Thứ Sáu, Tháng Chín 13, 2024

Thiếu nhân sự công nghệ thông tin, bệnh viện than khó khi triển khai ‘Y tế thông minh’

Theo đại diện của Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM), hiện nay nguồn nhân sự và thiết bị bảo mật an toàn thông tin để chuyển đổi số, triển khai y tế thông minh tại các bệnh viện vẫn còn thiếu và hạn chế. Nguyên nhân là do gặp khó về tài chính, cũng như chưa có chế độ đãi ngộ thu hút cho tuyển dụng nguồn nhân lực giỏi.

Thiếu nhân sự công nghệ thông tin, đăng tuyển quanh năm

Ngày 19-10, tại buổi giám sát của Hội đồng nhân dân TPHCM về tình hình triển khai đề án “Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn năm 2030”, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết khi đề án “Y tế thông minh” ra đời từ tháng 7-2021, bệnh viện đã triển khai thực hiện nhưng đến nay chưa đạt được mục tiêu như mong muốn vì nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.

Để thực hiện đề án này, bệnh viện đã kiện toàn hạ tầng thông tin, xây dựng phần mềm quản lý bệnh viện phù hợp thực tế và có phòng công nghệ thông tin để vận hành. Tuy nhiên, bác sĩ Tuyết cho biết để tìm kiếm những người có năng lực cao, nhân viên công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu thực tế của bệnh viện là rất khó. Bởi lương của nhân viên công nghệ thông tin ở các bệnh viện thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của thị trường.

Hiện nay, đơn vị xây dựng phần mềm của bệnh viện chỉ có hai nhân sự. “Dù bệnh viện đăng tuyển quanh năm suốt tháng nhưng vẫn không thể tuyển dụng. Có những người nộp đơn ứng tuyển nhưng năng lực không phù hợp với nhu cầu của đơn vị”, bác sĩ Tuyết cho biết. Bệnh viện cần có các cơ chế cởi mở hơn vì trong quá trình thực hiện cũng lo lắng về việc trả lương liệu có đúng với quy định Nhà nước.

Đối với bảo mật thông tin và an toàn dữ liệu, bác sĩ Tuyết cho biết bảo mật và tính riêng tư thông tin bệnh nhân, an toàn dữ liệu trong hồ sơ bệnh án điện tử là vấn đề quan trọng. Khi triển khai đưa toàn bộ dữ liệu của bệnh viện và bệnh nhân vào hệ thống, nhưng không bảo mật thì có thể vi phạm pháp luật. Có thể thấy rằng hiện nay nhân sự chuyên trách và hạ tầng, thiết bị bảo mật an toàn thông tin tại các bệnh viện vẫn còn thiếu và hạn chế. Ngoài ra, việc đầu tư hệ thống bảo mật thông tin khá đắt, hơn chục tỉ đồng. Dù đã xin phép lập dự án, nhưng hiện tại bệnh viện vẫn chưa đầu tư được.

Về hạ tầng mạng, bệnh viện đã đạt 95% nhưng dự án wifi sử dụng cho bệnh viện chưa hoàn thành. Khi lập dự án, bệnh viện gửi đến Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM nhưng đến khi được duyệt thì máy móc đăng ký trong hồ sơ đã trở nên lỗi thời, nếu cứ mua thì quá lãng phí.

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, tại buổi giám sát của Hội đồng nhân dân TPHCM về tình hình triển khai đề án “Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn năm 2030” vào ngày 19-10. Ảnh: M.T

Chuyển đổi số nhưng gặp khó về tài chính

Bên cạnh khó khăn khi tìm kiếm nguồn nhân lực giỏi vì chưa có chế độ đãi ngộ thu hút, bệnh viện cũng gặp khó trong việc tích hợp các hệ thống phần mềm và các thiết bị y tế cũ, khả năng tương thích giữa các thiết bị, các phần mềm khác nhau trong bệnh viện.

Ngoài ra, bác sĩ Tuyết cũng cho biết đơn vị này đang gặp khó khăn về tài chính, đây là thách thức mà các bệnh viện phải đối diện khi thực hiện chuyển đổi số. Phần lớn các trang thiết bị, phần mềm được sử dụng đều có giá cao trong khi ngân sách vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này dẫn đến các đơn vị buộc phải đầu tư dàn trải, kéo dài và thiếu đồng bộ.

Trước những bất cập trên, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương kiến nghị cần có cơ chế thu nhập đặc thù cho nhân sự công nghệ thông tin nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tại bệnh viện. Do đây là đơn vị tự chủ tài chính nên xin được tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, có tích hợp công nghệ thông tin trong cơ cấu giá. Cơ chế mua sắm, thuê mướn đối với công nghệ thông tin cần rõ và chi tiết, giúp các bệnh viện dễ thực hiện mà không vi phạm pháp luật; đồng thời cần có định hướng chung hệ thống quản lý bệnh viện (HIS) của các bệnh viện để có sự thống nhất sau này, thuận lợi hơn khi kết nối hoặc trao đổi thông tin.

Trong quá trình xây dựng, triển khai bệnh án điện tử, bệnh viện cũng gặp nhiều khó khăn về xây dựng, chuẩn hóa dữ liệu sao cho phù hợp quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế về bệnh án điện tử như tiêu chuẩn HL7 (tiêu chuẩn quốc tế cung cấp giao thức chuẩn về quản lý, trao đổi và tích hợp dữ liệu y tế giữa các hệ thống thông tin y tế); bộ danh pháp thuật ngữ lâm sàng điện tử Snomed CT… Với các chuyên gia đầu ngành hoặc một số đơn vị phát triển phần mềm, các khái niệm khá quen thuộc nhưng đối với các bệnh viện thì khái niệm này còn mới lạ. Vì vậy, bệnh viện mong muốn Sở Y tế thành phố và Bộ Y tế tổ chức các khóa đào tạo nhằm cập nhật kiến thức cho các bệnh viện để hoạt động triển khai bệnh án điện tử được triển khai đúng định hướng, đúng tiêu chuẩn và các quy định của Bộ Y tế.

Minh Thảo

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Chuyển đổi số để hiểu và phục vụ bạn đọc tốt...

0
(SGTT) - Thêm phiên bản thu phí với nội dung riêng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào chatbot để tìm thông tin, đưa...

AI mở rộng cánh cửa thị trường cho sản phẩm số

0
(SGTT) - Các doanh nghiệp toàn cầu đã nhận ra sức mạnh của AI trong việc xây dựng và phát triển các sản phẩm...

TPHCM: Đưa toàn bộ hoạt động hành chính lên nền tảng...

0
(SGTT) - Để năm 2025 các thủ tục liên quan đến hành chính diễn ra được trên nền tảng số thì ngay từ bây...

TPHCM khai trương Trung tâm chuyển đổi số

0
(SGTT) - Chính thức thành lập Trung tâm chuyển đổi số, TPHCM sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong năm 2024 với mục tiêu...

Thống nhất ‘cửa khẩu số’ để tạo thuận lợi trong quy...

0
(SGTT) - Việc mỗi địa phương xây dựng một nền tảng cửa khẩu số sẽ dẫn đến sự không thống nhất về các quy...

Giấy chuyển tuyến cho bệnh nhân, tại sao chưa thể bỏ...

0
(SGTT) – Theo một số bác sĩ và lãnh đạo bệnh viện, giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh có thể vẫn còn gây phiền...

Kết nối