Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Tại sao số ca F0 ở TPHCM giảm nhưng tỷ lệ tử vong vẫn còn cao?

(SGTT) – Theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, trong số những ca F0 tử vong, chủ yếu là người trên 65 tuổi, người chưa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Đồng thời, các trường hợp tử vong cho thấy số lượng không nhỏ là bệnh nhân rất nặng từ các tỉnh khác chuyển về TPHCM. Những ca bệnh rất nặng, tuyến điều trị đã cố gắng nhiều nhưng đa phần không qua khỏi.
Nguyên nhân số ca tử vong tại TPHCM vẫn còn cao

Tại cuộc họp báo thông tin tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM vào chiều 25-11, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết hiện nay, số ca bệnh mới vẫn còn có xu hướng tăng nhẹ nên lượng F0 tử vong vẫn chưa giảm nhiều. Theo thống kê, trong số những ca F0 tử vong, chủ yếu là người trên 65 tuổi, người chưa được tiêm vắc-xin.

Giải thích câu hỏi tại sao số ca F0 hiện đang giảm mạnh nhưng tỷ lệ tử vong vẫn cao tương đương giai đoạn đỉnh điểm hồi tháng 7, tháng 8, bà Mai cho rằng việc tính toán đơn thuần dựa trên số ca tử vong và tổng ca bệnh nặng là chưa phù hợp.

Nguyên nhân thứ nhất là việc tính toán tỷ lệ này quan trọng nhất là mẫu số. Vì một bệnh nhân nặng có thể điều trị trong thời gian dài nên không thể lấy số người nhập viện chia cho số ca tử vong trong ngày để suy ra tỷ lệ.

Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, phân tích các trường hợp tử vong cho thấy số lượng không nhỏ là bệnh nhân rất nặng từ các tỉnh khác chuyển về đây. Đây là vấn đề hỗ trợ các tỉnh nên TPHCM không thể từ chối. Tuy nhiên, “những ca bệnh rất nặng, tuyến điều trị đã cố gắng nhiều nhưng đa phần không qua khỏi”, bà Mai nói.

Nguyên nhân thứ hai, số lượng bệnh nhân tử vong do mắc nhiều bệnh nền, khi kèm thêm Covid-19, diễn biến suy đa cơ quan rất nhanh. Điều này khiến nhân viên y tế dù nỗ lực nhiều nhưng người bệnh không qua khỏi.

“Cuối cùng, vấn đề nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 chưa được tiêm vắc-xin, số lượng này chiếm tỷ lệ lớn, trong đó người già trên 65 tuổi chiếm số lượng không nhỏ”, bà Mai cho hay.

Số ca tử vong do Covid-19 tại TPHCM trong những ngày qua vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Nguồn: Trung tâm báo chí TPHCM

Về giải pháp khi số ca F0 vẫn có dấu hiệu tăng trong những ngày vừa qua, Sở Y tế TPHCM đã tham mưu UBND nhiều giải pháp, chiến lược, quy chế phối hợp trong quản lý chăm sóc F0 tại nhà và công tác điều trị tại địa bàn quận, huyện.

Trong tuần qua, Sở Y tế có hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho các trường hợp F0 tại nhà, ban hành hướng dẫn về chăm sóc F0 cụ thể trong tình hình mới, đặc biệt là hướng dẫn sử dụng các gói thuốc. Sở Y tế cũng phối hợp với các sở, ngành, giám sát các hoạt động trạm y tế lưu động. Sở đã thành lập được 8 nhóm quản lý theo từng quận, huyện; có thành phần là thành viên ban giám đốc Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) và các trung tâm y tế…

Trong những nhóm quản lý này, lãnh đạo của các đơn vị sẽ thường xuyên trao đổi hoạt động chuyên môn để đưa ra giải pháp chăm sóc tốt nhất cho người dân, bà Mai cho biết.

Sở Y tế cũng thành lập 10 tổ để kiểm tra các trạm y tế, nắm bắt sớm các tình hình và xử lý kịp thời nhu cầu người dân, đồng thời củng cố lại đường dây nóng 1022, tái lập hệ thống mạng lưới thầy thuốc đồng hành, từ đó có thể hỗ trợ tốt nhất cho F0 tại nhà cũng như F0 đang được thu dung tại các bệnh viện.

Sở Y tế cũng có văn bản chấn chỉnh các bệnh viện không tiếp nhận bệnh nhân, không đáp ứng được nhu cầu người bệnh, các hệ thống khu vực, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Sở cũng điều động, tăng cường nhân viên y tế đến các bệnh viện dã chiến ở địa bàn có dấu hiệu gia tăng ca mắc Covid-19.

Ngoài ra, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cũng cho biết thêm hôm nay (25-11), Sở Y tế tiếp nhận văn bản của Bộ Y tế về việc được cấp 120.000 viên Favipiravir (thuốc kháng virus) để hỗ trợ các trường hợp F0.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM. Ảnh: Minh Thảo
Phát hiện, quản lý F0 trong vòng 24 tiếng

Liên quan đến quản lý bệnh nhân mắc Covid-19 (F0) cách ly và điều trị tại nhà, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết ngành y tế TPHCM thực hiện giải pháp đánh chặn từ xa với quyết tâm không để F0 trở nặng.

“Ngoài cố gắng giảm số ca mắc mới, mục tiêu của thành phố là giảm số ca nhập viện và tử vong. Muốn làm được điều này, việc chăm sóc F0 ngay từ đầu, khi mới phát hiện rất quan trọng, chiến lược này gọi là đánh chặn từ xa”, ông Tâm cho biết.

Để phục vụ chiến lược này, ngành y tế đã nỗ lực quản lý chặt F0 lúc mới phát hiện, tiếp cận họ trong vòng 24 giờ để đánh giá tình hình, có biện pháp hỗ trợ kịp thời, cấp thuốc và hướng dẫn cách ly phù hợp.

Việc phát hiện, quản lý F0 trong 24 giờ nằm trong quy trình, chủ trương của ngành y tế. Các trường hợp F0 sau khi được tiếp nhận sẽ được chăm sóc tốt, hạn chế lây lan. Tuy nhiên, ông Tâm thừa nhận vẫn có trường hợp không được tiếp nhận đúng trong thời gian này.

Phó Giám đốc phụ trách HCDC nhấn mạnh ngành y tế cũng tăng cường cấp phát túi thuốc C (Molnupiravir). Loại thuốc này mang lại hiệu quả tích cực, rút ngắn thời gian điều trị, giảm triệu chứng nặng và nguy cơ tử vong. Đây là giải pháp đánh chặn từ xa hiệu quả.

Thuốc kháng virus molnupiravir được cấp phát miễn phí cho F0 nhẹ để điều trị Covid-19. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM

Cũng trong vấn đề giúp F0 tiếp cận nhanh với các cơ sở y tế, ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM, nói thêm hiện thành phố có khoảng 57.000 F0 điều trị tại nhà. Quan điểm của thành phố là tất cả F0 phải được tiếp cận trạm y tế ở địa phương hoặc trạm y tế lưu động nhanh nhất để được hướng dẫn, nhận túi thuốc và tư vấn.

Tuy nhiên, ông Hải cho rằng hiện nay, số lượng nhân lực trạm y tế còn ít, có những phường chỉ 10 nhân viên y tế nhưng số dân lên đến 170.000 (nghĩa là một nhân viên y tế phục vụ 17.000 dân). Điều này có thể khiến nhân viên y tế chưa tiếp cận sớm F0 được.

Thành phố đang có nhiều giải pháp để tăng cường nhân lực cho trạm y tế lưu động và phường, xã. Thành phố cũng dự định có cơ chế, chính sách giúp lực lượng này có thêm điều kiện hoạt động như phối hợp Bộ Tư lệnh, Bộ Y tế cử thêm lực lượng quân y, dân y trực cùng nhân viên y tế.

“Thành phố sẽ cố gắng triển khai nhanh để giúp tuyến trạm y tế, giúp F0 được tiếp cận y tế sớm nhất”, ông Hải nói.

Tính đến 18:00 ngày 24-11 có 461.389 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 460.830 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 559 trường hợp nhập cảnh.Hiện, TPHCM đang điều trị 14.342 bệnh nhân, trong đó có 578 trẻ em dưới 16 tuổi, 357 bệnh nhân nặng đang thở máy, 10 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 24-11, thành phố có 1.582 bệnh nhân nhập viện, 1.148 bệnh nhân xuất viện, 59 trường hợp tử vong.Về tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, tính đến ngày 24-11, số lượng mũi vắc-xin đã triển khai tiêm với tổng số mũi 1 là 7.890.985, mũi 2 là 6.415.954.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cảnh báo tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế

0
Theo báo cáo của ngành y tế, tình trạng bội chi quỹ khám chữa bệnh đang rất nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân...

Bản tin 360 độ sống khỏe: Nỗi lo “dịch chồng dịch”...

0
(SGTT) - Cùng với dịch Covid-19, các bệnh viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm mùa… vẫn đang diễn biến...

TPHCM: Các trường không quy định học sinh tiêm vắc-xin trước...

0
Theo ghi nhận tại các trường học ở TPHCM, hiện không có nhà trường nào yêu cầu bắt buộc học sinh tiêm vắc-xin ngừa...

Mua bán dược phẩm online: Mảnh đất “màu mỡ” cho thuốc...

0
(SGTT) - Hiện nay, rất nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội có nội dung gây hiểu nhầm như thuốc...

TPHCM: Thuốc, vật tư y tế chống dịch Covid-19 tồn kho...

0
Theo đại diện Sở Y tế TPHCM, hiện tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TPHCM đã được kiểm soát và rất ít...

Thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết, bệnh viện ‘khó kham...

0
Tại TPHCM, một số bệnh viện tuyến cuối về nhi khoa điều trị sốt xuất huyết đang lo ngại khó có thể kham nổi...

Kết nối