Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024

Làm đẹp thời hiện đại: cần sự tỉnh táo

(SGTT) – Hiện nay, nhu cầu làm đẹp, trẻ hóa không còn chỉ dành cho lứa tuổi trung niên nữa, mà từ những thiếu nữ đến người lớn tuổi đều có nhu cầu được trẻ đẹp bền vững với thời gian. Thực phẩm chức năng và các loại kem dưỡng không thể tạo được hiệu ứng khác biệt trông thấy, nên hầu hết phải nhờ đến các công nghệ của thẩm mỹ viện – có thể nói mọc lên như nấm và muôn hình vạn trạng.

Điểm chung là sự quảng cáo rầm rộ, những hình ảnh lột xác thần kỳ, hầu hết đánh vào tâm lý “sử dụng công nghệ nhưng vẫn đẹp tự nhiên” của khách hàng. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng suy xét nhiều yếu tố thì rất có thể rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang”.

“Thẩm mỹ viện” nhan nhản khắp nơi

Người ta luôn nói “Nhất dáng nhì da” tức là dáng người và làn da là hai yếu tố đầu tiên của một người phụ nữ đẹp. Cũng đánh vào tâm lý này, nên việc giảm béo các vùng và làm da trắng sáng mịn màng không tỳ vết là hai “công nghệ” ăn khách nhất.

Với các dịch vụ thẩm mỹ, người tiêu dùng cần thận trọng chọn lựa những nơi có uy tín, được cơ quan chức năng cấp phép. Ảnh: Minh Khuê

Liên quan đến da, mỗi thời kỳ lại rộ lên một phong trào, thời gian trước là “lăn kim vi điểm”, tức là làm xây xát bề mặt da rồi đưa dưỡng chất để da tái tạo lại nhanh chóng hơn. Công nghệ này thực sự được cả phụ nữ lẫn đàn ông tin tưởng vì thời gian đầu da đẹp lên trông thấy. Tuy nhiên, công nghệ này được thực hiện ở khắp nơi, thẩm mỹ viện lớn có nhỏ có, có giấy phép có, tự phát có, họ thường bán theo liệu trình 5-10 buổi mỗi buổi cách nhau từ nửa tháng đến một tháng, chi phí cho một lần khoảng trên dưới 1 triệu đồng, rất dễ để mọi người có nhu cầu tiếp cận.

Chị N.T.Q.Linh (45 tuổi, giáo viên tiểu học, ngụ tại Tân Phú) cho biết “Thời gian đầu tôi làm da rất đẹp, lúc nào cũng căng bóng mướt mát, nhưng có lần tôi bị nhân viên làm sâu quá quy định nên da không lành nổi, khi lành bị nám mảng điều trị rất lâu. Nhiều bạn bè đồng nghiệp tôi cũng đi làm, nhưng sau đó hết làm da lại trở lại như cũ. Tôi nghĩ là do lớp da non liên tục đi lên nên nó đẹp thôi. Mà cứ như vầy hoài không biết lâu dài có tác hại gì không. Hiện giờ tôi đã ngưng làm và da trở lại như cũ thậm chí còn xấu hơn do mất độ đàn hồi”.

Chị Linh cũng từng đi căng chỉ nâng cơ tại một bệnh viện thẩm mỹ với giá 75 triệu đồng cam kết 1 năm, nhưng sau thời gian đầu trẻ ra 10 tuổi thì chỉ khoảng mấy tháng sau da chị lại chùng và lão hóa như cũ.

Hiện nay, lăn kim da, cấy phấn, cấy tinh chất… đã không còn được ưa chuộng, nhường chỗ cho phong trào bán xâm lấn như tiêm collagen, tiêm máu tự thân (máu quay ly tâm tách huyết tương rồi tiêm trở lại vào da), tiêm chất làm đầy (collagen, filler), và kể cả biện pháp khá rủi ro là tẩy da, lột da hay truyền trắng, căng chỉ vào mặt… để giữ độ tươi trẻ trắng sáng của da.

Phong trào tiêm hay cấy chỉ này thì thượng vàng hạ cám, thậm chí một số tiệm phun xăm thẩm mỹ, tiệm làm tóc, hay bán quần áo cũng kiêm luôn làm đẹp cho khách có nhu cầu. Bên cạnh những vấn đề an toàn về kim tiêm, tay nghề, vấn đề quan trọng đặt ra là không biết những chất tiêm vào là dạng gì và có gây biến chứng gì hay không.

Khi được hỏi về việc tiêm collagen và filler được quảng cáo trên Facebook của shop quần áo P.M trên đường Trần Văn Đang, chị bán hàng mạnh dạn đáp “Chị chủ của chị làm phẫu thuật đẹp lắm, chị ấy làm dịch vụ này cho mấy em đến mua quần áo có nhu cầu làm đẹp luôn, tiêm mấy cái này dễ mà em chọn dạng nào sắp xếp chị gọi điều dưỡng bên chị đến tiêm cho. Chị thấy có nhiều em hai mấy tuổi cũng tiêm nên lúc nào nhìn cũng trẻ trung như gái 18 em ơi. Chần chừ người ta đẹp hết phần mình rồi!”.

Người tiêm cứ tiêm, người “bị” hay “được” tiêm cũng mù mờ về thứ mình tiêm vào, chỉ quan tâm giá bao nhiêu, đẹp lên bao nhiêu, trẻ lên bao nhiêu!

Thậm chí các “hotgirl thẩm mỹ” trên mạng cũng quảng cáo nhận tiêm các chất làm đầy hay collgen với giá chỉ vài trăm ngàn/cc, hoặc bán và nhận tuyền các tinh chất truyền trắng tại nhà.

Những thẩm mỹ viện thực sự uy tín không bao giờ nhận thực hiện tiêm trắng truyền trắng vì tất cả những chất này có tỷ lệ sốc phản vệ rất cao không thể cứu kịp, hậu quả lâu dài chưa ai kiểm chứng.

Với việc giảm béo bằng việc massage tan mỡ, dùng sóng siêu âm làm tan rồi đào thải ra ngoài qua đường bài tiết (như quảng cáo)… được cam kết không giảm hoàn lại tiền. Ban đầu, con đường đi đến thẩm mỹ viện của các chị em còn nhiều e ngại nên các dịch vụ không xâm lấn, không đau không phẫu thuật được ưu tiên hàng đầu để “làm quen”.

Chị Linh ở trên cũng là người từng trải nghiệm công nghệ sóng siêu âm kết hợp massage tan mỡ bụng tại thẩm mỹ viện D. trên đường Võ Văn Tần, quận 3. Sau khi hết liệu trình, chị không thấy hiệu quả, thì được nhân viên tư vấn nói “Cơ địa chị khó xuống rồi, chắc chị không nhịn ăn… hay là giờ chị tiêm thuốc tan mỡ dạng vầy.., khách xài khen nhiều lắm chị…”.

Thẩm mỹ viện “biến mất” – khách hàng biết kêu ai?

Hiện nay, một khi đã bước chân vào cơ sở thẩm mỹ thì khó lòng rút ra được. Lý do là các cơ sở thẩm mỹ thường bán theo gói liệu trình 8-10 lần, và mỗi khi sắp hết liệu trình, các nhân viên của thẩm mỹ viện sẽ liên tục giới thiệu, tặng dịch vụ mới cho đến nài nỉ với mục đích cuối cùng là khách mua thêm gói mới. Có nhiều khách nhẹ dạ có trong tay đến 2-3 gói mà không biết đi đến khi nào mới xong.

Với những thẩm mỹ viên lâu đời thì có thể yên tâm, nhưng với những cơ sở mới thì chuyện thẩm mỹ viện biến mất sau một ngày là điều hoàn toàn có thể. Những lúc này, chỉ có khách hàng là người chịu thiệt vì không biết kêu ai.

Chị V.T.Hà, chủ tiệm làm tóc ở đường Trường Sa, Quận 3 bức xúc kể “Tôi mua liệu trình giảm mỡ bụng nâng cơ bằng Hifu tại thẩm mỹ viện nổi tiếng có nhiều chi nhánh, trụ sở chính ở đường 3/2, nhưng gần nhà nên tôi mua chi nhánh Võ Văn Tần. Liệu trình hơn 60 triệu đồng, tôi được giảm còn hơn 20 triệu. Làm được có một lần, một ngày tôi đến nơi thì thấy đã thay bảng hiệu tên khác, tôi vào thấy nhân viên khác hẳn họ nói đã thay chủ. Tôi chạy lên trụ sở chính 3/2 thì được trả lời cái đó là do bạn quản lý cũ, tôi tìm quản lý cũ thì em này cho biết chỉ là nhân viên. Tôi rất bực tức nhưng không có thời gian đi kiện vì hai mươi mấy triệu nên thôi đành ngậm ngùi tạm biệt tất cả các thẩm mỹ viện. Tôi nghĩ họ đã biết là khách hàng ít kiện thưa nên làm vậy.”

Chị Q.Trân, khách hàng của chị Hà thì cho biết cũng mua liệu trình tắm trắng tại thẩm mỹ viện T.T cũng gặp trường hợp như trên.

Cùng cảnh ngộ, chị N.H.Mai (nội trợ) cho biết chị mua liệu trình của thẩm mỹ viện được quảng cáo liên kết với Hàn Quốc, trụ sở tại đường Võ Văn Tần, quận 3. Chị mua liệu trình tiêm máu tự thân và triệt lông tất cả hết hơn 20 triệu trước Tết, vào ngày 5-4-2021 vừa qua chị gọi điện đặt lịch hẹn thì không ai bắt máy, zalo của thẩm mỹ viện ngưng kết bạn với chị, chặn tin nhắn. Khi chị đến thì thấy biển hiệu tên mới người mới. Thẩm mỹ viện cũ có chi nhánh tại Đà Nẵng, Hải Phòng, chị gọi điện thì cho biết chỉ là nhân viên và chỉ nhượng thương hiệu, còn ở TPHCM thế nào không biết được.

Tiền mất thì đã mất, nhưng tâm lý của khách hàng khi gặp trường hợp này là rất bất an không biết những dịch vụ mình đã làm có an toàn hay không khi thẩm mỹ viện có dấu hiệu lừa đảo như thế.

Những trường hợp như các chị kể trên cũng không biết sẽ làm đơn thưa đến cơ quan chức năng nào quản lý cấp phép những thẩm mỹ viện mọc lên như nấm bây giờ.

Thiết nghĩ, cần lắm một cơ quan độc lập lên tiếng về những công nghệ và địa chỉ được cấp phép, nơi giải quyết những vụ lừa đảo gây biến chứng về sức khỏe, mất mát về tiền bạc.

Trong lúc chờ đợi các cấp có thẩm quyền, hơn ai hết, những người có nhu cầu làm đẹp cần hết sức tỉnh táo, không chạy theo phong trào hay những lời ngon ngọt trên mạng để rồi có thể phải rơi vào tình huống “tiền mất, tật mang”.

Cơ quan chức năng cảnh báo

Mới đây, Sở Y tế TPHCM cũng thể hiện sự quan ngại về việc các cơ sở thẩm mỹ mọc lên như nấm và có thể khiến khách hàng nhầm lẫn. Cơ quan này cho biết hiện nay, nhiều cơ sở làm đẹp khang trang, sang trọng, lợi dụng sự thiếu vắng về quy chuẩn đặt tên biển hiệu, tên công ty, nhiều cơ sở thẩm mỹ đặt những tên mỹ miều như “Viện thẩm mỹ”, “Thẩm mỹ viện”… khiến người dân thiếu thông tin có thể hiểu lầm.Các cơ sở gắn biển hiệu “Thẩm mỹ viện…”, “Viện thẩm mỹ…”, “Trung tâm thẩm mỹ…” hay tên đăng ký của một số doanh nghiệp như “Công ty TNHH Bệnh viện…” trong Giấp phép kinh doanh, dễ làm cho người dân có nhu cầu chăm sóc sắc đẹp bị lầm tưởng đây là những cơ sở y tế có chuyên môn cao, có thể thực hiện tất cả kỹ thuật thuộc chuyên khoa thẩm mỹ, mà không nắm rõ rằng không phải tất cả cơ sở cung ứng các dịch vụ làm đẹp đều thuộc sự quản lý của ngành y tế.Theo cổng thông tin Sở Y tế TPHCM, theo quy định của pháp luật, ngoại trừ các bệnh viện thẩm mỹ, có thể chia các cơ sở cung ứng các dịch vụ làm đẹp thành ba nhóm khác nhau, trong đó, có nhóm hoàn toàn không thuộc sự quản lý và cấp phép của ngành y tế, có nhóm phải được Sở Y tế cấp phép hoạt động. Cụ thể.

Mai Thy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Tia UV có làm biến dạng filler?

0
(SGTT) - Chất làm đầy filler đang là trào lưu làm đẹp trong thời gian gần đây. Là một phương pháp thẩm mỹ không...

Làm đẹp cấp tốc: coi chừng ‘mất Tết’ vì tin vào...

0
(SGTT) – Những ngày sát Tết Nguyên đán, nhu cầu làm đẹp của người dân ngày càng tăng cao. Nắm bắt tâm lý này,...

Mỹ phẩm không chứa nước là gì và ai có thể...

0
(SGTT) – Ngành công nghiệp mỹ phẩm Việt Nam ngày càng phát triển với nhiều thương hiệu nội địa. Những năm gần đây, khái...

Không cần tập nhiều cũng ốm, công nghệ đốt mỡ tự...

0
(SGTT) – Trước nhu cầu giảm cân của chị em, hiện nay trên thị trường xuất hiện rất nhiều phương pháp khác nhau. Trong...

Sở hữu “rãnh eo số 11” với những động tác Yoga...

0
(SGTT) - Sở hữu một vòng eo đẹp, săn chắc không chỉ giúp phái đẹp tăng sự tự tin, mà còn giúp các chị...

Chủ các cơ sở spa hụt hẫng khi phải dừng hoạt...

0
(SGTT) - Niềm vui mở cửa kéo dài chưa đến 2 ngày thì TPHCM lại có quyết định tiếp tục dừng hoạt động spa,...

Kết nối