Hoàng Xuân Phương -
Những người sống bên dòng sông Mekong đã dần phải quen với việc nước sông từ màu đỏ nâu phù sa dần ngả qua màu xanh biển. Tôm cá chẳng còn được là bao, cây trái dần phải sống nhờ phân bón. Dòng sông từng mang đến sức sống, nay là nỗi lo âu.
Cuộc khảo sát của tổ chức văn hóa giáo dục Liên hợp quốc UNESCO và Viện Môi trường Stockholm (Thụy Điển) đã đưa ra lời cảnh báo rằng phù sa của dòng sông Mekong đã cạn kiệt, đe dọa đến sự cân bằng sinh thái của toàn vùng châu thổ. Có những nơi, nước biển lấn nước sông vào sâu trong đất liền hàng chục cây số. Nguyên nhân của tình trạng này là việc xây dựng các đập ngăn nước tràn lan đọc theo sông, việc khai thác cát bừa bãi, sự biến đổi khí hậu và những sự bất cập trong việc quản lý, sử dụng đất đai hai bên bờ sông. Các tác giả của công trình cho rằng nếu không có biện pháp khắc phục, 94% lượng phù sa nuôi sống đồng bằng sẽ không còn nữa.
Sông Mekong đang chết dần
Quá trình suy giảm chất lượng môi trường nước sông đang diễn ra trên suốt chiều dài dòng Mekong, chảy từ Trung Quốc qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia trước khi vào đồng bằng sông Cửu Long tại Việt Nam. Sự thay đổi này ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 70 triệu dân sinh sống dựa vào dòng sông, 60 triệu trong số đó sống ở hạ lưu con sông, chủ yếu nhờ vào lúa gạo, cây trái và tôm cá. Ủy ban Sông Mekong (MRC) cho biết giữa các năm 2003-2009, lượng phù sa hàng năm đo được tại trạm Chiang Saen (Thái Lan) đã giảm từ 60 xuống còn 10 tấn, ở Pakse (Lào) từ 120 xuống 60 tấn, và ở Kratie (Campuchia) từ 160 xuống còn 90 tấn. Bản báo cáo cho biết khi tất cả các công trình xây dựng đập trên sông hoàn tất, lượng phù sa lơ lửng, dưỡng chất của dòng sông, trôi về đến đồng bằng châu thổ sông Cửu Long sẽ chỉ còn lại trên dưới 4%.
Nông, ngư nghiệp ngấm đòn nặng
Phù sa của dòng chính sông Mekong nhiều hay ít phụ thuộc vào dòng chảy các nhánh sông và đặc tính của lưu vực sông. Hiện nay, các con đập không chỉ nằm chằng chịt trên các nhánh sông mà còn trực tiếp “xẻ thịt” dòng chảy chính. Dòng sông Mekong là nguồn nước tưới cho 4,2 triệu héc ta đất canh tác, phần lớn diện tích đó nằm trên lãnh thổ Việt Nam và Campuchia. Những con đập đã đưa vào hoạt động và đang trên đà hoàn thiện dự kiến sẽ làm giảm 47-53% lượng lân, 57-62% lượng đạm trong nước sông. Sự thiếu hụt dưỡng chất trong nước tưới chỉ có thể bù đắp bằng khối lượng phân bón khổng lồ. Ở Việt Nam phù sa giảm sút mạnh làm cho màu nước sông từ nâu đỏ trở thành xanh biển, số lượng các loài thủy sinh, tôm cá cũng sụt giảm, năng suất cây trồng đi xuống từ 12-27%. Các nhóm cá như Lithophils, Psammophils và Pelagophils vốn sống trong nước nhiều phù sa nay không còn môi trường phù hợp. Đây cũng là lời giải thích tại sao lượng cá sông hiện nay không còn bao nhiêu so với hàng chục năm trước. Sau mười năm nữa, sản lượng lúa gạo sản xuất tại Việt Nam có nguy cơ giảm sút 552.500 tấn, Campuchia giảm 203.300 tấn.
Nguyên nhân: thủy điện
Thủy điện hiện là sự chọn lựa phổ biến của những nước, vốn nhắm vào tiềm năng công suất lên đến 23.000 MW ở vùng thượng lưu Mekong và 30.000 MW ở vùng hạ lưu sông Mekong. Hiện nay, 11 đập thủy điện đã được hoàn thành trên thượng lưu dòng chính sông, cho công suất 13.000 MW. 13 đập mới đang được xây dựng nhanh chóng, trong đó có hai đập thủy điện lớn nằm ngay đầu nguồn sông Mekong ở Trung Quốc là đập Xiaowan (công suất 4.200 MW, sức chứa 9.800 triệu mét khối nước) và Nuozhadu (5.850 MW, 12.000 triệu mét khối). Ở vùng hạ lưu, 73 dự án đã đi vào hoạt động và 29 đang được xây dựng, trong đó hai đập Xayaburi (1.260 MW) và Donsahong (260 MW) nằm trên dòng chính. Những con đập này giữ nước tại thượng nguồn trong mùa khô làm đồng bằng ở hạ lưu thiếu nước trầm trọng hơn, sau đó lại xã nước vào mùa mưa, làm lũ lụt thêm nghiêm trọng, tàn phá các cánh đồng phía châu thổ.
Khai thác cát, sỏi bừa bãi
Ngay từ những năm 1990, nhu cầu xây dựng tăng cao ở vùng đồng bằng sông Mekong làm cho tình trạng khai thát bừa bãi cát, sỏi dưới lòng sông trở nên nghiêm trọng. Không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, cát sỏi lòng sông Mekong còn bị đem đi xuất khẩu đến các nước như Malaysia hay Singapore với khối lượng trên dưới 50 triệu tấn mỗi năm. Đáy sông Mekong do mất cát đã trũng xuống hàng mét và dòng chảy ngược ở đáy sông mở đường cho nước biển xâm nhập vào sâu trong đất liền. Người ta dường như quên đáy sông chính là ngôi nhà của nhiều loài tôm cá. Việc khai thác cát đáy sông bừa bãi chẳng những tàn phá lòng sông mà còn hủy hoại những sinh môi còn sót lại bên dưới dòng chảy.
“Sức khỏe” của dòng sông dần xấu đi một khi dòng chảy, phù sa và chất hữu cơ trong đó không còn được như trước. Dòng sông mang đến cho con người nguồn nước sinh hoạt, làm thủy lợi, bổ sung các mạch nước ngầm, phục vụ giao thông và ngư nghiệp, những hoạt động trên nay đã bị xáo trộn nghiêm trọng. Hậu quả của những hành động nói trên sẽ không chỉ do những con người sinh sống bên dòng sông hứng chịu mà còn tác động xấu đến nền kinh tế các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong.