Dù không có ca lây nhiễm cộng đồng trong hai tháng gần đây nhưng TPHCM phải tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ đối với các trường hợp nhập cảnh trái phép, nhất là từ Campuchia, nếu không nguy cơ xâm nhập vào thành phố là rất lớn, theo chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong.
- Những ai sẽ được nhập cảnh Việt Nam với “hộ chiếu vắc-xin”
- Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị được đón khách bằng “hộ chiếu vắc-xin”
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo TPHCM về phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra sáng 12-4, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, diễn biến của dịch Covid-19 tại các nước láng giềng, nhất là tại Campuchia đang tăng vọt từ khoảng 500 ca mắc Covid-19 (năm 2020), lên đến 4.081 ca hiện nay. Riêng ngày 10-4 số ca mắc mới của Campuchia là 454 ca. Chủ tịch TPHCM lo ngại tiềm ẩn nguy cơ cao xâm nhập vào TPHCM nếu không quản lý, giám sát chặt chẽ đối với các trường hợp nhập cảnh trái phép.
Do vậy, người đứng đầu chính quyền TPHCM đề nghị các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường quân số để thắt chặt kiểm soát người nhập cảnh trái phép, quyết tâm không để tái xâm nhập dịch bệnh trong cộng đồng. “TPHCM phải dồn sức tập trung kiểm soát chặt người nhập cảnh trái phép. Khả năng dịch Covid-19 xâm nhập TPHCM từ nước bạn là rất lớn”- ông Phong lo ngại.
Để kiểm soát tình hình dịch bệnh, TPHCM vẫn thực hiện giám sát các nhóm có nguy cơ như hành khách đi máy bay; nhân viên y tế; nhân viên sân bay…
Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, hiện nay có 2.125 người cách ly tập trung tại TPHCM. Trong đó, cách ly tại khu tập trung của thành phố là 79 người; tại các cơ sở quận, huyện và Thành phố Thủ Đức là 48 người; cách ly có thu phí 1.998 người gồm chuyên gia người nước ngoài, tổ bay quốc tế và người nhập cảnh có nhu cầu.
Tính đến ngày 10-4, TPHCM đã tiến hành tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho 7.530 nhân viên y tế của 65 cơ sở y tế.
Trong tuần lễ 12 đến 16-4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM sẽ tiếp nhận 1.600 liều vắc-xin phòng Covid-19 từ Trung tâm Tiêm chủng VNVC để tổ chức tiêm cho các đối tượng tuyến đầu chống dịch.
Bộ Y tế: Mục tiêu năm 2021 có vắc-xin Covid-19 “made in” Việt Nam
Theo Sức khỏe & Đời sống, tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng Covid-19, Bộ Y tế đề xuất mục tiêu có vắc-xin để phòng Covid-19, từng bước đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch và phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong năm 2021; bảo đảm có đủ vắc xin từ năm 2022 trở đi.
Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 26-2-2021, trên thế giới có tất cả 256 ứng viên vắc-xin Covid-19 đang được nghiên cứu phát triển trong đó có 182 ứng viên đang ở giai đoạn tiền lâm sàng và có 74 vắc-xin trong giai đoạn thử nghiệm trên. Hiện trên thế giới đã có một số ứng cử viên vắc-xin đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cho kết quả tốt về tính an toàn và hiệu lực bảo vệ khi sử dụng trên con người và đã được cấp phép lưu hành trong trường hợp khẩn cấp ở một số quốc gia.
Do sớm nhận thức được vai trò của vắc xin trong công tác phòng chống đại dịch, từ đầu năm 2020 các đơn vị nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước đã chủ động đánh giá năng lực, điều kiện nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng virus SARS-CoV-2 (bao gồm cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, quy trình, công nghệ sản xuất vắc xin) và đề xuất phương án nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng virus SARS-CoV-2 có tính khả thi bao gồm phương án tự nghiên cứu và phương án hợp tác nghiên cứu, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng vi rút SARS-CoV-2.
Hiện nay, cả nước có 4 nhà sản xuất đang nghiên cứu vắc xin phòng Covid-19 theo các hướng công nghệ khác nhau, đó là Công ty TNHH MTV vắc-xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Viện Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang (IVAC); Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen (Nanogen) đang tiến hành phát triển 2 ứng viên vắc-xin Covid-19 gồm: vắc xin sub-unit dựa trên S-protein và vắc xin VLP (Virus like particles) sử dụng công nghệ protein tái tổ hợp. Cuối cùng là Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC), hiện cũng đang trao đổi với Quỹ Đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về phương án, kế hoạch hợp tác phát triển vắc-xin phòng Covid-19 theo công nghệ sản xuất vắc-xin Sputnik V của Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya.
Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng của VABIOTECH, IVAC, Nanogen cho thấy các ứng viên vắc xin có tính an toàn trên động vật và có tính sinh kháng thể kháng SARS-CoV-2.
Đến31-3-2021, vắc xin Nanocovax của công ty Nanogen đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và đang triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, vắc xin COVIVAC của IVAC đã được Bộ Y tế phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1-2 và đã bắt đầu triển khai vào ngày 15-3-2021, vắc xin COVINVAC của VABIOTECH sẽ được thẩm định và thông qua đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1-2 trong tháng 7-2021. Các nhà sản xuất đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sớm hoàn thành các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Theo KTSG Online, Sức khỏe & Đời sống