người và từng nền kinh tế, từ thuốc trừ sâu đến nước sơn, từ mực in đến chất kết dính, từ chất tẩy rửa đến những sản phẩm dùng vào việc chăm sóc cá nhân. Có thể một mặt nhiều nước đã khống chế được bụi bẩn giao thông, nhưng mặt khác quan trọng hơn là con người ngày càng sử dụng nhiều chất thơm cho cuộc sống, và vô tình đã tạo nguồn ô nhiễm cho chính mình, cho thành phố và cả cho tầng ozone bảo vệ trái đất.

Nhiều thành phố như Los Angeles đang chìm trong sương mù khói bụi, trong đó những hợp chất thơm sản xuất từ dầu lửa góp phần lớn. Nhiều khu đô thị tại nhiều thành phố cũng đã chìm trong sương khói, nhưng cư dân tại đó không ngờ ô nhiễm xuất phát từ việc họ sử dụng chất thơm đại trà cho sản xuất hay mỗi người một ít tích thiểu thành đa, hoặc từ các nhà máy sản xuất hợp chất thơm đặt cơ sở tại đó.

Có hàng trăm chất thơm được con người sử dụng hàng ngày, và nhu cầu mỗi năm một tăng trong khi các chất bay hơi này có thể tích lũy kéo dài trong các tầng không khí đến độ che khuất cả tia nắng mặt trời.

Brian McDonald, đồng tác giả của bản báo cáo, phát biểu nhân hội nghị thường niên của Hiệp hội Hoa Kỳ về Tiến bộ Khoa học rằng, thế giới đã thành công trong việc giảm thiểu ô nhiễm từ nguồn giao thông, và nay các nhà khoa học nhắm tới hạn chế độc hại của những hợp chất thơm.

Độc hại không kém

Ông McDonald cho biết sau hàng thập kỷ, sự thành công đối phó với nguồn khói xe cộ và bụi đường, đối tượng ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố hiện nay đã bao gồm nhiều loại. Khối lượng hợp chất thơm thường xuyên được con người sử dụng chỉ chiếm khoảng 4% so với 47% là xăng , 8% dầu diesel và 41% là khí thiên nhiên. Nhưng tỷ lệ tạo sương khói ô nhiễm không khí của những hợp chất tạo mùi mà con người rất ưa thích này đã lên tới 38% so với chỉ 15% ô nhiễm công nghiệp, 14% ô nhiễm từ nguồn sản xuất chất liệu, và còn cao hơn cả mức độ ô nhiễm do nhiên liệu hóa thạch tổng cộng ở mức 32%.

“Khi chúng ta đang có một ngọn núi khổng lồ che khuất, chúng ta chẳng biết những thứ gì phía sau đó,” phát biểu của Spyros Pandis, một kỹ sư tại Đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh. Nhưng nay khi mà ô nhiễm giao thông giảm xuống thì các nguồn ô nhiễm không khí khác bắt đầu hiện rõ.

Bản báo cáo công bố ngày 16-2 nhắm trực tiếp vào hàng trăm hợp chất thơm VOC (volatile organic compounds) và những con đường khác nhau mà chúng xâm nhập vào các tầng khí quyển. Một số những hợp chất đó có ảnh hưởng nguy hại trực tiếp ngay khi chúng ta hít phải, bao gồm cả nhiều chất tẩy rửa và chất sơn màu. Những cảm nhận đầu tiên có thể là triệu chứng nhức đầu.

Nhưng bên cạnh những tác động trực tiếp tưởng nhẹ nhàng đó, các hợp chất thơm còn tác động với các phân tử không khí như oxygen và nitrogen oxide để tạo nên tầng ozone, hoặc tạo nên những chất bụi bẩn hết sức nhuyễn. Nguồn nitrogen oxide phát sinh từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, tạo nên sự kết hợp ô nhiễm của cả hai nguồn nhiên liệu và chất thơm. Trong khi đó, những bụi bẩn rất nhỏ này cùng với muội khói đốt lò đốt đồng chẳng những làm chúng ta khó thở mà còn là một vấn đề mãn tính cho lá phổi. Ngược lại với việc hình thành tầng ozone, những phân tử chất thơm tích lũy lơ lửng nơi tầng thấp khí quyển tạo nên hiện tượng sương mù khó thở trên các thành phố.

Sau sáu tuần lễ thu thập mẫu khí và đánh giá tác động của chúng trên con người, nhóm nghiên cứu đã lần ra con đường mà những chất thơm do con người sử dụng đi vào, phản ứng và nằm lại trong không khí để trở thành nguồn ô nhiễm. Điều mà các nhà khoa học nhận ra là tác động ô nhiễm của các hợp chất bay hơi này vượt xa những dự đoán. Và thực tế là, trong khi con người sử dụng gấp 15 lần khối lượng đối với xăng dầu thì một khối lượng rất nhỏ gồm những hợp chất bay hơi từ xà bông, dầu gội đầu, chất khử mùi cho đến chất làm mát không khí cũng như chất kết dính và nước phun xịt tẩy rửa lại đưa vào không khí đến 38% tổng lượng hợp chất hữu cơ bay hơi VOC. Ngược lại, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang giảm mức gia nhập ô nhiễm khí quyển xuống còn 32%. Và đây chính là vấn đề sẽ đặt ra cho các nước trong việc sản xuất, tiêu thụ, sử dụng hợp chất thơm trong tương lai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối