Cơ quan y tế đã bắt đầu cấp hộ chiếu vắc-xin được hơn 2 tháng nhưng đến nay, nhiều người vẫn chưa được cấp. Với nhóm đã có hộ chiếu thì có người lại gặp tình trạng số mũi tiêm không đúng với thực tế, đã cập nhật nhiều lần nhưng vẫn không được sửa.
- Bộ Y tế sắp cấp hộ chiếu vắc-xin toàn quốc
- Người dân TPHCM xếp hàng dài chờ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trừ việc xác thực thông tin, gần như người dân không phải thực hiện bất cứ thủ tục nào để được cấp loại chứng nhận tiêm chủng Covid-19 điện tử này.
Với những người có thông tin tiêm chủng đúng với thực tế, hộ chiếu vắc-xin điện tử tự động sẽ có trên ứng dụng PC-Covid. Trường hợp thông tin sai, người dân chỉ cần phản ảnh trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 quốc gia hoặc ứng dụng PC-Covid để xác thực lại và cấp hộ chiếu.
Hướng dẫn của cơ quan chức năng có vẻ dễ thực hiện nhưng việc việc triển khai trong thực tế lại không dễ dàng. Sau hơn 2 tháng thực hiện, nhiều người vẫn chưa có hộ chiếu hoặc chưa được cập nhật đầy đủ số mũi tiêm.
Anh M. D. (48 tuổi, sống tại TPHCM) cho biết, anh đã tiêm ba mũi vắc-xin phòng Covid-19 vào tháng 10-2021 nhưng trên hệ thống tiêm chủng chỉ cập nhật 2 mũi tiêm. Dù đã nhiều lần khai báo bổ sung mũi tiêm nhưng đến tháng 6-2022, hệ thống vẫn chưa cập nhật đủ số mũi tiêm. Điều này đã khiến anh gặp nhiều khó khăn khi làm thủ tục đi du lịch nước ngoài.
Không chỉ anh D., nhiều người khác cũng phản ảnh là chưa thể đi du lịch, học tập hoặc tham gia các hoạt động giao thương ở nước ngoài do vướng những vấn đề tương tự của hộ chiếu vắc-xin.
Thông tin từ Bộ Y tế cũng cho biết, tuy hiện tại đã hết thời hạn mà cơ quan này yêu cầu phải hoàn tất việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, phục vụ cho ký xác nhận hộ chiếu vắc-xin nhưng vẫn còn hàng chục triệu hộ chiếu vẫn chưa được cấp.
Theo trang tin của bộ, tính đến ngày 13-6, vẫn còn gần 40 triệu hộ chiếu đang bị vướng, phải chờ tháo gỡ.
Theo quy trình, để cấp hộ chiếu vắc-xin, các cơ sở y tế, cơ sở tiêm chủng phải rà soát, đối chiếu với thông tin công dân, sau đó xác nhận dữ liệu tiêm chủng bằng chữ ký số để gửi Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế. Cơ quan này sẽ sử dụng chữ ký điện tử để xác nhận dữ liệu tiêm chủng, cấp hộ chiếu vắc-xin cho người dân.
Việc xác thực thông tin tiêm chủng là khâu rất quan trọng trong quy trình cấp hộ chiếu vắc-xin. Tuy nhiên, tại địa phương, việc xác thực và làm sạch dữ liệu thông tin tiêm chủng để cấp hộ chiếu vắc-xin cho người dân vẫn còn chậm.
The ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, “nút thắt” chủ yếu ở giai đoạn xác thực thông tin tiêm chủng. Do người dân đăng ký tiêm vắc-xin phòng Covid-19 khai thiếu hoặc không xác thực được thông tin gồm số định danh, ngày sinh, họ tên, số điện thoại, địa chỉ nơi ở… nên chưa thể tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình cấp hộ chiếu vắc-xin.
Vì vậy, người chưa được cấp hộ chiếu vắc-xin do thiếu hoặc sai thông tin cần phản ánh lên hệ thống tiêm chủng quốc gia hoặc liên hệ trực tiếp với cơ sở tiêm chủng để được cập nhật dữ liệu.
Theo Bộ Y tế, hộ chiếu vắc-xin là chứng nhận tiêm chủng Covid-19 điện tử do các cơ sở tiêm chủng và Bộ Y tế ký số xác nhận dựa trên thông tin tiêm chủng vắc-xin Covid-19 của người dân. Hộ chiếu này sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế Thế giới và Liên minh châu Âu ban hành và hiện đang được sử dụng tại 62 quốc gia. Tính đến ngày 13-6, cả nước đã cấp hộ chiếu vắc-xin cho hơn 34 triệu người.
Minh Thảo
Theo KTSG Online