(SGTT) – Bún cá dầm là tên gọi món ăn đặc sản của vùng đất Khánh Hòa, mà nổi tiếng nhất là bún lá cá dầm Ninh Hòa. Đây là món được nhiều người ưa thích bởi nó mang hương vị thanh tao, ngọt ngào của làng biển.
- Trưa nay ăn gì: Cơm văn phòng thêm ngon với cá basa kho thơm đậm đà
- Trưa nay ăn gì: Bữa trưa nhiều dinh dưỡng với salad nấm thủy tiên vừa ngon, vừa lạ
- Trưa nay ăn gì: Đổi vị bữa trưa với bánh xèo Nhật Bản
Nhiều người tưởng món bún cà dầm được làm từ một loại cá mang tên “dầm” nhưng sự thật không phải vậy. Tên gọi “bún cá dầm” xuất phát từ cách chế biến nước lèo đặc trưng của món ăn này. Trước khi nấu, cá sẽ đem gỡ xương, dầm ra thành các miếng nhỏ. Không cầu kỳ, tô bún ngọt ngào và hấp dẫn lạ lùng. Nồi nước ngon có vị chua dìu dịu của cà chua và vị ngọt tự nhiên của cá.
Cá dầm là một loại nước lèo để dùng với bún, duy nhất chỉ hợp với bún lá nên chúng được ghép lại thành tên, và chỉ có chúng mới sánh đôi với nhau. Khi nấu, cá được gỡ xương dầm ra từng mảng nhỏ thả vào nồi nước. Vài lát cà chua, vài cọng hành hoa xắt sẵn thả vào nồi nước để giữ mùi thơm và tăng hương vị.
Bún lá dai, sợi trắng láng được chế biến từ nước bột đầu tiên. Cũng là bún, nhưng bún lá có cách thưởng thức khá đặc biệt: bún lá được bày từng khoanh trên miếng lá chuối cắt tròn. Hình dáng bún là hình tròn bằng cái chén. Khi sản xuất người ta xoáy bún thành hình tròn mỏng và được đổ lên một mảnh lá chuối xanh cắt tròn để không bị dính. Tại Ninh Hòa đã hình thành nên một làng gọi là làng bún lá Diên Lạc.
Có thể lựa chọn nhiều loại cá khác nhau để nấu món ăn này. Thông thường sẽ chọn những con cá nhiều đạm, ngọt thịt và dai như cá cờ, cá bè, cá bò hoặc cá ngừ. Cá được chọn là loại tươi để nấu không bị nát, đặc trưng vùng biển địa phương. Có thể thêm sứa hoặc chả cá chiên để đổi mới và tăng thêm hương vị. Nước lèo chuẩn vị không tanh, có độ trong, ít dầu mỡ và thơm thoang thoảng mùi cá.
Cái ngon của tô bún lá cá dầm là cho dù nồi nước lèo có sôi đến đâu cá vẫn không bị nát mà ngược lại càng thấm, càng dai. Và chả cá chế biến từ cá tươi nên thơm, ngọt thịt, dai nhờ quết đều. Cá được dầm từng thớ vào nước mà vẫn không làm đục nước.
Rau sống để ăn ghém gồm xà lách, hoa chuối, rau thơm bỏ dưới đáy tô, phủ trên là hai lát bún lá rồi chan vá nước cá nóng hổi lên trên, vắt một ít chanh tươi, rưới một ít nước mắm ngon và ít ớt tươi (loại ớt sim chưa lai) đâm nhuyễn. Bên trên tô bún còn có chút hành lá xắt nhỏ, hành tây thái mỏng.
Tô bún cá lá dầm nóng hổi khiến người ta phải ăn từ từ, chầm chậm, vừa ăn vừa cảm nhận vị thơm ngọt tự nhiên của thịt cá, hòa quyện với vị chua của cà chua. Những cọng bún mềm ăn kèm với nước lèo trong veo, không tanh mùi cá khiến món ăn trở nên đậm đà và ăn mãi không chán. Dường như bao tinh túy hội tụ trong tô bún lá cá dầm đậm đà vang danh xứ biển.
Lâm Như tổng hợp